Các nhà sản xuất ô tô đang phải đóng cửa các dây chuyền lắp ráp vì tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu. Một số trường hợp đã trở nên trầm trọng hơn do các hành động của chính quyền Trump chống lại nhà máy sản xuất chip quan trọng ở Trung Quốc, theo Reuters.

Toan tính của các hãng ô tô khi ông Trump đàn áp công nghệ Trung Quốc làm cạn kiệt chip

Nhân Hoàng | 15/01/2021, 13:44

Các nhà sản xuất ô tô đang phải đóng cửa các dây chuyền lắp ráp vì tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu. Một số trường hợp đã trở nên trầm trọng hơn do các hành động của chính quyền Trump chống lại nhà máy sản xuất chip quan trọng ở Trung Quốc, theo Reuters.

Sự thiếu hụt chip đang khiến Ford Motor, Subaru và Toyota Motor cắt giảm việc sản xuất tại Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô ở thị trường khác bị ảnh hưởng có Volkswagen, Nissan Motor Co và Fiat Chrysler Automobiles.

Vấn đề bắt nguồn từ sự kết hợp của các yếu tố khi nhà sản xuất ô tô cạnh tranh với ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ để có nguồn cung chip. Người tiêu dùng đã tích trữ laptop, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác trong thời kỳ đại dịch COVID-19 dẫn đến nguồn cung chip khan hiếm trong suốt năm 2020.

Người dùng cũng mua nhiều ô tô hơn dự kiến ​​của các quan chức trong ngành vào mùa xuân năm ngoái, khiến nguồn cung chip tiếp tục căng thẳng.

Trong ít nhất một trường hợp, sự thiếu hụt chip liên quan đến các chính sách của Tổng thống Donald Trump nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Một nhà sản xuất ô tô đã chuyển hoạt động sản xuất chip từ Semiconductor Manufacturing International (SMIC), công ty bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Mỹ vào tháng 12.2020, sang Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), hãng được đặt trước chip quá nhiều, một người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters. 

SMIC là nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc. Trong khi TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Một nhà cung cấp ô tô xác nhận TSMC đã không thể đáp ứng kịp nhu cầu về chip.

Khía cạnh hệ thống của cuộc khủng hoảng đang khiến chúng tôi đau đầu. Trong một số trường hợp, chúng tôi tìm thấy các bộ phận thay thế có thể khiến chúng tôi tách biệt với TSMC, chỉ để phát hiện ra rằng nhà sản xuất tấm wafer thay thế không có đủ năng lực”, một lãnh đạo hãng cung ứng chip cho biết.

Tấm wafer là miếng silicon mỏng được cắt ra từ thanh silicon hình trụ, được sử dụng như vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp.

Trong cuộc thảo luận với các nhà đầu tư vào ngày 14.1, Giám đốc điều hành TSMC - C.C.Wei nói về tình trạng thiếu chip ô tô được sản xuất bằng công nghệ hoàn thiện và đang làm việc với khách hàng để “giảm thiểu tác động của sự thiếu hụt”.

Một quan chức công đoàn tại nhà máy TSMC cho biết việc thiếu những con chip nhỏ nhất cũng dẫn đến việc ngừng sản xuất ô tô. Cụ thể là nhà máy Ford ở bang Kentucky (Mỹ) không thể làm chiếc ô tô thể thao đa dụng Escape hoạt động vì thiếu chip trong hệ thống phanh xe.

Ford cũng ngừng hoạt động nhà máy Focus ở thành phố Saarlouis (Đức) trong 1 tháng bắt đầu từ tuần tới vì tình trạng thiếu chip.

Tình hình khó có thể cải thiện nhanh chóng, vì tất cả chip dù được gắn vào laptop hay ô tô, đều bắt đầu hoạt động như một tấm silicon và mất khoảng 90 ngày để xử lý thành con chip.

Ngành công nghiệp sản xuất chip luôn căng thẳng để theo kịp với nhu cầu tăng đột biến. Các nhà máy sản xuất tấm wafer phải tiêu tốn hàng chục tỉ USD để xây dựng; việc mở rộng công suất có thể mất tới 1 năm để thử nghiệm và đủ điều kiện cho các công cụ phức tạp.

Công suất eo hẹp và nhu cầu tăng vọt khiến các nhà sản xuất chip khó có thể chịu được hai cú sốc do chính quyền Trump gây ra.

Đầu tiên, vào tháng 9.2020, chính quyền Trump đã cấm Huawei (gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc và là nhà sản xuất smartphone lớn) mua chip được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ. Huawei đã tích trữ chip trước thời hạn cấm để tiếp tục phát triển những sản phẩm có thể làm được sau khi lệnh cấm bắt đầu hiệu lực.

Các nhà phân tích tiết lộ đối thủ của Huawei đang để mắt đến cơ hội chiếm thị phần, bắt đầu giành giật chip.

toan-tinh-cua-cac-hang-o-to-ong-trump-dan-ap-trung-quoc-khien-chip-can-kiet.jpg
Lệnh cấm Huawei và SMIC là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt chip toàn cầu

Thứ hai, chính quyền Trump ban hành các quy tắc cấm SMIC sử dụng một số công cụ của Mỹ để sản xuất chip. Động thái này khiến ít nhất một số khách hàng của SMIC tìm kiếm một nhà máy sản xuất chip khác thay thế vì lo ngại rằng việc sản xuất có thể bị gián đoạn.

Daniel Goehl, Giám đốc kinh doanh của UltraSense Systems, nói: “Có một tâm lý e ngại khi sử dụng nhà máy sản xuất chip Trung Quốc nếu bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể”.

Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về tác động khi đưa SMIC và Huawei vào danh sách đen với lĩnh vực ô tô nhưng nói rằng ưu tiên hàng đầu là “đảm bảo quy định quản lý xuất khẩu bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Các nhà phân tích cho biết tình trạng thiếu chip ô tô có thể sẽ kéo dài tới 6 tháng. Báo cáo của AutoForecast Solutions ước tính ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã bị mất 202.000 xe tính đến ngày 13.1.

AutoForecast Solutions là nhà cung cấp hàng đầu về cơ sở dữ liệu dự báo ô tô toàn cầu, giải pháp lập kế hoạch kinh doanh và hỗ trợ nhân viên hướng dẫn cho ngành ô tô.

Lãnh đạo các hãng ô tô và nhà cung ứng chip cho biết họ đang điều chỉnh lịch trình sản xuất để bảo vệ chip được sử dụng trong các ô tô có lợi nhuận cao hơn. Các công ty đang cân nhắc tìm nguồn cung ứng chip từ nhiều hãng hơn và tăng mức dự trữ trong tương lai.

Trước đó, Một Thế Giới đưa tin Toyota, Volkswagen, Nissan Motor, Honda phải dừng hay giảm sản xuất một số mẫu ô tô do thiếu nguồn cung chip. Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan
Nguyên nhân thiếu chip toàn cầu đe dọa việc sản xuất smartphone, laptop, ô tô, tivi
Các hãng ô tô và thiết bị điện tử từ tivi, laptop đến smartphone đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, gây ra sự chậm trễ trong sản xuất khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng do coronavirus.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toan tính của các hãng ô tô khi ông Trump đàn áp công nghệ Trung Quốc làm cạn kiệt chip