Một phòng thí nghiệm ở thành phố Thạch Gia Trang (Trung Quốc) đã bị điều tra vì nghi ngờ che giấu kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Các cơ quan công an thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc cho biết đã bắt đầu điều tra các phòng thí nghiệm trong thành phố sau vụ bùng phát các ca mắc COVID-19 không rõ nguyên nhân tại quận Dụ Hoa.
Cuộc điều tra cho thấy phòng thí nghiệm Harmony Health ở thành phố Thạch Gia Trang đã phát hiện 1 ca dương tính với COVID-19 trong số lô 20 mẫu được lấy từ một cộng đồng dân cư ở quận Dụ Hoa vào ngày 14.9, nhưng chưa báo cáo với chính quyền.
Được thành lập vào tháng 11.2021, phòng thí nghiệm này do Beijing Harmony Health Medical Diagnostics điều hành, hiện chưa đưa ra bình luận gì về chuyện trên.
Thạch Gia Trang đã rơi vào "tình trạng khẩn cấp" vào ngày 28.8 sau khi một số ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong thành phố.
Tương tự như nhiều thành phố khác của Trung Quốc, các biện pháp truy quét đã được đưa ra dù chỉ có số ít ca mắc COVID-19.
Cư dân ở bốn quận của Thạch Gia Trang nhận lệnh làm việc tại nhà từ ngày 28 đến 31.8 và việc xét nghiệm hàng loạt đã được tiến hành.
Thành phố có khoảng 11 triệu dân này cũng đình chỉ các dịch vụ tàu điện ngầm và tạm dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu ở các quận bị phong tỏa.
Những hạn chế này cuối cùng đã được dỡ bỏ vào ngày 6.9, nhưng Thạch Gia Trang vẫn tiếp tục xét nghiệm hàng loạt theo chính sách Zero COVID của Trung Quốc.
Tính đến nửa đêm 24.9, toàn tỉnh Hà Bắc chỉ có 3 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 62 trường hợp không có triệu chứng khác.
Kể từ ngày 14.9, Thạch Gia Trang đã báo cáo 20 ca mắc COVID-19, tất cả đều không có triệu chứng.
Trường hợp ở Thạch Gia Trang là cuộc tranh cãi mới nhất về kết quả không chính xác từ các phòng thí nghiệm phân tích các mẫu được thu thập trong quá trình xét nghiệm COVID-19 hàng loạt.
Vào tháng 5, hàng chục người từ một số phòng xét nghiệm y tế có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bị bắt giữ vì cáo buộc cố gắng cắt giảm chi phí và tiết kiệm thời gian bằng cách trộn quá nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm dù biết rằng điều đó sẽ dẫn đến kết quả không chính xác.
Đầu tháng 5, nhiều người dân Thượng Hải đã nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ Phòng thí nghiệm Y tế Zhongke Runda nhưng sau đó kết quả lại là xét nghiệm âm tính tại các bệnh viện.
Nhiều cư dân Thượng Hải viết trên mạng xã hội Weibo rằng họ nhận được kết quả dương tính giả từ Zhongke Runda, công ty điều hành 3 trung tâm xét nghiệm tại thành phố 25 triệu dân.
Ngày 11.5, công ty mẹ của Zhongke Runda là Shanghai Runda Medical Technology cho biết kết quả dương tính giả đã làm “dấy lên nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu xét nghiệm của Zhongke Runda” và giới chức thành phố đang điều tra.
Trước đó, cơ quan y tế Thượng Hải tuyên bố mở cuộc điều tra với một “tổ chức xét nghiệm bên thứ ba” sau khi những lời phàn nàn trên mạng ngày càng nhiều.
Một người phụ nữ cho biết con gái cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính tại trung tâm của Zhongke Runda và bị đưa đến cơ sở cách ly với điều kiện không tốt.
Trong một số trường hợp, toàn bộ tòa nhà nơi người có kết quả xét nghiệm dương tính ở đều phải cách ly.
Một cư dân khác cũng nhận kết quả dương tính giả từ Zhongke Runda tiết lộ cô đã mắc COVID-19 sau khi trải qua 4 ngày trong khu cách ly.
Trung Quốc đã thúc đẩy việc xét nghiệm hàng loạt thường xuyên như một cách để giảm sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2, thúc giục các thành phố lớn thiết lập “vòng xét nghiệm 15 phút”.
Thực hành tiêu chuẩn là đặt 5 hoặc 10 mẫu trong một lô và sau đó xét nghiệm từng lô để tìm vi rút SARS-CoV-2. Nếu một lô có xét nghiệm dương tính thì mỗi người trong nhóm đó sẽ được kiểm tra lại để xác định ca mắc COVID-19.
Xét nghiệm COVID-19 là ngành kinh doanh đang bùng nổ. Theo một nhà phân tích tại hãng Soochow Securities, nếu tất cả các thành phố cấp một và cấp hai của Trung Quốc, nơi có khoảng 505 triệu cư dân, thực hiện xét nghiệm hàng loạt trong một năm thì chi phí có thể lên tới 1,7 nghìn tỉ nhân dân tệ (238 tỉ USD), hoặc khoảng 1,5% GDP của cả nước vào năm ngoái.
Trên khắp Trung Quốc, các quan chức địa phương đang chịu áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn bất kỳ đợt bùng phát dịch nào trước thềm đại hội Đảng Cộng sản vào tháng tới.
Ủy ban Y tế Quốc gia đã báo cáo 999 ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc vào ngày 25.9, trong đó 295 ca có triệu chứng và 704 trường hợp không có triệu chứng. Con số này được so với 936 ca mắc COVID-19 một ngày trước đó (217 ca có triệu chứng và 719 trường hợp không triệu chứng).
Không có thêm ca tử vong do COVID-19, giống như một ngày trước đó, giữ nguyên số người chết vì SARS-CoV-2 của cả Trung Quốc là 5.226.
Tính đến ngày 25.9, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 249.684 ca mắc COVID-19 có triệu chứng.
Theo dữ liệu của chính quyền địa phương, thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải không báo cáo thêm ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng hôm 25.9.