Một bức ảnh sao Mộc chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy những thay đổi quan trọng trong bầu khí quyển của hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời.
Ngày 18.9, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chia sẻ ảnh chụp cận cảnh sao Mộc của kính viễn vọng không gian Hubble. Mặt trăng Europa cũng xuất hiện ở bên trái bức ảnh, trông rất nhỏ bé so với hành tinh khí khổng lồ. Bức ảnh được chụp ngày 25.8, khi sao Mộc đang di chuyển cách Trái Đất khoảng 653 triệu km, gấp 4 lần so với khoảng cách giữa hành tinh chúng ta và Mặt trời.
Những đám mây xoáy và những cơn bão khổng lồ di chuyển trên bầu khí quyển của sao Mộc đã được ghi lại một cách chi tiết. Theo các nhà khoa học, hình ảnh cho thấy các thay đổi quan trọng trong bầu khí quyển của hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời.
Sao Mộc trong ánh sáng nhìn thấy với mặt trăng Europa ở bên trái - Ảnh: NASA/ESA
Điểm đáng chú ý là cơn bão mới xuất hiện ở khoảng giữa nửa phía bắc của sao Mộc, lệch về bên trái. Cơn bão màu trắng sáng, di chuyển với tốc độ 560 km mỗi giờ trên bề mặt hành tinh này. Cơn bão hình thành ngày 18.8, theo sau là hai cơn bão khác ở cùng vĩ độ.
Những cơn bão kiểu này không phải là bất thường trên sao Mộc. Bão mới thường xuất hiện ở khu vực này mỗi 6 năm, thường là nhiều cơn bão cùng lúc. Thời điểm chụp ảnh của Hubble rất lý tưởng, giúp các nhà khoa học quan sát giai đoạn đầu trong quá trình bão phát triển.
Trong khi đó ở phía nam sao Mộc đã có những cơn bão lớn hoành hành. Siêu bão Vết Đỏ Lớn vẫn rất nổi bật. Cơn bão này hiện rộng khoảng 15.770 km, lớn hơn nhiều so với Trái đất. Vết Đỏ Lớn đang thu nhỏ dần nhưng các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân. Bên dưới Vết Đỏ Lớn là cơn bão mang tên Vết Đỏ Nhỏ. Theo hình ảnh mới, nó đang dần chuyển sang màu sắc giống Vết Đỏ Lớn.
Nhóm nghiên cứu cũng đã thu thập được hình ảnh tuyệt đẹp về sao Mộc kết hợp dữ liệu trong ánh sáng cực tím, ánh sáng nhìn thấy và cận hồng ngoại. “Trong bức ảnh này, bầu khí quyển của sao Mộc trên các cực có màu đỏ do các hạt hấp thụ ánh sáng cực tím. Ngược lại, các khu vực màu xanh lam đại diện cho tia cực tím bị phản xạ khỏi hành tinh”, thành viên nhóm Hubble mô tả về bức ảnh được công bố.
Sao Mộc trong chế độ xem toàn sắc bao gồm các bước sóng từ cực tím đến cận hồng ngoại - Ảnh: NASA/ESA
Hubble là một dự án chung của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), được phóng lên quỹ đạo Trái đất trên tàu con thoi Discovery vào tháng 4.1990. Tuy nhiên, sau khi lên tới quỹ đạo và chụp được những bức ảnh đầu tiên, các nhà khoa học nhanh chóng nhận ra rằng vì lý do gì đó, tất cả các bức ảnh chụp đều vô cùng mờ nhạt.
Sau thời gian điều tra, cuối cùng họ kết luận rằng thủ phạm chính là khiếm khuyết quang học được biết với tên gọi “cầu sai”.Vào tháng 12.1993, Hubble đã được lắp thêm COSTAR - bộ gương có thể chuyển động nhằm khắc phục hiện tượng cầu sai của kính viễn vọng không gian này.
Các phi hành gia cũng đã bảo trì và nâng cấp Hubble trong 4 nhiệm vụ bổ sung sau đó, lần cuối cùng là vào năm 2009. Bức ảnh chụp sao Mộc mới cho thấy kính thiên văn này vẫn mang lại cho các nhà khoa học và công chúng những cái nhìn tuyệt vời về vũ trụ sau 3 thập kỷ được phóng vào quỹ đạo.
Long Hải (theo Space)