Tối 8.8, Bộ Y tế cho biết đã có 4.949 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 9.690 ca.
Có 4.949 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 4.947 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.002), Bình Dương (1.733), Đồng Nai (224), Khánh Hòa (201), Cần Thơ (71), Đà Nẵng (68), Trà Vinh (67), Ninh Thuận (62), Hà Nội (51), Bình Thuận (46), Đồng Tháp (44); Đắk Lắk (41), Phú Yên (29), Lâm Đồng (21), Bến Tre (20), An Giang (15), Đắk Nông (7), Quảng Nam (6), Hà Tĩnh (5), Quảng Ngãi (5), Bình Phước (5), Cà Mau (4), Thừa Thiên Huế (4), Gia Lai (4), Hải Dương (3), Phú Thọ (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Vĩnh Phúc (1), Quảng Bình (1), Hà Nam (1), trong đó có 881 ca trong cộng đồng.
Và tới thời điểm này, Việt Nam có tổng 210.405 ca nhiễm, trong đó có 2.345 ca nhập cảnh và 208.060 ca nhiễm trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 206.490 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện vẫn có 2 tỉnh/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Cũng trong tối 8.8, Hà Nội cũng đã ghi nhận thêm 13 ca COVID-19 mới, trong đó đáng chú ý có 7 ca lây nhiễm cộng đồng, số mắc trong ngày đã giảm 26 trường hợp so với hôm qua.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đoàn Thu Trà - Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết, ngay sau 1 đêm kêu gọi ngành y tế đã có 100% cán bộ viên chức Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng lên đường tiếp sức cho TP.HCM, để có thể cùng TP.HCM hỗ trợ, điều trị, chăm sóc và cứu sống kịp thời bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện lớn cấp tốc đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở để có nhiều y, bác sĩ có thể sử dụng được máy thở hơn. Theo Bộ Y tế, đây là công việc hết sức cấp bách. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, báo cáo tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hỗ trợ kịp thời.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Từ ngày 27.4.2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với "làn sóng thứ tư" của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.
Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra.