Nghiên cứu mới cho biết các nhà cung cấp của Apple, gồm cả Foxconn (hãng sản xuất chính iPhone), đã đầu tư 16 tỉ USD kể từ năm 2018, trong kế hoạch nhằm dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Thế giới số

TD Cowen: ‘Việt Nam có thể đáp ứng 40% nhu cầu Mac/iPad hàng năm ở Mỹ'

Sơn Vân 05/01/2024 12:18

Nghiên cứu mới cho biết các nhà cung cấp của Apple, gồm cả Foxconn (hãng sản xuất chính iPhone), đã đầu tư 16 tỉ USD kể từ năm 2018, trong kế hoạch nhằm dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Foxconn là đối tác hàng đầu của Apple và nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Apple và hầu hết các hãng công nghệ trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc đang nỗ lực thoát khỏi điều này, một phần do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng. Điển hình là trong trường hợp của Apple, quá trình sản xuất iPhone từng xảy ra sự chậm trễ lớn do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc và vấn đề về nguồn điện.

Theo trang AppleInsider, nghiên cứu mới từ ngân hàng đầu tư TD Cowen (Mỹ) ước tính rằng thiệt hại doanh thu của Apple do Trung Quốc gây ra là đáng kể và một phần do các nhà cung cấp của hãng dịch chuyển hoặc đặt nơi sản xuất ở quốc gia khác.

TD Cowen cho biết: “Trong 4 năm qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, chúng tôi ước tính doanh thu của Apple đã bị ảnh hưởng hơn 30 tỉ USD. Điều này xuất phát từ việc thị trường không cung cấp đủ cầu do gián đoạn sản xuất xuất phát từ nguồn cung linh kiện, nguồn lao động sẵn có và hạn chế di chuyển do chính phủ Trung Quốc yêu cầu".

Theo các nhà phân tích từ TD Cowen, do tác động này đến chuỗi sản xuất của mình, Apple cùng 188 nhà cung cấp lớn của hãng đều đầu tư để tìm nơi sản xuất khác càng nhanh càng tốt và họ sẽ tiếp tục làm như vậy.

Các nhà phân tích viết: “Chúng tôi tin rằng những rủi ro này mang tính chất dai dẳng và các thảm họa môi trường không lường trước được cũng là yếu tố quan trọng cần theo dõi. Chúng tôi nghĩ rằng sự đa dạng hóa về mặt địa lý và nguồn cung lao động hiện tại có thể làm giảm đáng kể tác động của sự gián đoạn sản xuất trong tương lai, mà lúc cao điểm từng làm giảm doanh thu Apple tới 4 - 8 tỉ USD mỗi quý”.

Việc các nhà cung cấp của Apple dịch chuyển nơi sản xuất sẽ tốn nhiều chi phí. TD Cowen ước tính rằng các nhà cung cấp của Apple đã chi khoảng “16 tỉ USD để đa dạng hóa nơi sản sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Mexico, Mỹ và Việt Nam kể từ năm 2018”.

Báo cáo của TD Cowen cho hay: “Dù việc nhà cung cấp của Apple dịch chuyển nơi sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ dẫn đến chi phí cao hơn trong thời gian ngắn, chúng tôi tin rằng sẽ có lợi ích với chi phí sản phẩm về lâu dài khi năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc đạt đến quy mô đầy đủ. Chúng tôi hình dung quá trình kéo dài nhiều năm trước khi Apple thấy được lợi ích đầy đủ về lợi nhuận hoạt động khi các đối tác tận dụng nguồn lao động địa phương".

Các nhà phân tích khẳng định: “Chúng tôi tin rằng chi phí sản xuất cao hơn một phần do Apple gánh chịu, dù điều này chưa được thể hiện đầy đủ trong xu hướng lợi nhuận gần đây…”.

Sau khi phân tích hơn 1.000 hồ sơ tài chính từ các nhà cung cấp chủ chốt của Apple, gồm cả Foxconn, TD Cowen ước tính rằng "việc sản xuất iPhone vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc dù Tata Electronics của Ấn Độ có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu iPhone trong tương lai".

Các nhà phân tích cho biết: “Với iPhone, phần lớn hoạt động sản xuất vẫn tập trung ở Trung Quốc nhưng các khoản đầu tư gần đây vào Ấn Độ bắt đầu tạo ra một trung tâm sản xuất mới, nơi công ty có thể xuất khẩu số lượng lớn máy sang Mỹ. Ấn Độ đang nhanh chóng trở thành nước tiêu dùng iPhone hàng đầu và hoạt động sản xuất tại địa phương không chỉ giúp giảm chi phí hậu cần phân phối mà còn cải thiện khả năng chi trả vì thuế nhập khẩu không được áp dụng".

Dù vậy, khả năng dịch chuyển sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc vẫn hạn chế.

"Việt Nam có thể đáp ứng khoảng 40% nhu cầu Mac/iPad hàng năm ở Mỹ"

TD Cowen cho biết: “Chúng tôi tin rằng năng lực hiện tại tại các nhà máy ở Ấn Độ có thể sản lượng hàng năm khoảng 25 triệu chiếc iPhone. Điều này đáp ứng nhu cầu trong nước này khoảng 10 triệu chiếc iPhone và có khả năng đáp ứng nhu cầu tới 20% trong số hơn 70 triệu iPhone hàng năm tại Mỹ (chiếm 30% nhu cầu toàn cầu).

Ngược lại, có bước tiến triển tốt trong việc đưa dây chuyền sản xuất Mac và iPad rời Trung Quốc sang Đông Nam Á. Nghiên cứu thực địa về chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy Việt Nam đã phát triển thành trung tâm sản xuất máy tính lớn những năm gần đây và một lượng nhỏ MacBook, iPad, Apple Watch đã được sản xuất ở đây.

Chúng tôi ước tính rằng năng lực của Việt Nam có thể đáp ứng khoảng 40% nhu cầu máy Mac/iPad hàng năm ở Mỹ. Tuy đây là bước tiến tốt và vẫn cần bổ sung năng lực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ, việc đa dạng hóa sản xuất sang các nhà cung cấp không phải của Trung Quốc vẫn cần thiết để đạt được mục tiêu”.

td-cowen-viet-nam-co-the-dap-ung-40-nhu-cau-mac-ipad-hang-nam-cua-my.jpg
iPad được sản xuất ở Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường nửa cuối năm 2024 - Ảnh: Internet

TD Cowen ước tính rằng phải mất tới 18 tháng để một công ty thành lập một nhà máy sản xuất mới và thậm chí có thể lâu hơn để tổ chức toàn bộ chuỗi cung ứng. Các nhà phân tích viết: “Nếu ngay cả một bộ phận quan trọng không thể sản xuất được bên ngoài khu vực mà chuỗi cung ứng đang muốn giảm thiểu rủi ro thì việc dịch chuyển sẽ chỉ là một phần”.

Apple chưa bình luận về báo cáo này hoặc về kế hoạch giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Song trong bối cảnh khó khăn trong sản xuất tại Trung Quốc khiến dòng iPhone 14 Pro bị trì hoãn, Apple từng đưa ra một tuyên bố hiếm hoi về vấn đề này vào tháng 11.2022. Cụ thể là Apple đã xác nhận rằng nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn tại thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), từng chịu trách nhiệm sản xuất iPhone 14 Pro và Pro max, đã giảm sản lượng sau khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong khu vực.

“Các hạn chế về COVID-19 đã tạm thời ảnh hưởng đến cơ sở lắp ráp iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max chính đặt tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Cơ sở hoạt động với công suất giảm đáng kể”, Apple đăng trong một thông cáo báo chí hiếm hoi thời điểm đó.

Nikkei: Apple chuyển nguồn lực phát triển iPad sang Việt Nam

Apple đã phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam, trang Nikkei đưa tin hồi đầu tháng 12.2023, trích dẫn các nguồn tin am hiểu về vấn đề này.

Nikkei cho biết Apple đang hợp tác với BYD (Trung Quốc), nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho mục đích như vậy với một thiết bị cốt lõi.

Công ty cho biết quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm iPad bắt đầu từ khoảng giữa tháng 2.2024 và mẫu máy này sẽ có mặt trên thị trường vào nửa cuối năm nay.

Apple và BYD không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị bình luận.

Các nhà cung cấp khác của Apple, gồm cả Foxconn và Luxshare, cũng đầu tư Việt Nam để đa dạng hóa hơn nữa hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc.

NPI yêu cầu nguồn lực đáng kể từ cả hãng công nghệ và nhà cung cấp của nó, chẳng hạn như kỹ sư có tay nghề và thiết bị phòng thí nghiệm để thử nghiệm các tính năng mới.

Apple cũng có kế hoạch gửi một số quy trình NPI cho iPhone tới Ấn Độ, Nikkei đưa tin.

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC (Singapore), Apple là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, chiếm 36,6% thị phần trong ba quý đầu năm 2023.

Ivan Lam, nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, nhận định: "Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong sản xuất, giữ vị thế là trung tâm và có khả năng trở thành một trong những công xưởng sản xuất tiếp theo trên toàn cầu".

Theo Ivan Lam, bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple đã chứng minh Việt Nam có khả năng sản xuất iPad và mở rộng quy mô lắp ráp máy tính bảng này. Trước đây, AirPods, Apple Watch và MacBook, ba sản phẩm khác của Apple, đã được sản xuất ở Việt Nam.

Bài liên quan
Thông điệp của CEO Nvidia từ chuyến thăm Việt Nam và 3 quốc gia châu Á: ‘Mỗi nước cần có nhà máy AI’
Ông Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, vừa thực hiện chuyến công du châu Á trong tháng 12, nhận được sự hoan nghênh như người hùng trong khi chuẩn bị cho đợt thuyết trình bán hàng sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) lớn tiếp theo của hãng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TD Cowen: ‘Việt Nam có thể đáp ứng 40% nhu cầu Mac/iPad hàng năm ở Mỹ'