Không hơn 1/4 trong số hơn 12 triệu học sinh của Myanmar đăng ký cho năm học mới trong bối cảnh cuộc biểu tình tẩy chay chống lại chế độ quân sự và sau hàng loạt vụ đánh bom.
Có ít học sinh hơn đáng kể tại nhiều trường ở thành phố Yangon khi năm học mới bắt đầu hôm 1.6, lần đầu tiên kể từ cả cuộc đảo chính ngày 1.2 và việc nới lỏng các lệnh được áp dụng vào năm ngoái chống lại sự lây lan của COVID-19.
Lực lượng an ninh có vũ trang đứng gác tại một số trường.
Một quan chức của Liên đoàn giáo viên Myanmar (giấu tên vì sợ bị trừng phạt) nói rằng số học sinh xuất hiện ít hơn số đăng ký vì phụ huynh lo ngại về an ninh cũng như tham gia cuộc tẩy chay.
Ông nói các giáo viên cũng lo sợ và cho biết thêm: "Một số giáo viên đến trường trong trang phục bình thường và chỉ thay đồng phục trong trường".
Các trường học đã trở thành một chiến trường khác để phản đối quân đội Myanmar lật đổi chính quyền vào ngày 1.2, bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu là bà Aung San Suu Kyi và cắt ngắn một thập kỷ cải cách dân chủ dự kiến.
Reuters đã không thể liên hệ với quân đội Myanmar hoặc Bộ giáo dục của họ để bình luận.
Tờ Global New Light of Myanmar do chính quyền quân sự kiểm soát dẫn lời Win Win Nwe, hiệu trưởng một trường học ở thị trấn Kamayut của Yangon, cho biết khoảng 30% học sinh đã theo học ở đó.
"Các giáo viên, thành viên an ninh và những người lớn tuổi trong thị trấn sẽ đảm bảo an ninh cho học sinh", Global New Light of Myanmar dẫn lời bà.
Các giáo viên, học sinh ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình chống chế độ quân sự và liên đoàn giáo viên cho biết hơn 125.000 giáo viên, trong tổng số hơn 430.000, đã bị đình chỉ vì tham gia phong trào bất tuân dân sự.
Cụm từ "Chúng tôi không cho con mình đi học" đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội kể từ giữa tháng 5.2021.
Bà Thinn Thinn Hlaing đã đăng tải rằng con của cô sẽ không đến trường để bày tỏ sự thương cảm với các bậc cha mẹ có con bị giết trong các cuộc biểu tình, thể hiện sự tôn trọng với những giáo viên đình công và chống lại chính quyền, cũng như tránh làn sóng COVID-19 mới và các vụ đánh bom gần trường học.
"Tất cả các bà mẹ, hãy tiếp tục chiến đấu" là lời Su Mon Han, bà mẹ khác lên kế hoạch dạy con trai 7 tuổi tại nhà.
Không phụ huynh nào đang gửi con đến trường sẵn sàng thảo luận về vấn đề này với Reuters.
Chính quyền quân sự Myanmar phàn nàn rằng "các nhóm khủng bố cực đoan về mặt chính trị, những kẻ muốn phá hủy lợi ích quốc gia" đã đe dọa học sinh và giáo viên, làm gián đoạn giáo dục.
Từ ngày 1.5 đến 26.5 đã có 115 vụ đánh bom hoặc các nỗ lực đánh bom và 18 vụ tấn công đốt phá tại các cơ sở giáo dục, theo quân đội Myanmar.
Được thành lập bởi những người chống đối chính quyền quân sự, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết đang thực hiện một dự án giáo dục di động, bất chấp những hạn chế khắt khe về internet kể từ cuộc đảo chính.
Theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 57 trong số 841 người bị lực lượng an ninh giết chết kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra dưới 18 tuổi. Quân đội Myanmar bác bỏ con số này và nói số người thiệt mạng thấp hơn nhiều.
Kiều bào Myanmar ở Nhật biểu tình bên ngoài đại sứ quán
Khoảng 40 kiều bào Myanmar biểu tình bên ngoài đại sứ quán của nước này ở Nhật Bản. Họ kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và thường dân bị giam giữ.
“Chúng tôi ở đây để gây áp lực với những người không thể hiện rõ ràng ý chí chống lại quân đội", nhà tổ chức nói với trang Nikkei, đồng thời chỉ đích danh Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến quân đội Myanmar.
Một số trong số 35.000 công dân Myanmar ở Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi quy tắc diễn ra vào tuần trước, gia hạn thị thực của họ lên đến 1 năm. Tuy nhiên, Nhật Bản đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt và cắt đứt quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế với quân đội Myanmar, nhất quyết duy trì liên lạc và ảnh hưởng với các nhà lãnh đạo quân sự.
Dù nhỏ so với cuộc biểu tình hồi tháng 2 ở một số khu vực của Tokyo từng thu hút hàng nghìn người, nhưng cảnh sát Nhật đã có mặt do vị trí của Đại sứ quán Myanmar trong một khu dân cư cao cấp.
Quân đội Myanmar đổi tên cầu Aung San thành Thanlwin
Hôm qua, lãnh đạo quân đội Myanmar - Thượng tướng Min Aung Hlaing đã đổi tên cây cầu gây tranh cãi ở bang Mon mà việc đặt tên này đã gây ra xích mích giữa đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và người dân địa phương 4 năm trước.
Cư dân địa phương ở bang Mon phản đối quyết định năm 2017 của NLD về việc đặt tên cây cầu theo tên anh hùng độc lập Aung San, cha bà Suu Kyi. Họ thích những cái tên như cầu Chaungzon hoặc Yarmanya, có nghĩa là ‘Bang Mon’ trong tiếng Mon.
Tướng Min Aung Hlaing đã tham dự buổi lễ đổi tên cùng vợ ông là Daw Kyu Kyu Hla cùng hai thành viên hội đồng quân sự Mahn Nyein Maung và Tiến sĩ Banyar Aung Moe, người cũng là thành viên ban chấp hành trung ương của Đảng Thống nhất (MUP).
MUP đã yêu cầu đổi tên cây cầu thành Yarmanya nhưng chính quyền quân sự đã chọn tên cầu là Thanlwin (Chaungzon), có thể vì lý do chính trị khi cố gắng giành được sự ủng hộ ở bang Mon. Quân đội Myanmar cũng thay đổi màu nền của bảng tên cây cầu từ đỏ sang xanh lục. Cây cầu này bắc qua sông Salween, nối hai thị trấn Mawlamyine và Chaungzon.
Cư dân địa phương nói rằng họ không có bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ nào với tên của cây cầu vì chỉ quan tâm đến việc chấm dứt chế độ quân sự, kẻ thù của người dân.
Tiến sĩ Aung Naing Oo, cựu thành viên hàng đầu Ủy ban điều hành trung ương của MUP và là cựu phát ngôn viên của Nghị viện bang Mon, cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng mục tiêu của người Mon không phải là đổi tên cây cầu.
Ông nói: “Trong xây dựng đất nước, cần phải hình thành một hệ thống chính trị tin cậy và tốt cho mọi người dân tộc, thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.