Đội ngũ bác sĩ chăm sóc Tổng thống Donald Trump chẳng hề cho biết lần mới nhất ông xét nghiệm COVID-19 âm tính khi nào, phổi sau điều trị có chịu biến chứng gì không, tại sao ông được áp dụng phương pháp điều trị tiên tiến vốn chỉ dành cho ca nhiễm nặng, ông từng sốt cao bao nhiêu độ hay mức oxy từng thấp đến ngưỡng nào.
Giới chức an ninh Mỹ cảnh báo tất cả số thông tin trên là mục tiêu mà nhiều quốc gia nhắm đến. Nhà Trắng có lý do lo ngại tình báo nước ngoài đang cố tìm hiểu tình trạng sức khỏe thực sự của Tổng thống Trump rồi dùng những gì thu thập được gieo rắc nghi ngờ và bất ổn – chẳng hạn sử dụng hình ảnh nhà lãnh đạo Washington nhợt nhạt hoặc đoạn ghi âm ông khàn giọng hòng tô vẽ hình ảnh nước Mỹ thất thủ trước đại dịch.
Cơ quan tình báo nước ngoài đầu tư rất nhiều cho năng lực thu thập thông tin y tế nhạy cảm của các nhà lãnh đạo, tìm cách cài cắm người vào nơi họ có thể tiếp cận trực tiếp/gián tiếp. Cựu quan chức Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Steve Hall khẳng định: “Một đơn vị đẳng cấp phải có nhân viên và nguồn tin cung cấp tin về sức khỏe của Tổng thống Mỹ”.
Marc Polymeropoulos - một cựu sĩ quan CIA cấp cao khác - cho biết thu thập thông tin khi một sự kiện như Tổng thống Mỹ đổ bệnh xảy ra là nhiệm vụ chắc chắn phải làm. Đây là chuyện bình thường đối với bất cứ nhân viên tình báo nào.
“Với chúng tôi thì thu thập thông tin sức khỏe của lãnh đạo quốc gia đối thủ, vì đối tượng tuyển dụng làm nguồn tin thường là người trong bệnh viện hoặc nhân viên hành chính chứ không phải nhân viên tình báo, người trong chính quyền”, cựu sĩ quan Polymeropoulos tiết lộ.
Tuy nhiên ông Hall hoài nghi khả năng Trung Quốc có Nga cài cắm được người vào trung tâm y tế Walter Reed nơi Tổng thống Trump đến điều trị COVID-19. Cựu quan chức này nhận định khả năng hai nước này sử dụng nguồn tin sẵn có trong Nhà Trắng cao hơn.
Chỉ sau 3 ngày điều trị ở bệnh viện, Tổng thống Trump đã quay trở về Nhà Trắng. Đội ngũ bác sĩ đảm bảo nhà lãnh đạo Washington đáp ứng mọi tiêu chuẩn để xuất viện.
Ông Hall còn chỉ ra một nguy cơ khác: “Báo chí đưa tin Tổng thống Trump đã nói chuyện điện thoại với một số nhà lãnh đạo nước ngoài. Nếu trong số đó có Tổng thống Vladimir Putin, phía Nga sẽ cho một bác sĩ cùng nghe, tìm hiểu xem Trump có hụt hơi không? Có bối rối không?”.
Thông tin mơ hồ cũng đem đến nguy cơ
Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mick Mulroy nhắc nhở thông tin về tình trạng sức khỏe của Tổng thống Trump có thể dễ dàng bị khai thác, đặc biệt trong môi trường tin tức hỗn loạn hiện nay. Ông chỉ trích hàng loạt cuộc họp báo mơ hồ từ đội ngũ bác sĩ Nhà Trắng tạo ra cuộc khủng hoảng lòng tin trong hệ thống chỉ huy – tạo điều kiện cho nước ngoài triển khai chiến dịch bóp mép thông tin hòng khiến người dân Mỹ giảm sút niềm tin với chính quyền lẫn tiến trình bầu cử.
Phía quan chức chính quyền vẫn khẳng định mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát. Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien hôm 4.10 phát biểu: “Các đối thủ biết rằng chính quyền Mỹ vẫn ổn định và đang bảo vệ người dân”.
Tuy nhiên có thể thấy rõ nỗi lo bị đối thủ khai thác qua việc thông tin sức khỏe của Tổng thống Trump được xử lý khá cẩn trọng. Với hầu hết Tổng thống Mỹ, đội ngũ bác sĩ thường công bố chi tiết bệnh trạng, thuốc điều trị cùng tiền sử bệnh lý. Nhưng đương kim lãnh đạo - người lớn tuổi nhất được bầu làm Tổng thống Mỹ - lại từ chối làm vậy.
Cách Nhà Trắng xử lý khiến tình hình thêm hỗn loạn. Hôm 4.10 họ thừa nhận mức bão hòa oxy trong máu của Tổng thống Trump từng giảm xuống ngưỡng đáng ngại, nhưng đồng thời lại khẳng định ông có thể xuất viện một ngày sau đó.
Không lâu sau thì Tổng thống Trump ngồi xe ra khỏi Walter Reed vẫy chào người ủng hộ, rồi quay về trung tâm y tế.
Trong khi đó, nhóm nhân vật thân cận Tổng thống Trump liên tục xuất hiện người dương tính. Mới đây nhất là cố vấn cấp cao Stephen Miller. Vậy mà chính quyền Mỹ vẫn tìm cách trấn an về bệnh tình nhà lãnh đạo Washington và tuyên bố rằng cả bộ máy an ninh quốc gia lẫn thế giới không cần biết chính xác tình trạng sức khỏe chính xác.
“Tôi không nghĩ chúng ta cần cầm trên tay báo cáo y tế chi tiết vì chúng ta không phải bác sĩ. Rõ ràng là ngài Tổng thống vẫn đang làm việc, toàn chính quyền tiếp tục vận hành dưới quyền ông”, Đặc sứ Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Iran Elliott Abrams phát biểu.
Cựu quan chức CIA Steve Hall đánh giá trước cách xử lý lộn xộn của Nhà Trắng, chính quyền nước ngoài như Nga và Trung Quốc với chương trình thu thập tình báo chủ động và hiệu quả có khi còn nắm thông tin về tình trạng sức khỏe Tổng thống Trump rõ hơn cả công chúng Mỹ.
Cựu giám đốc CIA tạm quyền John McLaughlin cũng nhấn mạnh: “Với cơ quan tình báo nước ngoài đặc biệt là nước thù địch, không ưu tiên nào lớn hơn việc tìm hiểu nhóm nội bộ thân cận Tổng thống Mỹ. Có lý do để xác định họ có nguồn tin cố gắng xác thực thông tin về bệnh trạng Tổng thống”.