"Hẹn tái ngộ" khu trục hạm Mỹ ở biển Đông là lời chia tay của tàu chiến Trung Quốc sau khi bám theo khu trục hạm USS Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 lý của Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi TQ chiếm trái phép và xây 7 đảo nhân tạo.

Tàu chiến Trung Quốc “hẹn tái ngộ” khu trục hạm Mỹ ở biển Đông

Một Thế Giới | 08/11/2015, 05:00

"Hẹn tái ngộ" khu trục hạm Mỹ ở biển Đông là lời chia tay của tàu chiến Trung Quốc sau khi bám theo khu trục hạm USS Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 lý của Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi TQ chiếm trái phép và xây 7 đảo nhân tạo.

Theo Reuters, vụ tàu chiến TQ “hen tái ngộ” khu trục hạm Mỹ ở biển Đông được hạm trưởng Lassen, Robert C.Francis kể lại với các nhà báo hôm 5.11, khi ông đang ở trên tàu sân bay Theodore Roosevelt (TR) đang di chuyển cách cực nam quần đảo Trường Sa khoảng 150-200 hải lý

Francis kể ngay khi chiếc Lassen đi vào 6 hải lý (10km) của “vùng lãnh hải” đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên biển Đông, một khu trục hạm TQ đang bám theo chiếc Lassen bắt đầu yêu cầu trả lời: “Ê, các ông đang ở trong lãnh hải TQ. Các ông muốn gì?”.

Thủy thủ Lassen đáp là đang thực hiện cuộc tuần tra mà luật quốc tế cho phép, và có ý đi qua Đá Subi, thực hiện quyền tự do hàng hải (NOFOP). Mỹ chọn NOFOP để thách thức việc TQ ngang ngược tuyên bố độc chiếm gần như toàn bộ biển Đông.

Hạm trưởng Francis cho biết tàu chiến  TQ liên tục nhắc lại câu hỏi của họ. Ông cũng nói rằng từ tháng 5, chiếc Lassen đã có khoảng “50 cuộc trao đổi” với các tàu chiến và máy bay TQ, khi tàu của ông tuần tra định kỳ ở biển Đông và biển Hoa Đông: “Ngày nào mà một tàu chiến Mỹ đến đây, chúng tôi đều trao đổi với TQ”.  

Các chuyên gia nói hàng chục tàu chiến và tàu tuần duyên liên tục có mặt ở biển Đông và số lần chạm mặt tàu chiến Mỹ tăng, sau khi hải quân Mỹ công bố sẽ tuần tra trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép, theo nhịp 2 lần/quý, để nhắc nhở TQ rằng Mỹ có quyền tự do hàng hải, ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.

Thủy thủ Mỹ-Trung nói chuyện bình thường
Hạm trưởng Francis nói khu trục hạm TQ bám theo chiếc Lassen 10 ngày trước và sau khi chiếc Lassen đi vào vùng 12 hải lý của Đá Subi ngày 27.10. Ông nói thêm rằng chiếc Lassen đi vào sâu khoảng 6,7 hải lý.  

Nhưng các cuộc chạm mặt tàu chiến Mỹ-Trung không căng thẳng, nhất là khi mọi sự diễn ra rất chậm trên biển xa. Francis cho biết các sĩ quan của ông thường bắt chuyện qua radio với thủy thủ TQ: “Vài tuần trước, chúng tôi trao đổi với một tàu chiến TQ bám theo chúng tôi…Chúng tôi dùng loa hỏi-đáp các câu đại loại: “Ê, thứ bảy này các ông làm gì? Ồ, chúng tôi ăn pizza và cánh gà. Các ông ăn gì? Chúng tôi chuẩn bị mừng Halloween… Đấy là cách chúng tôi cho họ thấy chúng tôi cũng như họ, là thủy thủ, cũng có gia đình, như họ”.  

Ông cho hay thủy thủ TQ nói tiếng Anh, trả lời họ quê ở đâu, kể chuyện gia đình, những nơi họ đã đi tham quan…

Rồi tàu chiến TQ thôi bám theo chiếc Lassen khi nó đi qua Đá Subi. Hạm trưởng Francis kể “họ rất vui vẻ suốt thời gian đó. Khi họ thôi bám theo, họ nói: “Ê, chúng tôi không đi cùng nữa đâu nhe. Chúc hải trình vui vẻ, hẹn tái ngộ”.

Hạm trưởng Francis cùng 300 thủy thủ không ngạc nhiên trước sự chú ý của giới truyền thông về chuyện Lassen đi vào vùng 12 hải lý của đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa.

Hạm trưởng Francis kể mẹ của ông khi biết tin, gọi điện thoại hỏi con trai, rằng ông đang ở đâu. Ông đáp: “Lại một ngày nữa ở biển Đông. Tất cả đều chuyên nghiệp”.

Ông nói chuyện với các nhà báo, sau khi trực thăng đưa ông từ chiếc Lassen lên tàu sân bay TR, sau khi Lassen tiếp cận chiếc TR, giữ khoảng cách 500 mét.  
Tau chien Trung Quoc
Hạm trưởng Francis (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter
 Tàu sân bay Mỹ “chuyển tải một cây gậy lớn”

 Cùng ngày 5.11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đi máy bay hạ cánh thẳng đứng V-22 Osprey đến tàu sân bay TR, nói chuyện suốt 3 giờ với thủy thủ đoàn. Đi cùng là Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein. Ông Carter quy trách nhiệm cho TQ gây căng thẳng trên biển Đông.

Ông nói: “Việc tôi lên TR ở biển Đông là một biểu tượng và đề cao sự hiện diện ổn định của Mỹ đã có ở khu vực này từ hàng chục năm qua”.

Khi được hỏi ý nghĩa chuyến thăm, ông đáp: “Vì sự căng thẳng của khu vực, chủ yếu do tranh chấp các thực thể trên biển Đông, và hầu hết hoạt động này suốt năm qua là do TQ gây ra”.  

Ông nhấn mạnh: Mỹ sẽ hiện diện trong khu vực, và TQ nên trở thành “một phần của hệ thống an ninh châu Á, chớ nên đứng ngoài hệ thống đó”. Ông nói chủ trương của Tổng thống Theodore Roosevell (con tàu sân bay đang mang tên) là “nói chuyện mềm mỏng với người khác, nhưng kèm theo cây gậy lớn, để xem chúng tôi có thể làm gì để đạt đến một thỏa thuận. Đây là khu vực hưởng thụ sự ổn định từ lâu nay. Sẽ rất xấu hổ nếu người ta phá hủy nó, và tôi không kỳ vọng sự phá hoại sẽ xảy ra”.

Các quan chức Mỹ nói ông Carter không đến bất kỳ tàu chiến nào thực hiện NOFOP.

Trước đó, hãng tin AP nêu chuyến thăm của ông Carter là một “cú móc xoáy” biểu tượng vào những hành động ngang ngược của TQ ở vùng biển này. Và để ông Carter khẳng định quan điểm Mỹ, rằng TQ quá đáng trong việc đòi độc chiếm gần như toàn bộ biển Đông.

Ông Carter cũng phát thông điệp Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện hải quân mạnh mẽ tại khu vực này, để ủng hộ các nước muốn duy trì sự ổn định.

TQ đã phản đối hoạt động NOFOP của chiếc Lassen, cảnh báo nếu Mỹ không ngưng “các hành động khiêu khích” thì có thể bùng nổ chiến tranh trên biển Đông.

Sau chuyến thăm tàu sân bay TR của ông Carter, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao TQ nói TQ luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do hàng hải của các nước, nhưng TQ phản đối việc dùng quyền này để thúc đẩy quân sự hóa biển Đông, thậm chí khiêu khích và gây nguy hiểm cho quyền lợi an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

Vĩnh Thụy (theo Reuters, AP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu chiến Trung Quốc “hẹn tái ngộ” khu trục hạm Mỹ ở biển Đông