Tập đoàn Sinopec do nhà nước Trung Quốc điều hành đã đình chỉ các cuộc đàm phán về một khoản đầu tư lớn vào hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt ở Nga.

Sợ bị phương Tây trừng phạt, hãng lọc dầu lớn nhất châu Á của Trung Quốc dừng dự án với Nga

Sơn Vân | 25/03/2022, 23:37

Tập đoàn Sinopec do nhà nước Trung Quốc điều hành đã đình chỉ các cuộc đàm phán về một khoản đầu tư lớn vào hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt ở Nga.

Hãng lọc dầu lớn nhất châu Á lưu ý đến lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc về sự thận trọng khi các lệnh trừng phạt Nga gia tăng về cuộc tấn công Ukraine.

Sinopec (Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc) tạm ngừng khoản đầu tư tiềm năng trị giá nửa tỉ USD vào một nhà máy hóa chất khí đốt và liên doanh tiếp thị khí đốt của Nga tại Trung Quốc. Động thái này làm nổi bật những rủi ro cả với Trung Quốc, đối tác ngoại giao quan trọng nhất của Nga, trước các lệnh trừng phạt nặng nề bất ngờ do phương Tây dẫn đầu.

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt, khẳng định sẽ duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Nga, đồng thời từ chối lên án hành động của Nga ở Ukraine.

Song đằng sau hậu trường, chính phủ đang cảnh báo các công ty Trung Quốc đang cố tránh lệnh trừng phạt. Họ đang buộc các công ty phải thận trọng đầu tư vào Nga, nước cung cấp dầu lớn thứ hai và khí đốt lớn thứ ba thế giới.

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine 1 tháng trước, 3 gã khổng lồ năng lượng nhà nước Trung Quốc gồm Sinopec, CNPC (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc) và CNOOC (Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc) đang đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt với các khoản đầu tư hàng tỉ USD vào Nga, theo các nguồn có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này.

"Các công ty sẽ cứng rắn tuân theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này. Không có chỗ cho các công ty thực hiện bất kỳ sáng kiến ​​nào về đầu tư mới", theo một lãnh đạo tại công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc.

Trong tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập các quan chức từ 3 công ty năng lượng để xem xét mối quan hệ kinh doanh của họ với các đối tác Nga và hoạt động địa phương, theo 2 nguồn tin am hiểu về cuộc họp. Một người cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi họ không thực hiện bất kỳ động thái hấp tấp nào khi mua tài sản của Nga.

3 công ty đã thành lập lực lượng đặc nhiệm về các vấn đề liên quan đến Nga, đang làm việc với các kế hoạch dự phòng cho sự gián đoạn kinh doanh và trong trường hợp bị lệnh trừng phạt thứ cấp.

Các nguồn tin được yêu cầu giấu tên, vì tính nhạy cảm của vấn đề. Sinopec và hai công ty khác từ chối bình luận.

Bộ Ngoại giao nói Trung Quốc không cần thiết phải báo cáo với các bên khác về việc có các cuộc họp nội bộ hay không.

"Trung Quốc là một quốc gia lớn, độc lập. Chúng tôi có quyền thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trong các lĩnh vực khác nhau với các quốc gia khác trên thế giới", Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố gửi qua fax.

Tổng thống Joe Biden hôm 24.3 nói Trung Quốc biết tương lai kinh tế của họ gắn liền với phương Tây, sau khi cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh có thể hối tiếc khi đứng về phía Nga trong cuộc tấn công Ukraine.

Các công ty dầu khí toàn cầu Shell và BP cùng Equinor (Na Uy) cam kết sẽ rút khỏi các hoạt động ở Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

so-bi-phuong-tay-trung-phat-nha-loc-dau-lon-nhat-chau-au-dung-du-an-voi-nga.jpg
Một nhân viên đi trên nóc thùng dầu tại nhà máy lọc dầu Sinopec ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Sinopec đã đình chỉ các cuộc thảo luận để đầu tư lên tới 500 triệu USD vào nhà máy hóa chất khí mới ở Nga, theo một trong những nguồn tin.

Kế hoạch này được hợp tác với Sibur (nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất Nga) cho một dự án tương tự như Tổ hợp hóa chất khí Amur trị giá 10 tỉ USD ở Đông Siberia, do Sinopec sở hữu 40% và Sibur sở hữu 60%, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Nguồn tin cho biết: “Các công ty muốn nhân rộng liên doanh Amur bằng cách xây dựng một liên doanh khác và đang trong quá trình lựa chọn địa điểm”.

Sinopec tạm dừng sau khi nhận ra rằng cổ đông thiểu số Sibur và thành viên hội đồng quản trị Gennady Timchenko đã bị phương Tây trừng phạt. Liên minh châu Âu (EU) và Anh tháng trước đã áp đặt các lệnh trừng phạt Gennady Timchenko, đồng minh lâu năm của ông Vladimir Putin, và các tỷ phú khác có quan hệ với Tổng thống Nga.

Người phát ngôn của Gennady Timchenko từ chối bình luận về các lệnh trừng phạt.

Hai nguồn tin cho biết bản thân dự án Amur đang đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn vì các lệnh trừng phạt đe dọa làm tác nghẽn nguồn tài chính, bao gồm ngân hàng Sberbank do nhà nước Nga kiểm soát và các cơ quan tín dụng châu Âu.

"Đó là một khoản đầu tư hiện có. Sinopec đang cố gắng khắc phục những khó khăn về tài chính", theo một lãnh đạo ngành tại thủ đô Bắc Kinh có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này.

Sibur không bình luận về việc đình chỉ các cuộc đàm phán về nhà máy hóa chất mới nhưng nói tiếp tục hợp tác với Sinopec. Sibur cho biết hai công ty tiếp tục hợp tác triển khai nhà máy Amur.

"Sinopec đang tích cực tham gia vào các vấn đề quản lý xây dựng của dự án, bao gồm cung cấp thiết bị, làm việc với các nhà cung cấp và nhà thầu. Chúng tôi cũng đang cùng làm việc về các vấn đề tài chính cho dự án", Sibur nói với Reuters.

Sinopec cũng đình chỉ các cuộc đàm phán về liên doanh tiếp thị khí đốt với Novatek (nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất Nga) vì lo ngại rằng Sberbank, một trong những cổ đông của Novatek, nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ.

Gennady Timchenko đã từ chức hội đồng quản trị của Novatek hôm 21.3 sau các lệnh trừng phạt.

Novatek đã ký một thỏa thuận sơ bộ vào năm 2019 với Sinopec và Gazprombank để tạo ra một liên doanh tiếp thị khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang Trung Quốc cũng như phân phối khí đốt tự nhiên ở nước này.

Ngoài nhà máy Amur đã được lên kế hoạch của Sinopec, CNPC và CNOOC là nhà đầu tư mới nhất vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm cổ phần thiểu số trong dự án xuất khẩu lớn Arctic LNG 2 vào năm 2019 và Yamal LNG năm 2014.

Bài liên quan
New York Times: Người Ukraine coi việc đồng minh phương Tây bảo vệ Israel là ‘đạo đức giả’
Quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã giúp đánh chặn tên lửa và UAV của Iran, nhưng người Ukraine nói rằng họ chưa nhận hỗ trợ tương tự trước các cuộc tấn công của Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
13 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sợ bị phương Tây trừng phạt, hãng lọc dầu lớn nhất châu Á của Trung Quốc dừng dự án với Nga