Việc sản xuất ô tô điện dùng pin lithium-ion phát triển nhanh chóng nhưng nguồn cung lithium trên toàn cầu đang thiếu hụt.

Thiếu kim loại được ví như máu trong cơ thể người, các hãng ô tô điện lao đao

Sơn Vân | 21/01/2022, 15:40

Việc sản xuất ô tô điện dùng pin lithium-ion phát triển nhanh chóng nhưng nguồn cung lithium trên toàn cầu đang thiếu hụt.

Các nước phương Tây đua nhau khai thác các mỏ lithium mới để cạnh tranh với Trung Quốc.

Lithium là kim loại nhẹ nhất hành tinh, ở trạng thái rắn, có màu trắng bạc lóe mắt và thuộc nhóm kim loại kiềm. Khối lượng riêng của lithium là 0,543g/cm3 (ở 21 độ C) nên có thể nổi trên mặt xăng và dầu.

Lithium là vật liệu quan trọng để chế tạo pin cho ô tô điện, smartphone và các thiết bị điện tử khác. Hiện lithium được sản xuất chủ yếu bằng cách tinh chế spodumene (silicat nhôm lithium có độ cứng từ 6,5 đến 7 trên thang Mohs), một khoáng chất thường được khai thác từ các mỏ đá ở Úc hoặc lọc nước muối tại Chile, Argentina, Bolivia.

Ông Jon Evans, Giám đốc điều hành Lithium Americas (công ty Canada chuyên khai thác lithium), cho biết: “Lithium như máu trong cơ thể người vậy. Nó là chất khiến pin lithium-ion hoạt động, là điểm chung của mọi công nghệ pin hiện tại lẫn tương lai”.

Hôm 20.1.2022, Chính phủ Serbia đã hủy bỏ giấy phép một dự án lithium lớn do Rio Tinto (công ty khai thác kim loại của Anh - Úc) sở hữu, mà các chuyên gia trong ngành dự đoán có khả năng kéo dài tình trạng thiếu hụt nguồn cung kim loại này khiến nhiều hãng sản xuất ô tô điện lao đao.

Sau đây là một số thông tin chính về các mỏ lớn nhất và nguồn cung lithium dựa trên dữ liệu từ Bộ Công nghiệp Úc, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cùng báo cáo từ Tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sĩ).

thieu-hut-kim-loai-duoc-vi-nhu-mau-trong-co-the-cac-hang-o-to-dien-lao-dao2.jpg
Một lọ lithium cacbonat do Rio Tinto sản xuất từ dự án Jadar lithium của họ ở Serbia, được trưng bày tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của thợ mỏ tại thành phố Melbourne, Úc - Ảnh; Reuters

Sản xuất

Lithium hiện được sản xuất từ ​​các mỏ đá cứng hoặc nước muối. Úc là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, với sản lượng từ các mỏ đá cứng. Argentina, Chile và Trung Quốc chủ yếu sản xuất nó từ các hồ muối.

Tổng sản lượng toàn cầu, tính theo quy cách tương đương với lithium cacbonat, được dự báo ở mức 485.000 tấn vào năm 2021, tăng lên 615.000 tấn vào 2022 và 821.000 tấn trong 2023, theo Bộ Công nghiệp Úc.

Các nhà phân tích của Credit Suisse tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng sản lượng năm 2022 là 588.000 tấn và 2023 là 736.000 tấn. Họ dự báo nhu cầu cao hơn tăng trưởng nguồn cung, với nhu cầu ở mức 689.000 tấn vào năm 2022 và 902.000 tấn vào 2023, trong đó khoảng 2/3 là cho pin ô tô điện.

Giá lithium

Giá lithium cacbonat đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm qua do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất pin Trung Quốc.

Ngày 18.1.2022, Allkem, nhà sản xuất lithium thuộc top 10 toàn cầu của Úc, cho biết dự kiến ​​giá kim loại này trong nửa đầu năm nay sẽ tăng lên khoảng 20.000 USD/tấn tại thời điểm bốc hàng, tăng khoảng 80% so với nửa năm cuối 2021.

Các mỏ lớn nhất thế giới

Mỏ Greenbushes (Tây Úc), thuộc Talison Lithium Ltd (liên doanh giữa Tianqi Lithium Corp, IGO và Albemarle Corp), với năng lực sản xuất hiện tại là 1,34 triệu tấn spodumene cô đặc/năm.

Mỏ Pilgangoora (Tây Úc), thuộc sở hữu của Pilbara Minerals, dự kiến ​​sản xuất 400.000 - 450.000 tấn spodumene cô đặc tính đến tháng 6.2022.

Mỏ Mt Cattlin (Tây Úc), thuộc sở hữu của Allkem (công ty được thành lập từ sự hợp nhất Orocobre và Galaxy Resources), sản xuất 230.065 tấn spodumene cô đặc vào năm 2021.

Mỏ Mibra ở bang Minas Gerais (Brazil), thuộc sở hữu của Advanced Metallurgical Group, dự kiến sản xuất 90.000 tấn spodumene mỗi năm.

Mount Marion (Tây Úc), thuộc sở hữu của Mineral Resources Ltd, đang trên đà sản xuất 450.000 - 475.000 tấn spodumene trong năm tính đến tháng 6.2022.

Mỏ Salar de Atacama (thành phố Antofagasta, Chile), thuộc sở hữu của Sociedad Quimica y Minera de Chile, sản xuất 110.000 tấn lithium cacbonat một năm.

Mỏ Chaerhan (tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc), thuộc sở hữu của Thanh Hải Salt Lake BYD Resources Development Co, công suất 10.000 tấn lithium cacbonat một năm.

Mỏ Yajiang Cuola (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), thuộc sở hữu của Tianqi Lithium, công suất 10.000 tấn lithium cacbonat một năm.

Bài liên quan
Số lượng ô tô điện Tesla trên đường phố Singapore tăng hơn 10 lần, đe dọa các hãng xe đối thủ
Tại Singapore, nơi ô tô mới đăng ký bị kiểm soát chặt chẽ để quản lý giao thông và ô nhiễm, Tesla đang gặp thời khi doanh số bán hàng tăng vọt và chiếm thị phần của các đối thủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu kim loại được ví như máu trong cơ thể người, các hãng ô tô điện lao đao