Hàng loạt người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh dấy lên sự nghi ngại từ người dân.
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh
Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng người đã tiêm đủ 2 mũi vắc vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19. Do đó, dù đã tiêm vắc-xin, vẫn cần tuân thủ biện pháp 5K, đặc biệt là sử dụng khẩu trang, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần.
Ông Khổng Minh Tuấn - Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc xin phòng COVID-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85-87% khi tiêm đủ 2 mũi. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cũng tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người. Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng trong điều kiện cấp bách phòng chống dịch với 8 loại vắc xin COVID-19. Trong đó, vắc xin AstraZeneca là loại vắc xin được tiếp nhận nhiều nhất và được tiêm nhiều nhất cho người dân.
Sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Do đó, không phải cứ tiêm vắc xin là không thể nhiễm bệnh và không truyền bệnh cho người khác, đặc biệt khi Việt Nam chưa đạt được miễn dịch cộng đồng vì nhiều người vẫn chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cùng chung đánh giá. Ông cho hay, trên thực tế có những loại vắc xin hiệu lực bảo vệ tới 90%, nhưng có vắc xin hiệu lực bảo vệ chỉ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang vi rút và lây bệnh cho người khác. Với những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. “Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi đã tiêm vắc xin COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì cũng sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Không thể chạy theo dịch hướng tới giảm tỷ lệ tử vong
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần xác định tiêm 2 mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì có thể chỉ có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng, giảm nguy cơ tử vong.
Các báo cáo khoa học chỉ ra, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch.
Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, với chủng Delta lây lan nhanh thì việc loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng không còn là mục tiêu then chốt mà cần định hướng chống dịch theo cách mới. Để chung sống an toàn với SARS-CoV-2, đầu tiên, chúng ta phải kiểm soát bằng cách giám sát nó. Nghĩa là sau khi hết đợt bùng phát, chúng ta phải thực hiện giám sát bằng xét nghiệm.
Việc xét nghiệm cần tùy từng đối tượng chỉ định loại xét nghiệm, theo định kỳ, chu kỳ rõ ràng. Khi đã xác định được đích như vậy, chúng ta phải xác định được nhóm có nguy cơ tử vong cao như: những người tuổi cao, nhiều bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch...
Nhóm người này cần được bảo vệ bằng vắc xin, cần ưu tiên tiêm đầy đủ hai mũi cho họ. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, rõ ràng có những thời điểm nhất định chúng ta đã bị động, đó là khi số ca mắc tăng nhanh quá và chúng ta không lường hết được. Hệ thống y tế điều trị không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đồng thời khả năng điều phối cũng không được tốt.
Chúng ta đã biết rằng dịch lây lan rất nhanh, tuy lây lan nhanh nhưng độc lực không mạnh đến mức gây nên mức độ tử vong như vậy. Điều này cho thấy, việc điều phối và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế rất quan trọng. Bộ Y tế đã phân 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19. Điều cơ bản nhất của việc phân loại là nhằm mục tiêu nếu bị bệnh sẽ không chuyển nặng, nếu chuyển nặng sẽ giảm tỷ lệ nhập viện và nếu nhập viện sẽ giảm tỷ lệ nguy kịch và tử vong - đây chính là mục tiêu mà ngành y tế hướng đến.