Hôm 5.7, tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng do Nhật báo Bắc Kinh điều hành đăng bài viết chỉ trích Mark Zuckerberg, phủ bóng đen lên kế hoạch bán kính thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp (MR) của Meta Platforms cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Bài viết này chỉ trích Mark Zuckerberg vì đóng vai trò vận động hành lang ở Mỹ để kiềm chế TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng thuộc tập đoàn ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), cũng như bài phát biểu của Giám đốc điều hành Meta Platforms phê phán TikTok về việc kiểm duyệt nội dung tại Đại học Georgetown (Mỹ) hồi tháng 10.2019.
Bài viết cũng đề cập đến phản ứng của Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 7.2020, khi ông nói rằng có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Trong phép ẩn dụ thường được sử dụng để miêu tả việc “đối đầu với quan điểm của Bắc Kinh nhưng cố gắng kiếm lợi từ thị trường Trung Quốc”, bài viết cho biết Mark Zuckerberg đã “đập nát cái chảo Trung Quốc” và không nên mong đợi có thể tận hưởng bữa ăn từ Trung Quốc.
Khi đề cập đến việc kinh doanh tại Trung Quốc, bài viết đã so sánh hành động của Mark Zuckerberg với Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) và Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple), cả hai đều duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quốc gia châu Á.
Trong các chuyến thăm riêng tới Trung Quốc gần đây, Elon Musk và Tim Cook đã được các quan chức chính phủ Trung Quốc đón tiếp trên thảm đỏ. Do phản đối “tách rời” nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ nên Elon Musk được khen ngợi trên các phương tiện truyền thông chính thức của quốc gia châu Á.
“Ngược lại, Mark Zuckerberg đã tự ‘tự bắn vào chân mình’ khi chỉ trích TikTok và Trung Quốc”, theo nội dung bài viết.
“Mark Zuckerberg có thể muốn bán kính VR của Meta Platforms ở Trung Quốc, giống như Tim Cook bán iPhone và Elon Musk bán ô tô điện Tesla, nhưng kế hoạch của ông ta bị chặn đứng vì những gì đã nói và làm trong quá khứ”, bài viết cho biết.
Bài viết được xuất bản khi Meta Platforms đang đàm phán với Tencent Holdings, gã khổng lồ về game và truyền thông xã hội Trung Quốc, để mang kính Quest của mình đến thị trường Trung Quốc.
Meta Platforms và Tencent Holdings đã thảo luận về kế hoạch đó nhưng thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với trang SCMP.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal đưa tin Meta Platforms đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Tencent Holdings. Meta Platforms và Tencent Holdings từ chối bình luận về chuyện này.
Mark Zuckerberg đã cố gắng đưa Facebook trở lại Trung Quốc kể từ khi mạng xã hội này bị cấm ở quốc gia châu Á vào năm 2009. Khi nhà quản lý internet của Trung Quốc lúc đó là Lu Wei đến thăm trụ sở Facebook ở Mỹ vào năm 2014, Mark Zuckerberg có một cuốn sách về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên bàn làm việc.
Nhà đồng sáng lập Facebook cũng gây chú ý vào năm 2016 khi chạy bộ qua Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào một buổi sáng nhiều sương mù và se lạnh. Tuy nhiên, những nỗ lực của Mark Zuckerberg đã thất bại trong việc giúp Facebook được chấp nhận tại thị trường 1 tỉ người dùng internet ở Trung Quốc, nơi cũng cấm các ứng dụng truyền thông xã hội nước ngoài như Twitter và YouTube.
Trong khi đó, Facebook đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng ở Mỹ từ TikTok, ứng dụng đã được 150 triệu người Mỹ tải xuống.
Dù không đến Trung Quốc từ năm 2016, Mark Zuckerberg vẫn nằm trong ban cố vấn của Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa, vai trò danh dự có thể giúp ông tiếp cận với các quan chức và nhà lãnh đạo quốc gia châu Á.
Vẫn đang cố gắng biến metaverse thành hiện thực, Meta Platforms đầu tháng 6 đã tiết lộ Quest 3, kính thực tế hỗn hợp thế hệ tiếp theo sẽ xuất xưởng mùa thu này với mức giá khởi điểm từ 500 USD.
Theo Mark Zuckerberg, Quest 3 là “kính chính thống đầu tiên có khả năng thực tế hỗn hợp màu độ phân giải cao”. Tỷ phú 39 người Mỹ tuổi nói thêm rằng Quest 3 mỏng hơn 40% so với Quest 2 và đeo thoải mái hơn so với phiên bản tiền nhiệm.
Quest 3 sẽ tương thích với toàn bộ thư viện gồm hơn 500 game, ứng dụng và trải nghiệm thực tế ảo (VR) của Quest 2. Công ty mẹ Facebook cho biết sẽ tiết lộ chi tiết Quest 3 tại hội nghị Meta Connect vào ngày 27.9.
"Quest 3 là một chiếc kính thực tế hỗn hợp hoàn toàn mới, tiên tiến và không cần dây như bạn mong chờ", Meta Platforms cho biết trong một bài đăng trên blog. Đây là chiếc kính đầu tiên được trang bị con chip Snapdragon thế hệ tiếp theo được Meta Platforms phát triển phối hợp với Qualcomm.
Meta Platforms khẳng định chip này mang lại hiệu năng đồ họa gấp đôi so với GPU Snapdragon thế hệ trước trên Quest 2, đồng nghĩa với hiệu suất mượt mà hơn và "chi tiết rõ ràng đáng kinh ngạc trong các game trải nghiệm sống động".
Công ty tuyên bố trải nghiệm thực tế hỗn hợp của Quest 3 sẽ “vượt xa thực tế hỗn hợp ngày nay bằng cách hiểu và phản ứng một cách thông minh với các vật thể trong không gian vật lý của bạn, đồng thời cho phép bạn điều hướng không gian đó theo những cách tự nhiên, trực quan mà trước đây gần như không thể”.
Meta Platforms đang giảm giá tai nghe Quest 2. Bắt đầu từ ngày 4.6, Quest 2 với bộ nhớ 128GB sẽ giảm giá xuống còn 299,99 USD (từ 399,99 USD hiện tại) và mẫu 256GB còn 349,99 USD (từ 429,99 USD hiện tại).
Ngoài ra, trong bản cập nhật phần mềm sắp tới, Quest 2 và Quest Pro sẽ thấy hiệu suất CPU tăng lên tới 26%. Tốc độ GPU Quest 2 tăng tới 19% và Quest Pro tăng 11%.
Đến nay, đơn vị Reality Labs, bao gồm các sản phẩm và công nghệ liên quan đến Quest, đã gây ra khoản lỗ hàng tỉ USD cho công ty kể từ khi thay đổi tên từ Facebook thành Meta Platforms hai năm trước.
Trong quý 1/2023, Reality Labs đã tạo ra 339 triệu USD doanh thu (giảm 51% so với cùng kỳ năm trước) và khoản lỗ hoạt động là 3,99 tỉ USD (tăng 35%).