Ông La Chiếu Huy, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, cảnh báo mối quan hệ còn đang căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi sẽ không thể chịu được một cuộc xung đột khác giống như những gì đã xảy ra tại cao nguyên Doklam vào năm 2017.
Tuyên bố trên được Đại sứ La đưa ra nhằm kêu gọi hai cường quốc châu Á tiếp tục cải thiện quan hệ đang dần hồi phục sau căng thẳng mùa hè năm ngoái.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 6.2017, khi Bắc Kinh đưa công binh và máy móc cơ giới tiến vào Doklam, vùng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, để xây dựng các công trình giao thông.
Ấn Độ, đồng minh bảo hộ Bhutan về mặt quốc phòng, đã triển khai quân đội đến đây và kéo theo cảnh hàng nghìn binh sĩ hai bên đối đầu "gần như trực diện" trong 2 tháng. May mắn là không có tiếng súng nào nổ ra, và hai bên đạt được thỏa thuận xuống thang căng thẳng. Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Narendra Modi sau đó đã nỗ lực để gìn giữ tình trạng hòa bình này.
Theo Đại sứ La: “Cần tìm ra một giải pháp mà hai bên đều chấp nhận để đảm bảo một tranh chấp biên giới như vậy không lặp lại. Chúng ta cần kiểm soát, quản lý, thu hẹp bất đồng bằng cách mở rộng hợp tác. Vấn đề biên giới từng bị lịch sử bỏ qua. Chúng ta cần thông qua các cuộc gặp của đại diện đặc biệt để tìm ra giải pháp, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp xây dựng lòng tin. Chúng ta không thể chịu được một xung đột Doklam khác”.
Tranh chấp biên giới Trung- Ấn đã từng bùng nổ thành chiến tranh vào những năm 1960. Tuy nhiên trong xung đột Doklam vừa qua, hai bên đều tỏ ý muốn hạ nhiệt căng thẳng. Mặc dù vậy, kết thúc của xung đột này vẫn là điều mà giới chức Bắc Kinh lẫn New Delhi còn tranh cãi.
Thế đối đầu giữa hai cường quốc châu Á còn trầm trọng thêm khi Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với đối thủ của Ấn Độ là Pakistan. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường tập trận với Islamabad, đồng thời đưa quốc gia Nam Á này vào sáng kiến Một vành đai, Một con đường.
Để giải quyết chuyện này, Đại sứ La đề nghị tổ chức một cuộc gặp ba bên Trung- Ấn- Pakistan. Nhà ngoại giao này tuyên bố khẳng định đây là một đề xuất mang tính xây dựng, và ông nhận được sự ủng hộ từ “một vài bạn bè Ấn Độ”.
Nhưng phía Bộ Ngoại giao New Delhi đã lên tiếng từ chối ý tưởng này. Theo người phát ngôn Raveesh Kumar: “Chúng tôi không hề nhận được bất cứ đề xuất nào từ chính quyền Trung Quốc. Chúng tôi xem phát ngôn đó là ý kiến cá nhân của ngài Đại sứ. Các vấn đề liên quan đến quan hệ Ấn Độ- Pakistan là chuyện song phương và không thể có nước thứ ba nào tham gia vào”.
Cẩm Bình (theo Newsweek)