Các địa phương khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ưu tiên mảng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa và sản xuất sản phẩm công nghệ cao...

Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng: Các địa phương hướng đến AI, công nghệ sinh học

Hoài Lam | 12/02/2023, 15:58

Các địa phương khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ưu tiên mảng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa và sản xuất sản phẩm công nghệ cao...

Phấn đấu thành trung tâm KH-CN của cả nước

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Đồng bằng sông Hồng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Toàn vùng có trên 500 tổ chức KH-CN, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D), có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; tốc độ đổi mới công nghệ (giai đoạn 2016 - 2020) đạt 51,7%.

Ngoài ra, tỉ lệ đóng góp của KH-CN (thông qua chỉ số TFP) vào tăng trưởng kinh tế vùng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 48,1%; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong đó hạt nhân là thủ đô Hà Nội.

"Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng rất có ý nghĩa vì nó không chỉ quan trọng đối với vùng mà nó còn cho cả nước. Vì KH-CN và đổi mới sáng tạo không phát triển thì Việt Nam sẽ rất khó để bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Để vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm KH-CN, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ KH-CN đề xuất cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH-CN; đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH-CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực…

dat-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt - Ảnh: TTCP

Về phát triển hạ tầng, Bộ trưởng cho biết, cần phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo tới các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu.

“Tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, bảo đảm chi cho lĩnh vực này từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ”, ông Đạt nêu.

Về phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho rằng phải kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các chương trình đào tạo cho nhân lực quản trị công nghệ và quản lý cho doanh nghiệp ở các trình độ/cấp độ khác nhau.

Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế. Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ để định hướng cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh với doanh nghiệp FDI; thành lập các viện nghiên cứu bên cạnh các doanh nghiệp FDI để học hỏi…

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực AI, công nghệ sinh học

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam.

Theo đó, Khu công nghệ cao Hà Nam định hướng phát triển 3 vùng chức năng (Vùng thí nghiệm công nghệ cao; Vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao; Vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo) tập trung vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới.

“Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng vượt trội, cần nguồn lực đầu tư lớn; trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn hẹp, việc thu hút đầu tư và sử dụng tối ưu nguồn đầu tư là một đòi hỏi khách quan, phù hợp với xu thế phát triển”, ông Huy nói.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước, tỉnh Hà Nam đề xuất tập trung hoàn thiện các thể chế, chính sách về phát triển công nghệ cao.

Theo đó, để giải quyết khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân phát triển khu Công nghệ cao cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý quy định đồng bộ, trọng tâm là khẩn trương ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28.8.2003 của Chính phủ về việc ban hành quy chế khu công nghệ cao.

vung.jpg
Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: TTCP

Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ bổ sung đối với mô hình khu công nghệ cao do doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân đầu tư được triển khai lần đầu tại Việt Nam để khuyến khích, nhân rộng mô hình phát triển như: Ưu đãi, hỗ trợ bổ sung về thuế, đất đai, hỗ trợ chi phí thuê hạ tầng, nhà ở; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân cấp, ủy quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch...

Ngoài ra, hoàn thiện, ban hành các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác).

“Đây là cơ sở quan trọng để sắp xếp, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư nói chung, đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới nói riêng”, ông Huy nêu.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đề nghị quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục, các thiết chế khoa học và công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp.

“Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, ưu tiên các hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa và sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số; từng bước xây dựng xã hội số để tạo thị trường cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số”, ông Huy nói.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, địa phương cũng phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt đang tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển điện gió ven bờ và ngoài khơi nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh.

“Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào năm 2014. Trong đó, xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh hóa và bền vững, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại”, ông Tùng nói.

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng: Các địa phương hướng đến AI, công nghệ sinh học