Oppo kêu gọi Nokia chấm dứt tranh chấp về phí bản quyền sáng chế sau khi tòa án địa phương chấp nhận yêu cầu của nhà sản xuất smarphone Trung Quốc về mức phí thấp hơn.
Thế giới số

Oppo mong Nokia chấm dứt tranh chấp phí bản quyền 5G toàn cầu sau phán quyết của tòa án Trung Quốc

Sơn Vân 21:59 14/12/2023

Oppo kêu gọi Nokia chấm dứt tranh chấp về phí bản quyền sáng chế sau khi tòa án địa phương chấp nhận yêu cầu của nhà sản xuất smarphone Trung Quốc về mức phí thấp hơn.

Hãng smartphone nổi tiếng Oppo (Trung Quốc) đã kêu gọi gã khổng lồ điện tử Nokia (Phần Lan) tuân theo mức phí bằng sáng chế 5G toàn cầu do tòa án địa phương quy định và chấm dứt cuộc tranh chấp về bản quyền, khi Trung Quốc thể hiện sức mạnh pháp lý của mình trong các tranh chấp xuyên biên giới.

Theo phán quyết được công bố hôm nay, 14.12, Tòa án Nhân dân Trung cấp Trùng Khánh sơ thẩm (Trung Quốc) đã ủng hộ kiến nghị của Oppo nhằm hạ thấp mức phí bản quyền với các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP) của Nokia dành cho công nghệ 2G đến 5G. Các SEP rất cần thiết để sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn ngành.

Oppo cho biết trong một tuyên bố rằng hãng hoan nghênh quyết định của tòa án và kêu gọi Nokia tuân thủ, “để cả hai bên có thể nhanh chóng quay lại các cuộc đàm phán mang tính xây dựng”.

Đáp lại câu hỏi từ trang SCMP, Nokia cho biết sẽ kháng cáo phán quyết “chỉ giới hạn ở khu vực tài phán của Trung Quốc và do đó chỉ thể hiện một quan điểm”.

“Các tòa án bên ngoài Trung Quốc xác nhận rằng Oppo đã vi phạm những cam kết với tư cách là người sử dụng công nghệ của Nokia theo các tiêu chuẩn mở… Chúng tôi vẫn tin tưởng vào quan điểm của mình trong vụ tranh chấp tổng thể và hy vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề”, tập đoàn Phần Lan thông báo.

Hai công ty đã vướng vào nhiều vụ kiện bằng sáng chế ở 12 quốc gia kể từ năm 2021 do họ không đạt được thỏa thuận về mức giá sử dụng danh mục bằng sáng chế 5G của Nokia trên smartphone Oppo. Oppo đã nộp đơn tại Trùng Khánh, khu đô thị phía tây nam Trung Quốc, vào năm 2021.

Phán quyết này là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thực thi quyền tư pháp với mức phí bản quyền do các chủ sở hữu bằng sáng chế nước ngoài đặt ra.

Oppo-mong-Nokia-cham-dut-tranh-chap-phi-ban-quyen-5G-toan-cau-sau-phan-quyet-cua-toa-an-Trung-Quoc1.jpg
Oppo kêu gọi Nokia tuân theo mức phí bằng sáng chế 5G toàn cầu do tòa án ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) quy định và chấm dứt cuộc tranh chấp về bản quyền - Ảnh: Internet

Trong một tranh chấp tương tự giữa Oppo và Sharp vào năm 2020, một tòa án ở thành phố Thâm Quyến (trung tâm công nghệ ở Trung Quốc) đã quyết định rằng họ có thẩm quyền ấn định tỷ giá Frand toàn cầu. Đây là thuật ngữ mô tả nghĩa vụ của những người nắm giữ bằng sáng chế trong việc cấp phép cho các tài sản trí tuệ một cách “công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử”.

Được Foxconn (Đài Loan) mua lại, Sharp đã kháng cáo vụ việc. Sau khi Tòa án Tối cao Trung Quốc giữ nguyên phán quyết, Oppo và Sharp đã đạt được thỏa thuận cấp phép chéo để chấm dứt tất cả vụ kiện tụng đang diễn ra của họ trên toàn cầu.

Trong trường hợp mới nhất, tòa án ở Trùng Khánh đã ra phán quyết rằng Nokia phải tính phí cấp phép 1,151 USD cho mỗi thiết bị cầm tay đa chế độ 5G tại các thị trường phát triển (gồm cả châu Âu) và 0,707 USD cho mỗi thiết bị ở các quốc gia khác, gồm cả Trung Quốc.

Theo thông báo trên trang web của hãng, Nokia tính phí cấp phép tối đa là 3 euro (3,24 USD) cho mỗi smartphone 5G.

Ngoài ra, tòa án ở Trùng Khánh đã quyết định rằng tổng gánh nặng phí bản quyền với tiêu chuẩn 5G trong ngành điện thoại di động nên dao động từ 4,341% đến 5,273%. Đây là phán quyết đầu tiên thuộc loại này trong ngành.

Tòa án ở Trùng Khánh cũng ra phán quyết rằng mức phí cấp phép cho smartphone 4G là 0,777 USD mỗi thiết bị ở các khu vực phát triển và 0,477 USD mỗi chiếc tại các thị trường khác, gồm cả Trung Quốc.

Theo Julia Zhu, người đứng đầu bộ phận cấp phép và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Oppo, các công ty Trung Quốc đang cố gắng có tiếng nói lớn hơn trong việc định giá khi trở thành chủ sở hữu bằng sáng chế nổi bật hơn về các công nghệ liên quan đến mạng di động so với thời kỳ 4G.

Julia Zhu nói: “Chúng tôi hy vọng phán quyết của tòa án ở Trùng Khánh sẽ đặt ra một tiêu chuẩn cho ngành và mức giá do tòa án đặt ra sẽ là tài liệu tham khảo chắc chắn trong các vụ kiện tụng khác”.

Theo công ty nghiên cứu IDC, Oppo chứng kiến doanh số smartphone của mình giảm 6,5% trong quý 3/2023 nhưng vẫn là thương hiệu lớn thứ tư thế giới. Oppo đang rất muốn chấm dứt tranh chấp với Nokia.

Năm ngoái, Oppo đã thua trong vụ kiện vi phạm bằng sáng chế trước Nokia ở Đức. Kết quả là một số thiết bị cầm tay của Oppo bị cấm bán ở Đức. Kể từ đó, công ty Trung Quốc đã xóa hầu hết sản phẩm khỏi trang web tiếng Đức của mình.

Đầu năm nay, tòa án ở Ấn Độ đã yêu cầu Oppo phải trả cho Nokia một khoản phí cấp phép tương đương 23% doanh số bán hàng tại địa phương của công ty Trung Quốc.

Trong khi một tòa án ở Indonesia đã bác bỏ khiếu nại vi phạm bằng sáng chế của Nokia với Oppo.

Vì tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất smartphone trong nước từ lâu đã có thể đạt được khoản phí cấp phép bằng sáng chế thấp hơn so với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, những hãng Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc đàm phán về mức phí cấp phép bằng sáng chế ưu đãi.

Vivo, công ty “anh em” của Oppo (đều thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ BBK Electronics), cũng gặp phải vụ kiện tương tự do Nokia đệ trình và đã ngừng bán sản phẩm của mình tại Đức kể từ tháng 5. Điều này diễn ra sau khi Vivo hủy bỏ kế hoạch mang sản phẩm của mình đến Hà Lan, nơi mà Nokia thực hiện một vụ kiện tương tự.

Trong khi đó, Oppo và Xiaomi đang phải đối mặt với các vụ kiện mà tập đoàn điện tử Panasonic (Nhật Bản) đưa ra tại Trung Quốc và châu Âu về công nghệ 4G.

Bài liên quan
Huawei phản đối bán liên doanh với Nokia, dọa ngừng cấp phép công nghệ
Việc Huawei đe dọa ngừng cấp phép công nghệ cho TD Tech, liên doanh với Nokia, có thể làm hỏng kế hoạch của nhà sản xuất thiết bị viễn thông Phần Lan bán phần lớn cổ phần cho New East New Materials với giá 305,2 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Oppo mong Nokia chấm dứt tranh chấp phí bản quyền 5G toàn cầu sau phán quyết của tòa án Trung Quốc