Việc triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có vai trò quan trọng để Việt Nam khôi phục động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển chấu Á (ADB), việc triển khai gặp một số thách thức về mặt chính sách.
Đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng sâu rộng
Theo báo cáo của ADB, đợt bùng phát COVID-19 mới vào tháng 4 năm 2021 đã cản trở quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt nguồn cung lao động và làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực chế biến chế tạo sử dụng nhiều lao động. Tăng trưởng GDP năm 2021 giảm xuống mức 2,6% từ 2,9% năm 2020.
Sự phục hồi nhanh chóng của sản lượng công nghiệp trong quý 1 và quý 2 đã bị xóa sổ bởi những hạn chế di chuyển nghiêm ngặt trong do COVID-19, khiến sản lượng trong quý 3 sụt giảm mạnh. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại vào tháng 10, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, đã giúp tăng trưởng phục hồi, với sản lượng tăng đạt mức 4,0% vào năm 2021.
Ngoài ra, tăng trưởng dịch vụ giảm từ 2,3% năm 2020 xuống còn 1,2%. Lượng khách du lịch nước ngoài giảm 96% trong năm 2021 đã được bù đắp một phần bởi sự phục hồi dịch vụ y tế và tài chính trong quý 4.
Thị trường lao động chịu những cú sốc nghiêm trọng từ cả phía cung và cầu khi nền kinh tế suy yếu và người lao động rời bỏ lực lượng lao động, dẫn tới giảm 2,0 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3 so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm đã hạn chế tăng trưởng tiêu dùng cá nhân trong năm 2021.
Tiêu dùng công giảm từ 6,2% năm 2020 xuống còn 2,9% do chính phủ cắt giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư tăng khoảng 4,0%, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa mức tăng trước đại dịch. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 9,2%, nhưng cơ chế phối hợp thiếu chặt chẽ giữa trung ương và địa phương đã khiến giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm lại, giảm 1,2% so với năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt kết quả tốt, bất chấp những ảnh hưởng do COVID-19 gây ra.
Ngoài ra, lạm phát giảm còn 1,8% năm 2021 từ mức 3,2% năm 2020, do cầu nội địa suy yếu; tỷ lệ lạm phát năm ngoái ở mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng góp phần làm tăng Chỉ số VN-Index lên mức cao kỷ lục vào tháng 11 năm 2021. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2021 đạt mức tương đương 13,7 tỉ đô la, tăng 32% so với năm 2019.
"Các nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính dần xuất hiện. Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua các đợt phát hành riêng lẻ, phần lớn không có tài sản bảo đảm và không được xếp hạng tín nhiệm, gây lo ngại về rủi ro tiềm ẩn", ADB nêu.
Thêm vào đó, bội chi ngân sách ước tính tăng lên mức 3,8% GDP so với 3,5% vào năm 2020. Thu ngân sách tăng nhẹ 1% do thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 22%, và thu từ dầu mỏ tăng 32%. Bù trừ với những khoản tăng này là sự sụt giảm 3% trong thu thuế nội địa do hoạt động kinh tế yếu hơn. Chi tiêu chính phủ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ gia tăng chi tiêu cho COVID-19 nhưng lại chậm giải ngân vốn đầu tư công…
Thách thức nào cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế?
Từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021, Chính phủ đã khởi động hai chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ, để giải quyết tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Sau đó, để ứng phó với sự bùng phát trở lại COVID-19 vào năm 2021, Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới về các giải pháp tài chính và tiền tệ vào tháng 1 năm 2022 để đẩy nhanh việc thực hiện chương trình phục hồi trong năm nay và năm tới.
Việc triển khai hiệu quả chương trình có vai trò quan trọng để Việt Nam khôi phục động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ADB, việc triển khai gặp một số thách thức về mặt chính sách.
Cụ thể, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cấu phần quan trọng nhất của chương trình và hoạt động này đã được phân bổ ngân sách 113 nghìn tỉ đồng (khoảng 5 tỉ USD) cho các năm 2022 và 2023.
Việc đảm bảo triển khai cấu phần hạ tầng một cách kịp thời có thể rủi ro, do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam gây nên bởi các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu. Để thực hiện kịp thời cần phải đơn giản hóa triệt để và thay đổi các quy định về đầu tư công cũng như công tác phối hợp chính sách.
Tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40 nghìn tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD). Đây là cấu phần tài khóa chính của ERDP, dự kiến sẽ thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, do mức độ tín nhiệm và khả năng hồi phục là những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được các tiêu chí này do tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch COVID-19.
Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009. Để tránh xảy ra tình huống này một lần nữa, ADB cho rằng cần phải có hướng dẫn rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện chương trình.
Một cấu phần tài khóa quan trọng khác của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%. Tổng giá trị cắt giảm thuế khoảng 49 nghìn tỉ đồng (khoảng 2,1 tỉ USD).
ADB cho rằng việc giảm thuế VAT có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công. Tuy nhiên, các tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với chính sách giảm thuế VAT. Cần có các tiêu chí về đáp ứng điều kiện và thủ tục rõ ràng hơn để hỗ trợ thực hiện chính sách giảm thuế VAT một cách nhanh chóng.