Cuộc gặp mang tính bước ngoặt tại Thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 24.4 giữa các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và người đứng đầu quân đội Myanmar – Thượng tướng Min Aung Hlaing, được miêu tả là thành công hơn mong đợi nhưng cũng có thất bại.

ASEAN giám sát lời hứa dừng bạo lực của quân đội Myanmar thế nào khi đàn áp vẫn diễn ra ban đêm?

Nhân Hoàng | 27/04/2021, 17:01

Cuộc gặp mang tính bước ngoặt tại Thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 24.4 giữa các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và người đứng đầu quân đội Myanmar – Thượng tướng Min Aung Hlaing, được miêu tả là thành công hơn mong đợi nhưng cũng có thất bại.

Theo những người ở ASEAN, cuộc họp đã thành công ở chỗ nó diễn ra trong một tổ chức tự hào về nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nhau. Một số nhà phân tích nói rằng đó không phải là chiến thắng hay thất bại, mà là một cái gì đó ở giữa. Với Min Aung Hlaing - nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, tham gia cuộc họp là minh chứng cho việc nắm quyền của ông ta từ ngày 1.2, như được miêu tả qua dòng tiêu đề trên trang nhất phương tiện truyền thông nhà nước: "Myanmar hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN phù hợp với Hiến chương ASEAN: Thượng tướng".

Ở các thành phố của Myanmar và trên mạng xã hội, tâm trạng của các nhà hoạt động và người biểu tình là vỡ mộng và thất vọng với ASEAN cùng các tổ chức quốc tế khác.

Erik Thant, người biểu tình trẻ tuổi Myanmar ở thành phố Yangon, cho biết: “Việc Min Aung Hlaing ra vào tự do trong hội nghị thượng đỉnh Jakarta mà không được ASEAN yêu cầu khôi phục dân chủ và thả tất cả các tù nhân chính trị khiến thể chế này trở thành trò cười. Ngoài ra, ASEAN vẫn chưa vạch ra cách họ sẽ giám sát liệu Min Aung Hlaing có thực hiện lời hứa của mình hay không và họ sẽ bắt ông ta phải giải trình như thế nào".

Trích dẫn tiền lệ khi Khối thịnh vượng chung, bao gồm ba nước ASEAN (Brunei, Singapore và Malaysia), đình chỉ hoặc cấm các thành viên dàn dựng các cuộc đảo chính hoặc duy trì chế độ phân biệt chủng tộc, Erik Thant nói "lựa chọn phù hợp cho ASEAN là loại Myanmar ra khỏi khối cho đến khi cuộc đảo chính đã kết thúc".

Thế nhưng với các nhà lãnh đạo ASEAN, hội nghị thượng đỉnh đã tạo ra những cơ hội mới để tạo động lực mới cho một khu vực vốn đang thiếu sự thống nhất và năng động.

"Chúng tôi đã thành công", Thủ tướng Malaysia - Muhyiddin Yassin nói sau cuộc họp hôm 24.4, lưu ý rằng kết quả là "vượt quá mong đợi".

Theo các nhà phân tích khu vực, hội nghị thượng đỉnh và kết quả của nó đã làm nổi bật cả những thiếu sót cùng điểm mạnh của ASEAN khi khối này phải đối mặt với điều mà nhiều người coi là thử thách lớn nhất kể từ khi thành lập năm 1967.

Cuộc họp kết thúc với việc Ban Thư ký ASEAN ra một tuyên bố cho biết Myanmar đã đạt được đồng thuận về những điểm vượt xa những gì nhiều người mong đợi. Kế hoạch đồng thuận 5 điểm bao gồm chấm dứt bạo lực ngay lập tức; đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan để đạt được một giải pháp hòa bình; việc bổ nhiệm một đặc phái viên từ ASEAN; hỗ trợ nhân đạo được cung cấp bởi trung tâm cứu trợ thảm họa của ASEAN; cho đặc phái viên ASEAN đến thăm Myanmar để gặp gỡ với tất cả các bên liên quan.

Thiếu một điểm nằm trong dự thảo trước đó, vốn kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ là bà Aung San Suu Kyi.

asean-giam-sat-quan-doi-myanmar-the-nao-khi-cac-cuoc-dan-ap-van-dien-ra-ban-dem3.jpg
Người biểu tình ủng hộ phong trào chống đảo chính ở Myanmar gần tòa nhà Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta vào ngày 24.4

Theo Kavi Chongkittavorn, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan), bất chấp những thiếu sót, kết quả cuộc họp là rất quan trọng. Ông nói: “Bây giờ, ASEAN đang ở trong vai trò người điều khiển. Sự can dự của ASEAN với chính quyền là một hình thức can thiệp mềm; nó có thể xảy ra thông qua áp lực của bạn bè, giống như gây sức ép với một thành viên trong gia đình".

Kavi Chongkittavorn nói thêm, kế hoạch đồng thuận sẽ hướng dẫn các hành động của ASEAN trong những ngày và tuần tới. Ông thừa nhận việc xác minh, đặc biệt là cam kết ngăn chặn bạo lực, là một vấn đề nếu không có lực lượng giám sát tại chỗ.

Kavi Chongkittavorn nói: "Sau ngày 24.4, không nên để xảy ra thương vong trên đường phố giữa những người biểu tình. Nếu không, tất cả những lời hứa có thể bị phá vỡ và dẫn đến sự mất lòng tin lẫn nhau".

Một số nhà phê bình tỏ ra nghi ngờ hơn. "Tôi không nghĩ rằng 5 điểm đồng thuận sẽ phản ánh những gì người dân Myanmar muốn. Có nhiều bước cần thiết trước khi thực hiện, chẳng hạn như thả những người bị giam giữ và điều tra các vụ giết người", Aye, nhà hoạt động đang ẩn náu ở Myanmar, nói với trang Nikkei.

Với những người ủng hộ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và phản đối cuộc đảo chính, hội nghị thượng đỉnh ASEAN là sự bác bỏ tuyên bố của họ rằng các nhà lập pháp bị lật đổ có quyền hợp pháp được mời thay vì chính quyền quân sự. Tuy nhiên, trong một cái gật đầu với NUG, một lá thư của Zin Mar Aung, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của NUG, đã được đọc cho các đại diện ASEAN, kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực "lắng nghe tiếng nói từ người dân Myanmar". Bà Zin Mar Aung kêu gọi ASEAN không đứng về phía "các nhà lãnh đạo đảo chính bất hợp pháp".

Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của NUG và Bộ trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, nói rằng ASEAN đã đưa ra tuyên bố của mình và đến lúc hành động.

"Nếu họ không hành động, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một liên minh quốc tế gồm các nước cùng chí hướng. Nếu có các biện pháp trừng phạt từ phương Tây mạnh hơn, nó sẽ ảnh hưởng đến Singapore và phần còn lại của ASEAN, cũng như Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là họ phải hãy lắng nghe chúng tôi. Nếu họ không lắng nghe, chúng tôi sẽ đến Mỹ, EU và Anh để nhờ họ giúp đỡ", Tiến sĩ Sasa nói.

Đã có những lo lắng rằng chính quyền quân sự đang bỏ qua thỏa thuận, với các vụ bạo lực và bắt giữ liên tục được báo cáo hàng ngày kể từ hội nghị thượng đỉnh hôm 24.4. Quân đội dường như đang chuyển sang nhiều hình thức tàn bạo bí mật hơn, một nhà hoạt động có trụ sở tại thành phố Yangon thuộc Phong trào Bất tuân dân sự, cho biết.

"Chúng ta không nhìn thấy quân đội đi lang thang trên đường phố bắn vào nhà, bắn trẻ em như đã thấy trước đây, nhưng những gì chúng ta vẫn thấy là các cuộc tấn công hàng đêm vào nhà, bắt giữ, đánh đập và giết người có chủ đích. Điều này không thay đổi, nó chỉ đơn thuần là ở bên dưới radar”, Tiến sĩ Sasa nói thêm.

Tệ hơn nữa là những dấu hiệu cho thấy chính quyền quân sự đang chuyển sang các hình thức đàn áp khác, đặc biệt là thông qua việc chặn thêm mạng internet, vốn rất quan trọng trong việc chuyển tiếp các sự kiện ra thế giới bên ngoài. Hôm 26.4, chính quyền quân sự Myanmar đã xác nhận rằng các nhà chức trách đang chuẩn bị một "danh sách trắng" tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh và ngân hàng, cho phép từ chối truy cập internet để lấy tin tức và các mục đích liên lạc.

Với một số nhà quan sát ASEAN, cách tiếp cận "đồng thuận" không có đủ những gì cần thiết để kiềm chế bạo lực.

Ông Pou Sothirak, Giám đốc điều hành của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia ở Phnom Penh, cho biết: “Với tôi, sự đồng thuận chỉ là phần nổi của tảng băng rất lớn. Đó sẽ là một thỏa thuận rỗng nếu ASEAN không thể thực thi 5 điểm đó. Nhìn bề ngoài, ASEAN có thể coi những thỏa thuận đạt được nhiều kết quả tốt, để chứng tỏ rằng tập thể có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa, nhưng rào cản thực sự là làm thế nào để đạt được kế hoạch đồng thuận 5 điểm này, và đánh đổi gì?".

Pou Sothirak nói thêm, việc cho phép lãnh đạo quân đội Myanmar tham dự hội nghị cấp cao nhất ASEAN để biện minh cho cuộc đảo chính là động thái sai lầm. "Giờ đây, ASEAN dường như bị mắc kẹt. Min Aung Hlaing sẽ có ưu thế, nếu và khi đội đặc phái viên ASEAN được cử đi. Ông ấy đang kiểm soát chương trình. Bất kỳ sai lầm nhỏ hoặc đánh giá sai lầm nào cũng sẽ khiến ASEAN phải trả giá đắt", ông nói thêm.

Các nhà phân tích độc lập cũng đưa ra những lời chỉ trích. Nhà phân tích chính trị và an ninh Kim Jolliffe nhận định: “Thông tin từ cuộc họp ASEAN thiếu nội dung về những điều cụ thể cần thay đổi và các bước cần thiết để đạt được điều đó, nhưng không có cuộc thảo luận nào rộng hơn về các tiêu chuẩn cơ bản của pháp quyền cần thiết để biện minh cho việc bỏ tù các nhà lãnh đạo được bầu đang diễn ra, cũng như không có bất kỳ yêu cầu rõ ràng nào để đảm bảo những người được tư vấn pháp luật hoặc các quyền cơ bản khác".

Kim Jolliffe cho biết yêu cầu giảm bạo lực giữa "tất cả các bên" vẫn còn quá nhiều điều để giải thích và không quy định các biện pháp cụ thể, chẳng hạn như không kích, tra tấn và các cuộc tấn công và bắt giữ hàng đêm phải kết thúc.

Theo Ian Martin và Charles Petrie, hai cựu quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc, giải pháp khả thi có thể là nếu tất cả các bên đồng ý chấp nhận một sứ mệnh bảo vệ dân sự quốc tế. Quân đội Myanmar sẽ cần được thuyết phục để từ bỏ bạo lực và chấp nhận sự hiện diện quốc tế. "Mục tiêu phải là gây áp lực lên họ và tìm kiếm sự đồng tình miễn cưỡng của họ. Áp lực quan trọng nhất với quân đội Myanmar để chấp nhận một sứ mệnh như vậy sẽ đến từ khu vực, không chỉ ASEAN mà các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc", họ viết trên tờ Bangkok Post.

Một nhà ngoại giao phương Tây tại Yangon cho biết: “Việc Min Aung Hlaing gặp đặc phái viên của Liên Hợp Quốc, việc ông ấy đến Jakarta, cho thấy sự khao khát của ông với sự công nhận, tính hợp pháp và sự chú ý của quốc tế".

asean-giam-sat-quan-doi-myanmar-the-nao-khi-cac-cuoc-dan-ap-van-dien-ra-ban-dem.jpg
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing (trái) được chào đón tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta ở ngoại ô Jakarta vào ngày 24.4

Nhà ngoại giao này đề cập đến thực tế là đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener đã đến Jakarta và tổ chức cuộc gặp kéo dài 45 phút với Min Aung Hlaing, người đã từ chối nhận cuộc gọi của bà kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2. Christine Schraner Burgener từng nêu ra những lo ngại về cuộc đàn áp của quân đội với các cuộc biểu tình và số phận hơn 750.000 người Hồi giáo Rohingya đã bị trục xuất tàn nhẫn từ miền tây Myanmar đến Bangladesh vào năm 2017. Christine Schraner Burgener cũng đã yêu cầu được phép đến thăm Myanmar.

Yếu tố thời gian làm tăng thêm áp lực buộc ASEAN phải hành động theo luận điệu của mình, một điểm được Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

Thủ tướng Malaysia thẳng thừng cảnh báo các nhà lãnh đạo đồng cấp của mình rằng không nên sử dụng chương trình 5 điểm để "kéo dài thời gian", đặc biệt khi "tình hình trong Myanmar gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh, ổn định của ASEAN và khu vực rộng lớn hơn" và "sự phàn nàn từ quốc tế rằng phải có hành động kiên quyết".

"Nếu tiến bộ có thể được định nghĩa là khiến chính quyền Myanmar đồng ý với tiến trình do ASEAN dẫn dắt và phối hợp thì ASEAN đã đạt được một số tiến bộ bằng cách đạt được một điểm, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, là can thiệp lâu dài hơn vào Myanmar", Moe Thuzar, đồng điều phối Chương trình Nghiên cứu Myanmar tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết.

Bà Moe Thuzar lưu ý các bước tiếp theo nên là giữ cho quân đội Myanmar cam kết làm việc mang tính xây dựng với ASEAN.

"Điều quan trọng là ASEAN phải tham khảo ý kiến ​​của NUG để có ý kiến ​​đóng góp về các chi tiết thực hiện. Ví dụ, bạo lực chỉ do một bên thực hiện và người dân Myanmar - đặc biệt là những người biểu tình không có vũ khí - có thể cảm thấy phần nào bị phản bội bởi hàm ý rằng bạo lực đã được thực hiện ở cả hai bên", Moe Thuzar cho hay.

Thách thức trước mắt với ASEAN là xác định ai sẽ đảm nhiệm vị trí đặc phái viên ASEAN tại Myanmar. Trong số những cái tên đang được thảo luận có cựu Ngoại trưởng Indonesia - Hussain Wirajuda, cựu Thủ tướng Singapore - Goh Chok Tong hoặc một nhân vật cấp cao của Thái Lan.

Thời gian không còn nhiều. Trong khi sự đồng thuận là bước tiến quan trọng trong quyết tâm của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar thì những động thái mới nhất từ khối này đã khiến dư luận nghi ngờ về cam kết tuân thủ kế hoạch của chính quyền quân sự và khả năng theo dõi việc đó.

Sihasak Phuangketkeow, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết ASEAN phải tiếp tục "gây áp lực, thăm dò, thúc đẩy" để theo đuổi nỗ lực giải quyết tình hình và giúp đỡ người dân Myanmar. Ông nói: “Hội nghị thượng đỉnh không nên tự nó kết thúc mà là sự khởi đầu quá trình can dự ngoại giao của ASEAN”.

Trong khi nghi ngờ về cam kết của quân đội Myanmar có phù hợp với kế hoạch ASEAN, "điều cần thiết là phải đưa ra thời gian thực hiện và các điều khoản tham chiếu cho phái đoàn ASEAN, để duy trì áp lực trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả bà Aung San. Suu Kyi", ông nói.

Bài liên quan
Chính phủ Thống nhất Quốc gia ra 4 điều kiện để đối thoại với quân đội Myanmar
Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và Bộ trưởng Nội các tự xưng, nói rằng sẽ không có thỏa hiệp giữa NUG và chế độ quân sự trừ khi các yêu cầu của nhóm được đáp ứng. Ông hoan nghênh những quan ngại được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ASEAN giám sát lời hứa dừng bạo lực của quân đội Myanmar thế nào khi đàn áp vẫn diễn ra ban đêm?