Một Thế Giới điểm lại một số vấn đề, sự kiện nổi bật nhất của ngành giao thông năm 2020.

Sự kiện nổi bật của ngành giao thông năm 2020

Lam Thanh | 24/12/2020, 12:58

Một Thế Giới điểm lại một số vấn đề, sự kiện nổi bật nhất của ngành giao thông năm 2020.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng năm qua, ngành giao thông cũng đã khởi công nhiều dự án lớn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao…

Một Thế Giới điểm lại một số sự kiện nổi bật nhất của ngành giao thông năm 2020:

1. Khởi công nhiều dự án lớn

Năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới.

Ở giai đoạn 1, sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỉ đồng (4,6 tỉ USD) dự kiến khởi công những ngày cuối năm 2020, sau 20 năm chuẩn bị.

Sân bay Long Thành có mục tiêu trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia và là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Dự án sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp; vốn ngân sách chi trả công tác giải phóng mặt bằng.

long-thanh.jpg
Sân bay Long Thành sẽ được khởi công trong năm 2020

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có phần kém tích cực. Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỉ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018-2020 là 18.195 tỉ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỉ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỉ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705,035 tỉ đồng).

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực xây dựng cảng Hàng không (5.000 ha) và sẽ giải ngân toàn bộ số vốn năm 2020 đã được giao.

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc Nam khác, gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, đồng loạt khởi công, đánh dấu bước tiến đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam dài 654 km.

Ba dự án với tổng vốn trên 35.000 tỉ đồng được Quốc hội quyết định chuyển hình thức đầu tư từ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công vào tháng 6 và được triển khai "thần tốc, chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông" - chỉ sau hai tháng chuẩn bị.

Nửa đầu năm, nhiều dự án quy mô lớn khác cũng được xây dựng như cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2023; hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước 31.12...

2. Quốc hội đồng ý “giải cứu” Vietnam Airlines

Với ngành hàng không, trong một báo cáo đưa ra giữa năm 2020, IATA đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức lỗ tới 29 tỉ USD. Riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng bốn tỉ USD doanh thu. Với riêng 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 10.750 tỉ đồng, tương đương hơn 70% kế hoạch lỗ cả năm.

Ngày 17.11.2020 với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

giai-cuu.jpg

Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi 4%/năm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Vietnam Airlines được phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỉ đồng. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước.

3. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẵn sàng vận hành thương mại

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ nhiều năm trời hiện đang trong giai đoạn chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao.

Hanoi Metro đã đưa 700 người lên tuyến và các nhân sự hoàn toàn tự chủ vận hành, tuân thủ chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu mỗi ngày. Công tác vận hành diễn ra suôn sẻ theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này đã thực hiện xong và cấp kiểm định chính thức cho 13 đoàn tàu, hạng mục liên quan của đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.

cat-linh.jpg

HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé để áp dụng khi được phép khai thác thương mại. Vé được chia thành nhiều loại khác nhau như: Vé tháng, vé ngày, vé lượt.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng và 200.000 đồng/tháng; vé ngày (30.000 đồng/vé; vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng.

4. Quốc hội chặn việc tách Luật Giao thông đường bộ

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã không tán thành việc ''tách'' dự án luật Luật giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội.

quoc-hoi.jpg

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án "không chuyển" cao hơn rất nhiều, với 321 phiếu, tương đương 66,7% tổng số đại biểu Quốc hội.

Xung quanh ý kiến đại biểu có nên tách 2 luật trong Luật GTĐB hay không, ngày 16.11, nhiều đại biểu Quốc hội như Thái Trường Giang (Cà Mau), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)… đã đề nghị Quốc hội phải lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến hai dự thảo luật nói trên.

Thậm chí đại biểu Trần Thị Quốc Khánh còn đề nghị phải kiểm điểm các cá nhân, cơ quan liên quan vì “làm mất thời gian của Quốc hội”.

5. Khởi tố vụ tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh

Lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống COVID-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự.

Việc khởi tố này được đưa ra sau khi bệnh nhân 1342 (BN1342) - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung, cũng như không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà khiến mình mắc COVID-19 và làm lây lan thêm cho người khác.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines đã có quyết định tạm đình chỉ công việc để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải với nam tiếp viên D.T.H, tiếp viên hàng không của hãng đồng thời là BN 1342; trưởng đoàn tiếp viên cũng bị đình chỉ công việc.

khoi-to.jpg

Theo đó, nam tiếp viên này được xác định đã không chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly phòng chống dịch. Trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airlines, vào ngày 17.11, BN1342 đã tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về, đây là chuyến bay có nhiều hành khách và cả tiếp viên dương tính.

Ngoài ra, từ ngày 18 – 28.11 trong quá trình cách ly tại nhà, BN1342 đã không tuân thủ đúng quy định về cách ly y tế, tiếp xúc gần với 3 người khác gồm mẹ đẻ (ngụ huyện Hóc Môn) và hai người bạn (một nam ở Quận 6 và một nữ ở Bình Thạnh).

Trong 3 người này đã phát hiện 1 người dương tính, đó là bệnh nhân 1347 - giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Key English. BN1347 đã khiến hai trường hợp ở quận 6 nhiễm COVID-19. Đó là bé trai 1 tuổi (bệnh nhân 1348) và nữ học viên Trung tâm Anh ngữ Key English, 28 tuổi (bệnh nhân 1349).

6. Nhiều quan chức ngành GTVT “vào lò”

Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam các ông Nguyễn Hồng Trường - cựu thứ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Chí Thành - quyền vụ trưởng Vụ Tài chính và Lê Trung Cường - chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT.

Trước đó, C03 cũng đã khởi tố bị can đối với cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng (hiện đang thụ án trong một vụ án khác). Cả bốn người cùng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Những sai phạm của các bị can trên có liên quan đến vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

khoi-to-2.jpg
Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Trong việc đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM, ông Trường là chủ tịch hội đồng bán đấu giá, ông Thành là ủy viên và ông Cường là thành viên tổ thường trực giúp việc hội đồng bán đấu giá. Thời điểm này ông Đinh La Thăng là bộ trưởng Bộ GTVT.

Liên quan vụ án này, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc", cựu chủ tịch hội đồng quản trị, cựu tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ QP; ông Phạm Văn Diệt - giám đốc điều hành và bà Vũ Thị Hoan - tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh, cùng về tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

VKSND Tối cao cũng đã ban hành cáo trạng vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Ngoài các bị can bị xử lý hình sự, trong vụ án này có nhiều cá nhân khác liên quan nhưng chưa đến mức phải xem xét xử lý hình sự, trong đó có ông Nguyễn Văn Thể (khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT, nay là Bộ trưởng GTVT), Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT)…

Bài liên quan
Bước đột phá trong phát triển giao thông đô thị Hải Phòng
Một trong những bước đột phá đô thị Hải Phòng trong 5 năm gần đây là bộ mặt giao thông và đô thị ngày càng phát triển khang trang, hiện đại hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự kiện nổi bật của ngành giao thông năm 2020