Yêu cầu người lao động không được làm thêm khi có dịch của PV Oil đang vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận, vì vậy phải thu hồi văn bản...

PV Oil phải thu hồi văn bản yêu cầu nhân viên không được làm thêm trong thời gian dịch

Tuyết Nhung | 15/06/2021, 14:49

Yêu cầu người lao động không được làm thêm khi có dịch của PV Oil đang vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận, vì vậy phải thu hồi văn bản...

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ngày 14.6 đã có thông báo về việc áp dụng quy chế với người lao động có nhu cầu làm thêm ngoài giờ với những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Trong văn bản đó, PV Oil yêu cầu toàn bộ người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm cao như shipper, bán hàng, taxi công nghệ… bởi đây là những công việc có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao. Trường hợp nếu người lao động thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc trên thì người lao động làm đơn xin nghỉ việc để tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu người lao động không được đi làm khi có dịch của Tổng công ty Dầu Việt Nam đã gây bức xúc dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu thực sự vô lý, vi phạm luật trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh bùng phát.

Trước những ý kiến trên, ngày hôm nay (15.6), PV Oil đã phải lên tiếng giải thích về việc đưa ra văn bản đề xuất trên. Theo đó, tổng công ty cho biết trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL liên tục phải chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Có những nơi, có những thời điểm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOIL bị giảm tới hơn 40%.

"Mặc dù vậy, công ty mẹ cũng như tất cả các đơn vị thành viên trên toàn hệ thống PVOIL luôn luôn cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Không có bất cứ người lao động nào của PVOIL bị mất việc vì lý do COVID-19. Không những thế, PVOIL còn luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, quyền lợi đối với người lao động, đặc biệt là tiền lương và thu nhập", đại diện đơn vị này nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, có một số ít trường hợp người lao động của PVOIL tham gia một số công việc làm thêm có tính chất rủi ro phơi nhiễm dịch bệnh cao do phải tiếp xúc với nhiều người, đi lại liên tục nhiều nơi. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay, tổng công ty cho rằng việc làm thêm trên có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và thậm chí có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty, gián đoạn chuỗi cung ứng xăng dầu gồm hơn 600 cây xăng, gần 30 kho xăng dầu trên toàn quốc, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của gần 6.000 người lao động của toàn hệ thống PVOIL, ảnh hưởng đến việc thực hiện “mục tiêu kép” của doanh nghiệp.

"Chính vì vậy, song song với việc tôn trọng quyền tự do cá nhân trong khuôn khổ pháp luật cho phép của người lao động, PVOIL kêu gọi toàn thể người lao động thực hiện nghiêm chủ trương 5K của Chính phủ, tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của trung ương và địa phương, đặc biệt là cân nhắc một cách có trách nhiệm mọi hành động của cá nhân mình để bảo vệ sức khỏe bản thân, không làm ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đơn vị cũng như cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Với mục đích trên, ngày 14.6.2021, tổng công ty đã ban hành văn bản số 3774/DVN-ATCL. Tuy nhiên, trong văn bản có sử dụng một số câu từ chưa phù hợp. Vì lý do đó, tổng công ty đã thu hồi văn bản nêu trên", đại diện PVOIL lên tiếng.

Năm 2020, PVOil đạt 50.541 tỉ đồng tổng doanh thu hợp nhất, giảm 37% so với năm 2019. Trong khi đó, tổng chi phí chỉ giảm 18% về 2.573 tỉ đồng. PVOil báo lỗ sau thuế hợp nhất là 166 tỉ đồng cả năm 2020, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 149 tỉ đồng.

Phía PVOil cho biết, dù đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tác động kép của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu, tuy nhiên công ty vẫn phải ghi lỗ trong năm 2020, chủ yếu do trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào các công ty con bị lỗ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PV Oil phải thu hồi văn bản yêu cầu nhân viên không được làm thêm trong thời gian dịch