Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu để cứu bệnh nhi 32 tháng tuổi bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đây là bệnh viện nhi đầu tiên ở TP.HCM và khu vực phía Nam thực hiện kỹ thuật phức tạp này.

TP.HCM: Bệnh viện nhi đầu tiên thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư

Hồ Quang | 28/01/2021, 16:14

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu để cứu bệnh nhi 32 tháng tuổi bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đây là bệnh viện nhi đầu tiên ở TP.HCM và khu vực phía Nam thực hiện kỹ thuật phức tạp này.

Ngày 28.1, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay bệnh viện vừa thực hiện thành công ghép tế bào gốc tạo máu cứu bệnh nhân bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đây là lần đầu tiên bệnh viện này thực hiện ca ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh nhân ung thư và cũng là bệnh viện nhi đầu tiên ở TP.HCM và khu vực phía Nam thực hiện kỹ thuật.

tphcm-benh-vien-nhi-dautien-thuc-hien-ghep-te-bao-goc0dieu-tri-ung-thu-hinh-anh(1).png
Sau khi ghép tế bào gốc tạo máu thành công, bé gái N. N. M. (32 tháng tuổi, quê Đắk Lắk) được gia đình đến đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tái khám vào sáng nay (28.1) - Ảnh: PV

Bệnh nhi được thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị ung thư tủy này là bé gái N. N. M. (32 tháng tuổi, quê Đắk Lắk). Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng, chỉ cân nặng có 11kg, có dấu hiệu đau bụng đã 1 tuần.

Sau khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện, bé có khối u vùng hạ vị. Bệnh nhi được chẩn đoán bệnh lý u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, nếu không được ghép tủy thì tỉ lệ sống 1 năm của bé chỉ có 12%.

“Nếu không thực hiện kỹ thuật này thì thời gian sống của bệnh nhi là rất ngắn. Với bệnh nhi bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, nếu chỉ điều trị duy trì thì tỷ lệ sống sống 5 năm chỉ từ 20 đến 30%, nhưng nếu ghép tế bào gốc tạo máu và điều trị duy trì thì tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến từ 30 đến 60%”, bác sĩ Tùng cho hay.

Bác sĩ Phan Thị Thu Trang – Khoa Ung bướu huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết sau quá trình chu đáo chuẩn bị, bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có gây mê chủ động tại chỗ với sự hỗ trợ, giám sát chuyên môn của các bác sĩ, điều dưỡng của khoa ghép tế bào gốc, Bệnh viện truyền máu huyết học.

Sau khi ghép, bệnh nhi gặp 1 số biến chứng do hóa trị liệu diệt tủy và giảm chức năng bảo vệ cơ thể khi nguồn tủy mới ghép chưa mọc như tổn thương gan, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, viêm ruột và được điều trị nội khoa, nâng đỡ, kháng sinh tích cực, truyền immunoglobulin tăng chức năng miễn dịch thể dịch, nuôi ăn sonde dạ dày năng lượng cao, nuôi ăn tĩnh mạch hỗ trợ; các biến chứng đều được sớm kiểm soát ổn định. Bé mọc mảnh ghép khá sớm vào 10 ngày sau ghép. Đến ngày thứ 16 sau ghép, bệnh nhi đã phục hồi bạch cầu hạt và tiểu cầu tốt, không có tình trạng nhiễm trùng cơ quan nào. Bệnh nhi đã khỏe mạnh và được cho xuất viện sớm hơn so với dự kiến.

“Sau 1 tuần xuất viện bệnh nhi được tái khám cho thấy các dòng tế bào máu đang hồi phục thuận lợi, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường, bé hoạt bát, ăn uống tốt, không cần truyền máu hay thuốc điều trị biến chứng liên quan ghép. Dự kiến trong thời gian tới bệnh nhi sẽ tiếp tục xạ trị và điều trị thuốc duy trì nhằm hạn chế khả năng tái phát của khối u”, bác sĩ Thu Trang cho biết thêm.

Bác sĩ Trang cho rằng việc ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhi u nguyên bào thần kinh là một kỹ thuật rất phức tạp và khó khăn.

Trước hết, bệnh nhi phải thu thập được tế bào máu tự thân của bệnh nhi. Để làm việc này phải đánh giá tủy của bệnh nhi có bình thường hay không. Nếu tủy của bệnh nhân bình thường mới tiến hành sinh thiết tủy xương, hội chẩn chỉ định thu thập tế bào gốc, chuẩn bị đường truyền buồng tiêm dưới da và catheter trung ương rồi tiến hành thu thập tế bào gốc. Sau khi thu thập được tế bào gốc của bệnh nhi, các bác sĩ vẫn tiếp tục hóa trị, phẫu thuật và hội chẩn ghép tế bào gốc.

Theo Bệnh viện nhi đồng 2, vào năm 2015, bệnh viện này đã thực hiện 7 ca ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị u đặc nhóm nguy cơ cao nhưng có sự phối hợp với Bệnh viện truyền máu huyết học TP.HCM.

Tuy nhiên, việc di chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện truyền máu và huyết học TP cho giai đoạn ghép, đợi phục hồi tủy rồi quay lại Bệnh viện Nhi đồng 2 lập kế hoạch hội chẩn xạ, uống thuốc hóa chất duy trì gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài việc không thuận lợi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, nhất là quá trình điều trị sau ghép dễ bị rời rạc, dễ bị chậm nhịp cho kết nối các điều trị đa phương thức. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chăm sóc các bệnh nhi nhỏ tuổi, hoặc cân nặng thấp, có bệnh lý nền là một thử thách lớn cho Bệnh viện truyền máu huyết học - nơi chưa có nhân lực, cơ sở vật chất hồi sức nhi khoa chuẩn, thiếu các đa chuyên khoa nhi phối hợp, gây mê nhi có định ngày cố định…

Do đó, bệnh viện đã quyết tâm xây dựng trung tâm ghép tế bào gốc nhằm giúp bệnh nhi có nhiều cơ hội được tiếp cận với điều trị ghép tủy, tăng hoạt động chuyên môn nhi thông qua mở rộng các mặt bệnh được ghép tủy, bảo đảm các tiêu chí chăm sóc, hồi sức nhi khoa, hoàn thiện 1 trung tâm ghép tủy nhi khoa đại diện cho khu vực phía Nam.

“Trong thời gian tới Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiến tới thành lập ngân hàng tế bào gốc để có nguồn tế bào gốc ghép cho những bệnh nhi không thể lấy được tế bào gốc tự thân hoặc lưu giữ tế bào gốc cho bệnh nhân”, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bệnh viện nhi đầu tiên thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư