Nhóm các chuyên gia và nhà đầu tư về trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc cho biết ChatGPT là thời điểm bước ngoặt cho công nghệ này, có thể giống với cuộc đổ bộ lên Mặt trăng năm 1969, khi sự cường điệu xoay quanh chatbot của Open AI tiếp tục lan rộng.
OpenAI là công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), được Microsoft đầu tư hàng tỉ USD.
Trong cuộc thảo luận nhóm được phát trực tiếp do cổng thông tin internet Sina.com tổ chức, Yuan Jinghui (nhà khoa học máy tính thành lập công ty khởi nghiệp OneFlow có trụ sở tại Bắc Kinh) và Duan Yitao (trưởng nhóm khoa học của công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Youdao do hãng NetEase hậu thuẫn) đã suy nghĩ về việc so sánh ChatGPT với thời điểm đặt chân trên Mặt trăng có phù hợp hay không.
Theo Yuan Jinghui, với bước nhảy vọt về khả năng ngôn ngữ, nó đạt đến mức độ quan trọng đó. “Nói chung, chỉ con người mới phát triển được khả năng ngôn ngữ… Khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên được ChatGPT thể hiện là viên ngọc quý trên đỉnh của trí tuệ nhân tạo”, Yuan Jinghui nói.
Duan Yitao đồng ý rằng ChatGPT đánh dấu một bước tiến lớn cho sự phát triển của AI. “Tôi nghĩ rằng không có nhiều trí tuệ nhân tạo thực sự trong bất kỳ công nghệ tương tự nào trước ChatGPT. Chỉ có ChatGPT mới xuất hiện đã thúc đẩy chúng tôi tiến một bước gần hơn đến AI thực sự”, Duan Yitao nói trong hội thảo trực tuyến.
Như đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác, người dân Trung Quốc đã bị thu hút bởi khả năng của ChatGPT kể từ khi chatbot này trình làng cuối tháng 11.2022. Chatbot, dựa trên các mô hình ngôn ngữ GPT-3 của OpenAI, đã chứng minh khả năng đưa ra câu trả lời thuyết phục và đôi khi chi tiết cho các câu hỏi phức tạp, dù cũng thường trả lời thiếu chính xác so với thực tế.
“ChatGPT đôi khi viết những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa”, OpenAI thừa nhận trên trang web của mình khi ra mắt.
Bất chấp những hạn chế đó, sự phổ biến của ChatGPT đã châm ngòi cho một cuộc chiến về AI. Microsoft, nhà đầu tư vào OpenAI, đã bắt đầu tích hợp công nghệ này vào các sản phẩm của mình, gồm cả công cụ tìm kiếm Bing.
Google đã công bố “báo động đỏ” và chạy đua để trình làng sản phẩm tương tự có tên Bard, dù bản xem trước ban đầu của chatbot này đưa ra một phản hồi không chính xác khiến cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 10% hôm 8.2.
Trong một tweet quảng cáo Bard, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard đang trả lời các câu hỏi của người dùng, bao gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope.
Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.
Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".
Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.
Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng vào cuộc. Baidu, nhà đầu tư hàng đầu vào công nghệ AI ở Trung Quốc, đã thông báo sẽ ra mắt Ernie Bot vào tháng 3. Động thái này khiến các nhà đầu tư đẩy cổ phiếu Baidu (niêm yết tại Hồng Kông) lên hơn 13%.
Ernie (Enhanced Representation through Knowledge Integration) là một mô hình ngôn ngữ lớn do AI cung cấp, được giới thiệu vào năm 2019. Ernie đã dần phát triển để có thể thực hiện các nhiệm vụ bao gồm hiểu ngôn ngữ, tạo ngôn ngữ và chuyển văn bản thành hình ảnh.
Alibaba hôm 8.2 cho biết đang phát triển một công cụ AI kiểu ChatGPT và trong quá trình thử nghiệm nội bộ.
Chatbot có một quá khứ khó khăn ở Trung Quốc, nơi thông tin chính trị nhạy cảm, ngay cả khi là sự thật, thường không được chính quyền hoan nghênh. Chatbot Xiaoice của Microsoft ra mắt cách đây một thập kỷ, từng bị rút khỏi ứng dụng nhắn tin QQ của Tencent Holdings vì cho rằng “giấc mơ Trung Hoa” của họ là “chuyển đến Mỹ”.
Xiaoice được tách thành một công ty riêng vào năm 2020. Giám đốc điều hành Xiaoice - Li Di cũng tham gia cuộc thảo luận trên Sina.
Li Di cho biết, bằng cách sử dụng một mô hình ngôn ngữ quy mô lớn để học hỏi kiến thức nhân loại trong nhiều thập kỷ, OpenAI đã phá vỡ quan điểm bi quan rằng sẽ có rất ít sự phát triển của AI trong vài năm tới do tắc nghẽn công nghệ.
Song giống như Xiaoice trước đó, khả năng nói chuyện về bất kỳ chủ đề nào của ChatGPT khiến một số công ty trở nên lúng túng. OpenAI không cung cấp dịch vụ của mình ở Trung Quốc. Thế nhưng, các ứng dụng của bên thứ ba trên những nền tảng khác nhau sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) ở Trung Quốc đã giúp một số người truy cập được ChatGPT vì OpenAI chặn số điện thoại và địa chỉ IP của nước này để tạo tài khoản.
WeChat của Tencent đã chặn nhiều chương trình nhỏ liên quan ChatGPT kể từ khi dịch vụ này ra mắt.
Nhà phát triển phần mềm, từ chối nêu tên, cho biết các đồng nghiệp của anh đã khởi chạy một chương trình nhỏ ChatGPT hôm 8.2 nhưng bị WeChat gỡ bỏ khoảng 7 giờ sau đó.
Thị trường tài khoản OpenAI, không thể tạo bằng số điện thoại Trung Quốc, cũng mọc lên trên các trang thương mại điện tử. Trang Taobao của Alibaba đã hiển thị hàng chục danh sách cho các tài khoản như vậy hôm 8.2. Đến ngày 9.2, các tìm kiếm “ChatGPT” và “OpenAI” không trả lại kết quả nào.
Không rõ liệu Taobao tự chặn các tìm kiếm hay do yêu cầu của cơ quan quản lý. Taobao và Alibaba không trả lời ngay lập tức câu hỏi về vấn đề này.
Tuy nhiên đã có sự cả sự thổi phồng và cảnh báo về khả năng của ChatGPT.
Shou Chong, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm CCV, trong cùng cuộc thảo luận nhóm đã gọi các câu trả lời của ChatGPT là “tầm thường”. Shou Chong gợi ý rằng sự tiến bộ thực sự sẽ đến khi chatbot có thể đưa ra những câu trả lời sâu sắc mà không chỉ lặp lại thông tin được lấy từ nơi khác.
Li Di đã bày tỏ lo ngại về chi phí. Vào tháng 12.2022, Li Di nói với trang National Business Daily rằng mỗi truy vấn ChatGPT tiêu tốn của OpenAI vài xu Mỹ. Ông nói: “Việc thuê một người để xử lý các truy vấn có thể tốn ít chi phí hơn”.
Li Di cũng lưu ý đến sự đánh đổi giữa giá cả và chất lượng câu trả lời từ các mô hình ngôn ngữ lớn. Theo ông, mặc dù nhiều mô hình quy mô lớn đã được tạo ra, nhưng các ứng dụng thực tế của chúng bị hạn chế bởi chi phí và độ trễ cao.
Trong một cuộc trao đổi trên Twitter với Elon Musk đầu tháng 12.2022, Sam Altman – Giám đốc điều hành OpenAI thừa nhận rằng mỗi cuộc trò chuyện trên ChatGPT tiêu tốn của công ty vài xu Mỹ.
Theo ước tính của Tom Goldstein, phó giáo sư khoa học máy tính của Đại học Maryland (Mỹ), OpenAI đang chi 100.000 USD mỗi ngày vì ChatGPT, tương đương khoảng 3 triệu USD mỗi tháng.
Việc hợp tác với Microsoft (cung cấp dịch vụ điện toán từ xa) có thể cắt giảm chi phí cho OpenAI, nhưng "dù bằng cách nào thì nó cũng không hề rẻ", Tom Goldstein khẳng định.