Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết tàu Amtrak bị trật bánh tại bang Washington (Mỹ) vào sáng 18.12 đã chạy gấp đôi vận tốc cho phép.

Tàu bị tai nạn ở bang Washington chạy gấp đôi vận tốc cho phép

Cẩm Bình | 20/12/2017, 13:13

Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết tàu Amtrak bị trật bánh tại bang Washington (Mỹ) vào sáng 18.12 đã chạy gấp đôi vận tốc cho phép.

Tàu bị tai nạn đang trên đường đi từ Seattle đến Portland. Vị trí tai nạn nằm giữa thành phố Tacoma và Olympia, thủ phủ bang Washington. Tổng cộng 13/14 toa của đoàn tàu đã bị trật khỏi đường ray và lao xuống đường cao tốc liên bang I-5 phía dưới. Vụ tai nạn khiến 3 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, công tác dỡ các toa tàu khỏi đường cao tốc đã được thực hiện.

Hiện đã có 2 trong số 3 nạn nhân xấu số được xác định danh tính, là Zack Willhoite và Jim Hamre. Cả hai đều rất háo hức được ngồi tàu Amtrak khi tàu này mở tuyến mới.

Bella Dinh-Zarr, một thành viên của NTSB, ngày 19.12 cho biết: “Các dấu hiệu ban đầu cho thấy tàu đã chạy với vận tốc 80 dặm/giờ (gần 129 km/giờ) trong đoạn đường chỉ cho phép chạy 30 dặm/giờ (hơn 48 km/giờ)”.

Hiện các nhà điều tra vẫn chưa thẩm vấn các thành viên đoàn tàu để tìm hiểu xem họ có biết vận tốc giới hạn của khu vực họ chạy qua hay không, NTSB cho hay.

13/14 toa của đoàn tàu Amtrak đã bị trật khỏi đường ray - Ảnh: AP

Theo các nhà điều tra, nếu có hệ thống phanh tự động, hay còn gọi là hệ thống kiểm soát tàu chủ động (PTC), hoạt động, các cảm biến dọc theo đường ray sẽ giúp tàu Amtrak chạy chậm lại trước khi nó bị trật bánh và rơi xuống cao tốc.

Theo Sở Giao thông bang Washington, tuy tàu Amtrak đã được trang bị PTC, nhưng các bộ cảm biến cần thiết để vận hành công nghệ này trên các đường ray vẫn chưa được lắp đặt. SoundTransit, đơn vị sở hữu tuyến đường sắt mà tàu Amtrak xảy ra tai nạn 18.12 chạy qua, cho biết công ty này có kế hoạch lắp đặt cảm biến PTC vào năm 2018.

Deborah A.P.Hersman, cựu Chủ tịch NTSB và hiện đang đứng đầu Hội đồng An toàn quốc gia Mỹ, cho biết: “Vụ va chạm có thể tránh được. Công nghệ này (PTC) đã được chứng minh có hiệu quả. Và mỗi năm chúng ta trì hoãn công tác lắp PTC trên các tuyến này là một năm hành khách và cộng đồng gặp nguy hiểm”.

Tàu chạy gấp đôi vận tốc cho phép, trong khi đường ray không được gắn cảm biến phanh tự động (PTC) - Ảnh: AP

Sau một vụ tai nạn giao thông năm 2008 ở California làm 25 người thiệt mạng, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu đến cuối năm 2015 tất cả các tuyến đường sắt phải được lắp đặt PTC.

Tuy nhiên, dù Cục Đường sắt liên bang Mỹ đã gây sức ép buộc các công ty đường sắt phải hoàn thành hệ thống PTC, nhưng các công ty than phiền rằng công nghệ này quá phức tạp và chi phí 14,7 tỉUSD để lắp đặt là quá cao.Vì vậy, Quốc hội đã dời thời gian hoàn thành lắp đặt PTC đến năm 2018, và các nghị sĩ còn để ngỏ khả năng dời đến năm 2020.

Theo Bella Dinh-Zarr: “Điều đáng xấu hổ và gây thất vọng là PTC đáng lẽ đã được lắp đặt trên toàn quốc từ lâu rồi, nhưng hiện vẫn chưa được. Đây là một trong những lý do khiến người dân thiệt mạng”.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu bị tai nạn ở bang Washington chạy gấp đôi vận tốc cho phép