Thành viên Quốc hội Canada đại diện cho một khu vực trong tỉnh sản xuất ô tô chính của đất nước đã đề nghị Đài Loan "vui lòng gửi thêm chip cho chúng tôi" để giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt kéo dài ở một số dây chuyền sản xuất.
Ngành công nghiệp ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thắt chặt nguồn cung cấp chất bán dẫn trên toàn cầu, trong một số trường hợp đã buộc các công ty phải tạm dừng dây chuyền sản xuất.
Chris Lewis là thành viên Quốc hội Canada từ tỉnh Ontario, nơi có Ford Motor Co và các nhà máy sản xuất ô tô khác. Ông nói với các phóng viên trong chuyến thăm Đài Loan với tư cách là một thành viên của phái đoàn Quốc hội Canada rằng việc thiếu chip tiếp tục gây khó khăn.
Chris Lewis cho hay: “Chúng tôi có những bãi đậu xe đầy ô tô. Những chiếc ô tô thành phẩm nằm trong bãi đậu xe và không thể bán được, bởi chúng tôi không có chất bán dẫn”.
Ontario là tỉnh gần các nhà sản xuất ô tô của Mỹ ở bang Michigan và Ohio, với một chuỗi cung ứng được kết nối chặt chẽ.
Chris Lewis nói đã gặp các lãnh đạo cấp cao của TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) cùng các công ty khác trong chuyến đi này để đề nghị họ "đưa Canada lên đầu danh sách".
"Tôi nghĩ rằng mỗi cuộc họp, kể cả các cấp trên của chính quyền Đài Loan, tôi đều nêu tình trạng thiếu chip rất lớn. Đó là cuộc trò chuyện rất rộng và lần nào chúng tôi cũng nói 'vui lòng gửi thêm chip cho chúng tôi'", Chris Lewis nói.
Chris Lewis được cho biết rằng Đài Loan đang làm việc "rất cật lực" để chế tạo thêm chip, nhưng ông nói điều tốt nhất sẽ là sản xuất chip ở Canada hoặc Mỹ.
"Cuộc trò chuyện cần phải lớn hơn thế. Làm thế nào để chúng ta sử dụng công nghệ của họ, sử dụng chuyên môn của họ, vượt qua, đào tạo và bắt đầu xây dựng nhà máy ở Bắc Mỹ, Canada hay ở Mỹ", Chris Lewis nói.
TSMC đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên. Công ty đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỉ USD ở bang Arizona, Mỹ.
“Nếu Đài Loan an toàn, chuỗi cung ứng chip sẽ bền vững”
Vương Mỹ Hoa, người đứng đầu Cơ quan Kinh tế Đài Loan, nói trong chuyến thăm Mỹ gần đây rằng nếu Đài Loan vẫn an toàn, các chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn quan trọng cũng sẽ được đảm bảo. Bà Vương Mỹ Hoa đã đưa ra bình luận tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington tổ chức.
Bà Vương Mỹ Hoa có mặt tại Mỹ trong tuần này để trả lời điều mà văn phòng của bà gọi là "lo ngại" về chuỗi cung ứng và các vấn đề địa chính trị, đồng thời thăm các hãng công nghệ Mỹ là khách hàng lớn của các công ty bán dẫn Đài Loan. Bà cho biết Đài Loan mong muốn có thêm sự hợp tác với Mỹ để đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững.
Bà Vương Mỹ Hoa nói rằng với vai trò chủ chốt của Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ can thiệp vào Đài Loan. Bà cũng trích dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken nói rằng nếu bất cứ điều gì xảy ra với Đài Loan, tác động đến nền kinh tế toàn cầu sẽ là "tàn phá".
"Tôi muốn nói nó theo một cách khác. Nếu Đài Loan an toàn, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bền vững. Đây là mối quan tâm lớn nhất của thế giới để Đài Loan làm việc với Mỹ và các đồng minh khác duy trì sản xuất hiệu quả nhất", bà Vương Mỹ Hoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hoa cũng nhắc lại luật của Mỹ cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị Mỹ, nói rằng các công ty Đài Loan sẽ tuân theo các quy định quốc tế.
Khi được hỏi liệu Đài Loan có lo ngại rằng các khoản trợ cấp của chính quyền Biden để khuyến khích sản xuất chip ở Mỹ có thể làm giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Đài Loan hay không, bà Hoa cho biết chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Đài Loan đã được xây dựng trong hơn 40 năm.
"Chúng tôi có một chuỗi cung ứng rất lớn ở Đài Loan, rất khó để trùng lặp hoặc thay thế", bà tuyên bố.
Chính quyền ông Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, gồm cả các quy định nhằm cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chip bán dẫn được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới với thiết bị từ Mỹ. Đây là động thái mở rộng phạm vi tiếp cận từ Mỹ trong nỗ lực làm chậm các tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Các quy tắc (một số có hiệu lực ngay lập tức) được xây dựng dựa trên các hạn chế được gửi trong thư đầu năm nay cho các nhà sản xuất công cụ hàng đầu KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc. Đây là cách hiệu quả yêu cầu các công ty Mỹ ngừng vận chuyển thiết bị đến các nhà máy sản xuất chip logic tiên tiến hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Một loạt các biện pháp có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ với công nghệ vận chuyển đến Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nếu hiệu quả, chúng có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất chip của Trung Quốc khi buộc các công ty Mỹ và nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ ngừng hỗ trợ cho một số nhà máy và nhà thiết kế chip hàng đầu của Bắc Kinh.
Jim Lewis, chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), cho biết: “Điều này sẽ khiến Trung Quốc lùi lại nhiều năm. Trung Quốc sẽ không từ bỏ sản xuất chip, nhưng điều đó thực sự sẽ làm họ đi chậm lại”.