Hôm 7.7, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận hoạt động trong quý 2/2023 dự kiến giảm 96% do tình trạng dư thừa chip đang diễn ra, gây tổn thất lớn trong hoạt động kinh doanh chính của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc dù tiến hành cắt giảm nguồn cung.
Samsung Electronics, nhà sản xuất smartphone và chip nhớ lớn nhất thế giới, ước tính lợi nhuận hoạt động của họ giảm xuống còn 600 tỉ won (459 triệu USD) trong quý 2/2023, từ mức 14.100 tỉ won một năm trước đó, trong báo cáo thu nhập sơ bộ.
Đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của Samsung Electronics trong bất kỳ quý nào kể từ khoản lãi 590 tỉ won vào quý 1/2009, theo dữ liệu công ty.
Trước đó, công cụ phân tích tài chính Refinitiv SmartEstimate dự đoán lợi nhuận hoạt động quý 2/2023 của Samsung Electronics ở mức 555 tỉ won.
Cổ phiếu Samsung Electronics giảm 1,96% trong giao dịch sáng sớm 7.7. Samsung Electronics sẽ công bố chi tiết kết quả kinh doanh quý 2/2023 vào ngày 27.7.
Ở quý 1/2023, công ty lớn nhất Hàn Quốc đã báo cáo khoản lỗ khổng lồ 4.580 tỉ won trong bộ phận chip của mình do giá chip nhớ giảm hơn nữa và giá trị hàng tồn kho giảm. Song trong quý 2/2023, các khoản lỗ trong mảng kinh doanh chip của Samsung Electronics có thể giảm nhẹ do doanh số bán chip DRAM (sử dụng trong PC, điện thoại di động và máy chủ) tăng, các nhà phân tích cho biết.
Theo các nhà phân tích, sự suy yếu nhu cầu về chip nhớ bắt đầu vào năm ngoái dự kiến sẽ chạm đáy trong quý 3/2023, dù sự phục hồi có thể bắt đầu từ mức nhỏ.
Greg Roh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại hãng Hyundai Motor Securities, cho biết: “Giá bộ nhớ DRAM có thể phục hồi mạnh mẽ từ quý 4/2023 và dự kiến đạt mức tăng hai con số vào nửa cuối năm 2024. Không giống các đối thủ cạnh tranh của mình, Samsung dự kiến sẽ duy trì khoản đầu tư vào chip nhớ trong năm nay... Điều này sẽ mang lại hiệu quả trong việc tăng cường chiếm lĩnh thị trường vào năm 2025".
Samsung Electronics cho biết doanh thu quý 2/2023 dự kiến giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 60.000 tỉ won.
Cuối tháng 4, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận hàng quý tồi tệ nhất trong 14 năm, đổ lỗi cho việc người tiêu dùng mua sắm thiết bị điện tử chậm lại và tình trạng dư thừa chip toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bộ nhớ cốt lõi của hãng.
Samsung Electronics cho biết lợi nhuận hoạt động quý 1/2023 giảm còn 640 tỉ won (478,6 triệu USD), giảm 95% so với một năm trước đó.
Công ty lớn nhất Hàn Quốc đã báo cáo thu nhập ròng quý 1/2023 là 1.400 tỉ won (1,05 tỉ USD), thấp hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 1.450 tỉ won. Doanh thu của Samsung Electronics ở quý 1/2023 giảm 18% xuống còn 63.750 tỉ won.
Bộ phận chip của Samsung Electronics (thường là lớn nhất công ty) đã lỗ 4.580 tỉ won ở ba tháng đầu năm 2023. Đây là khoản lỗ hoạt động đầu tiên trong bộ phận chip của Samsung Electronics kể từ năm 2009.
Samsung Electronics cho biết "chi tiêu chung của người tiêu dùng chậm lại trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu không chắc chắn". Ngoài ra, Samsung Electronics cũng đổ lỗi cho nhu cầu về chip nhớ suy yếu, vốn thường mang lại khoảng một nửa lợi nhuận cho công ty, và giá chip giảm.
Dù vậy, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới nhận thấy nhu cầu về các thành phần lưu trữ đang dần phục hồi, như các quan chức của SK Hynix (hãng chip nhớ lớn thứ hai thế giới cũng của Hàn Quốc) bày tỏ trước đó.
Samsung Electronics cho biết giá tiếp tục giảm và tổn thất định giá tăng lên trong bối cảnh tâm lý suy yếu cùng tác động liên tục từ việc điều chỉnh hàng tồn kho của khách hàng do những bất ổn bên ngoài kéo dài. Nhu cầu về bộ nhớ dự kiến sẽ dần phục hồi vào nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh mức tồn kho của khách hàng có thể sẽ giảm.
Samsung Electronics cũng kỳ vọng sự phục hồi của smartphone và màn hình trong nửa cuối năm 2023, nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc.
Khoản lỗ trong bộ phận chip của Samsung Electronics làm nổi bật những lo ngại về suy thoái công nghệ rộng hơn mà Apple và Intel cũng đang phải đối mặt. Samsung Electronics cung cấp chip nhớ và màn hình cho iPhone của Apple, đối thủ cạnh tranh trên thị trường smartphone của họ.
Samsung Electronics là trung tâm sự suy giảm trong ngành công nghiệp bộ nhớ toàn cầu, đại diện cho sự suy thoái công nghệ rộng lớn hơn sau sự bùng nổ của hoạt động internet và doanh số bán thiết bị trong đại dịch. Lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về chi tiêu của người tiêu dùng cùng doanh nghiệp vào năm 2022, kéo theo đó là sự sụt giảm doanh số bán hàng điện tử trên toàn thế giới.
Để đảo ngược tình trạng trượt giá chip, Samsung Electronics đã thông báo trong tháng 4 rằng đang bắt đầu cắt giảm sản xuất chất bán dẫn “có ý nghĩa”. Bất chấp điều đó, Samsung Electronics cho biết việc đầu tư vào chip nhớ trong năm 2023 sẽ tương tự như 2022 khi hãng tìm cách bảo vệ khả năng cạnh tranh lâu dài của mình.
Động thái bất thường trên, cùng với những dự đoán lạc quan hơn về nhu cầu PC và smartphone, dự kiến sẽ đưa ngành công nghiệp này thoát khỏi tình trạng suy thoái trong năm 2023.
Bất kỳ sự phục hồi nào ở Trung Quốc, thị trường PC và smartphone lớn nhất thế giới, có thể phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi này không đồng đều nhưng đang được tăng tốc.
Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, dẫn đầu là Samsung Electronics, đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục những năm gần đây khi giá sản phẩm của họ tăng vọt, nhưng suy thoái kinh tế toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào doanh số bộ nhớ.
Nhu cầu tăng cao vào đại dịch khi người tiêu dùng mua máy tính và smartphone mới trong thời gian phong tỏa khiến các nhà sản xuất chip tăng cường sản xuất. Thế nhưng, nhu cầu nhanh chóng giảm đi khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ và suy yếu hơn nữa vì đối mặt với lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng.
Không chỉ Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ) cũng giảm sản lượng.
Doanh số bán hàng tốt của dòng smartphone hàng đầu Galaxy 23 giúp Samsung Electronics bù đắp thâm hụt trong lĩnh vực chip ở quý 1/2023.
Sự sụt giảm lợi nhuận gần đây đã không ngăn cản Samsung Electronics thực hiện các khoản đầu tư táo bạo. Vào tháng 3, Samsung Electronics đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 227 tỉ USD trong hai thập kỷ tới để xây dựng trung tâm chip lớn nhất thế giới ở Yongin, phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Kế hoạch xây dựng trung tâm chip lớn nhất thế giới nằm trong nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ mũi nhọn, bao gồm chip, màn hình và pin. Đây là các lĩnh vực mà những gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Phấn lớn các chip tiên tiến nhất trên thế giới đều được sản xuất bởi Samsung Electronics và TSMC.
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.