Các công ty đóng tàu hàng đầu của Nhật Bản MHI và KHI đang đẩy mạnh kế hoạch xuất khẩu công nghệ đến Úc trong nỗ lực tranh giành các hợp đồng chế tạo tàu ngầm thế hệ tiếp theo cho quốc gia này.
Theo hãng tin Nikkei Asian Review, hai công ty đóng tàu hàng đầu Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries (MHI) và Kawasaki Heavy Industries (KHI) đang nỗ lực chuyển giao các công nghệ của mình đến Úc, qua đó giành được các hợp đồng phát triển thế hệ tàu ngầm tiếp theo của chính phủ Canberra.
MHI cho biết công ty đang xem xét kế hoạch chế tạo tất cả các tàu tại Úc nhưng trở ngại vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là việc làm thế nào để đào tạo kỹ sư địa phương trong thời gian ngắn. Ngoài ra, quản lý các chi phí và bảo vệ bí mật công nghệ cũng là mối quan tâm lớn của MHI.
Toshihide Yamauchi, Ủy viên hội đồng tại Taiheiyo Engineering - một công ty tư vấn quốc phòng có trụ sở tại Tokyo, trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Nikkei cho biết các công ty Nhật Bản nên chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới.
Đánh giá về khả năng của tàu ngầm Nhật Bản so với các đối thủ Đức và Pháp trong việc đấu thầu các hợp đồng của chính phủ Úc, ông Yamauchi cho rằng tàu ngầm Nhật Bản có thể lặn dưới nước trong thời gian dài mà không cần phải nổi lên và đây là một công nghệ quan trọng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch thay thế pin axit chì thông thường bằng pin lithium-ion tốt hơn, cho phép tàu ngầm di chuyển với tốc độ cao.
Ngoài ra, tàu ngầm Nhật Bản còn có khả năng chiến đấu ngang bằng với các tàu do Đức chế tạo, và đang có những bước tiến vượt bậc trong kế hoạch nâng cấp hệ thống chiến đấu. Quốc gia Đông Á cũng có một chuỗi các dịch vụ đáp ứng cho việc chế tạo tàu ngầm một cách tốt nhất và những công ty có thể thay đổi để thích hợp với yêu cầu từ phía Canberra.
Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản phải đối mặt với một số thử thách trong việc chế tạo tàu ngầm chiến đấu so với các tàu thương mại. Đầu tiên là việc xử lý thép tấm, lớp vỏ bên trong của tàu ngầm cần được xử lý thích hợp để có thể chống lại áp lực cao dưới đáy biển. Điều này đòi hỏi Nhật Bản phải làm chủ các kỹ thuật hàn phức tạp và không thể chuyển giao đến Úc trong một thời gian ngắn.
Nếu tàu ngầm được chế tạo tại Úc, Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc đào tạo kỹ sư địa phương. Trước đó, Nhật từng xây dựng các tàu ngầm lớp Collins cho Úc nhưng không thể đào tạo đủ nguồn nhân lực địa phương theo yêu cầu.
Khi được hỏi nếu các công ty Nhật Bản thắng lợi trong việc đấu thầu dự án trị giá khoảng 4 nghìn tỉ yên (35,3 tỉ USD) từ chính phủ Úc, liệu có thể thu được lợi nhuận hay không. Ông Yamauchi cho rằng để thu được lợi nhuận, các công ty Nhật Bản như MHI hay KHI cần kết thúc tất cả các giai đoạn trước khi chi phí đóng tàu vượt quá mức cho phép, kể cả chi phí bổ sung.
Ông Yamauchi cũng nói thêm rằng người Nhật Bản cần cẩn thận trong việc tiết lộ thông tin nhạy cảm cho các đối tác. Những công nghệ quan trọng có thể rơi vào tay nước khác trong quá trình chế tạo, khi có sự tham gia của Mỹ và Úc. “Trong quá trình thực hiện giai đoạn quan trọng, tôi đề nghị các kỹ sư Nhật Bản cần tách những người không liên quan ra khỏi các hoạt động cho đến khi công việc hoàn thành”, ông Yamauchi nói với Nikkei.
Hàn Giang (theo Nikkei Asian Review)