Quân đội Độc lập Kachin (KIA) hôm 3.5 cho biết đã bắn hạ một chiếc trực thăng sau khi đáp trả các cuộc không kích của quân đội.
Một quan chức của KIA cho biết thông tin này.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng hàng chục ngàn dân thường đã phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của cuộc giao tranh giữa quân đội và quân nổi dậy dân tộc thiểu số ở các khu vực biên giới phía bắc và phía đông Myanmar. Xung đột gia tăng sau khi các tướng lĩnh Myanmar đảo chính và lên nắm quyền vào ngày 1.2, lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Trưởng bộ phận thông tin của KIA - Naw Bu cho biết chiếc trực thăng bị bắn rơi vào khoảng 10 giờ 20 sáng tại một ngôi làng gần thị trấn Moemauk, tỉnh Kachin.
"Hội đồng quân sự đã phát động các cuộc không kích vào khu vực đó từ khoảng 8 hoặc 9 giờ sáng nay, dùng máy bay chiến đấu phản lực và cả máy bay trực thăng tấn công nên chúng tôi đã bắn trả chúng", ông nói qua điện thoại, từ chối cho biết những vũ khí đã được sử dụng.
Các cổng tin tức MizzimaDaily và Kachinwaves cũng đưa tin về vụ rơi trực thăng bên cạnh những bức ảnh cho thấy một đám khói bốc ra từ mặt đất.
Một người dân trong khu vực giấu tên cho biết qua điện thoại rằng 4 người đã chết trong bệnh viện sau khi đạn pháo bắn trúng một tu viện trong làng.
Phát ngôn viên quân đội đã không trả lời một cuộc điện thoại tìm kiếm bình luận.
Quân đội Độc lập Kachin (KIA) là một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất Myanmar thực hiện nhiều vụ tấn công và đáp trả quân đội nhất kể từ cuộc đảo chính.
Trong các cuộc đụng độ với quân đội Myanmar cuối tháng 3 và đầu tháng 4, KIA giết ít nhất 20 binh sĩ và phá hủy 4 xe tải quân sự.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, với các cuộc biểu tình hầu như hàng ngày chống lại sự cai trị của quân đội trên khắp đất nước.
Cuộc đảo chính cũng đã làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số, những người đã chiến đấu trong nhiều năm để giành quyền tự trị lớn hơn ở các vùng biên giới.
Giao tranh đã bùng phát giữa quân đội với Liên minh Quốc gia Karen (KNU) gần biên giới Thái Lan và KIA gần biên giới với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các cuộc đụng độ đã nổ ra ở bang Chin, giáp biên giới với Ấn Độ, giữa các nhà hoạt động chống đảo chính và lực lượng an ninh. Hôm 28.4, trang Myanmar Now báo cáo 30 binh sĩ chính quyền đã thiệt mạng trong 4 ngày đụng độ ở đó.
Theo trang Nikkei, ít nhất 15 binh sĩ Myanmar thiệt mạng hôm 28.4 trong trận chiến giữa lực lượng chính phủ và Lực lượng Phòng vệ Chinland, được thành lập vào đầu tháng này bởi những người biểu tình có vũ trang chống đảo chính, ở bang Chin.
Trận chiến nổ ra hai ngày sau khi một đơn vị địa phương của quân đội Myanmar được cho đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Lực lượng Phòng vệ Chinland. Thỏa thuận được coi là một âm mưu câu giờ để đưa quân tiếp viện đến từ các vùng khác của đất nước.
Myanmar Now báo cáo rằng quân đội Myanmar đã sử dụng bệ phóng tên lửa và pháo trong một cuộc tấn công hôm qua. Chưa rõ thương vong về phía Lực lượng Phòng vệ Chinland.
Liên minh Quốc gia Karen đã chiếm các đồn quân đội Myanmar gần biên giới Thái Lan hôm 27.4 trong một số cuộc đụng độ dữ dội nhất kể từ cuộc đảo chính, bao gồm các cuộc không kích của quân đội.
Theo các nhà chức trách Thái Lan theo dõi cuộc giao tranh, quân đội Myanmar đã tiến hành nhiều cuộc không kích hơn vào khu vực hôm 28.4 với cả máy bay phản lực và trực thăng.
Khoảng 100 dân làng, chủ yếu là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai, đã vượt sang biên giới phía Thái Lan để thoát khỏi các cuộc không kích, nhóm viện trợ Free Burma Rangers cho biết.
Hôm 2.5, các lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng vào một số cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều ngày, khiến 8 người thiệt mạng, truyền thông đưa tin.
Sau một thời gian thưa dần đám đông và có vẻ như bị lực lượng an ninh kiềm chế hơn, các cuộc biểu tình trong nước phối hợp với biểu tình trong các cộng đồng Myanmar trên khắp thế giới để đánh dấu điều mà các nhà tổ chức gọi là "cuộc cách mạng mùa xuân Myanmar toàn cầu".
Nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 765 người biểu tình kể từ cuộc đảo chính.
Quân đội cho biết phải nắm quyền vì những lời phàn nàn về gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11.2020 mà đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia của bà Suu Kyi (75 tuổi) giành chiến thắng đã không được ủy ban bầu cử giải quyết công bằng. Ủy ban bầu cử bác bỏ thông tin này.
Suu Kyi đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính cùng với nhiều thành viên khác trong đảng của bà.