Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn, khí thải phương tiện giao thông, khói thuốc lá… đã khiến người mắc bệnh viêm da cơ địa mạn tính ngày càng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

TP.HCM cảnh báo người mắc bệnh viêm da cơ địa gia tăng do ô nhiễm không khí

Hồ Quang | 18/10/2020, 17:00

Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn, khí thải phương tiện giao thông, khói thuốc lá… đã khiến người mắc bệnh viêm da cơ địa mạn tính ngày càng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

BS.CK 2 Nguyễn Thị Phan Thúy – Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã cảnh báo như thế về tình trạng bệnh viêm da cơ địa mạn tính gia tăng do ô nhiễm không khí tại Hội nghị khoa học da liễu miền Nam năm 2020 với chủ đề "Những thách thách hiện nay trong chuyên ngành da liễu" diễn ra hôm nay (18.10).

tphcm-canh-bao-benh-viem-da-co-dia-dang-gia-tang-hinh-anh(1).png
Người dân mắc bệnh viêm da cơ địa gia tăng do tình trạng ô nhiễm không khí - Ảnh: PV 

Bệnh gia tăng do ô nhiễm không khí

Theo bác sĩ Thúy, hiện tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỷ lệ viêm da cơ địa trong dân số, nhưng luôn là một trong những bệnh da thường gặp nhất ở các phòng khám da liễu. Thống kê tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho thấy trong năm 2019,  số bệnh nhân khám, chữa bệnh vì viêm da cơ địa lên đến 150.501 trường hợp, chiếm 19,19%, tỷ lệ cao nhất trong mô hình bệnh tật của bệnh viện này.

Phân tích của bác sĩ Thúy cho thấy tỷ lệ viêm da cơ địa tăng theo tình trạng ô nhiễm không khí do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Viêm da cơ địa xảy ra do sự tương tác giữa rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da, yếu tố môi trường và đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

"Rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da có biểu hiện là tăng mất nước qua thượng bì, giảm hydrat hóa và tăng pH ở lớp sừng. Những thay đổi này phá vỡ tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da và dễ dàng bị xâm nhập bởi các chất kích ứng, dị ứng nguyên và tác nhân nhiễm trùng, từ đó khởi phát quá trình viêm”, bác sĩ Thúy giải thích.

Theo bác sĩ Thúy, trong thành phần ô nhiễm không khí có bụi mịn, các chất hữu cơ dễ bay hơi, khí thải phương tiện giao thông, khói thuốc lá… Trong đó, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông và bụi mịn gây chết tế bào sừng trong lớp thượng bì (thông qua protein caspase-14), làm suy giảm khả năng hydrat hóa và hàng rào bảo vệ da. Các nghiên cứu còn cho thấy, nếu mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm do khí thải từ phương tiện giao thông trong giai đoạn mang thai làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa cho trẻ.

Khói thuốc lá đã được chứng minh làm nặng hơn tình trạng viêm da cơ địa thông qua cơ chế làm tăng mất nước qua thượng bì; còn các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi góp phần ô nhiễm không khí trong nhà và gây rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da.

Giải pháp nào để bảo vệ trước sự tấn công trên?

Bác sĩ Thúy cho rằng ô nhiễm không khí là vấn đề cần được quan tâm ở bệnh nhân viêm da cơ địa vì những khiếm khuyết hàng rào bảo vệ và giảm đề kháng, khả năng sửa chữa ở da làm cho các chất ô nhiễm dễ dàng xâm nhập và khởi phát đáp ứng viêm.

Vì vậy cần nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí lên hàng rào bảo vệ da, đánh giá mối liên quan giữa quá trình đô thị hoá với viêm da cơ địa, phân tích vai trò của chất ô nhiễm, từ đó đưa ra những chiến lược nhằm chống lại những tác động có hại này trên bệnh nhân viêm da cơ địa.

Theo bác sĩ Thúy, có 3 giải pháp chính để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe dưới tác hại của ô nhiễm không khí nhằm tránh viêm da cơ địa mạn tính. Đó là tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm và giảm tổn thương hàng rào bảo vệ da bằng lựa chọn nguyên liệu không gây kích ứng; làm sạch thường xuyên để loại bỏ các chất ô nhiễm trên bề mặt da; đảm bảo chức năng hàng rào bảo vệ da nhằm chống lại sự xâm nhập của các chất ô nhiễm.

Thực tế cho thấy, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hầu hết các chất ô nhiễm không khí trong nhà có nguồn gốc từ việc đốt nguyên liệu rắn (than, phân, gỗ, sinh khối) dùng để nấu ăn, chiếu sáng và sưởi ấm. Phụ nữ và trẻ em thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm trong nhà tạo nên những vấn đề sức khỏe cộng đồng như bệnh đường hô hấp, nhãn khoa và da liễu… Hiện đã có những chiến dịch nấu ăn sạch để giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong nhà như sử dụng ống khói, bếp ngoài trời và bếp sử dụng các nguyên liệu an toàn hơn. Ở vùng đô thị với khu dân cư nhỏ và đông đúc thì các chất gây ô nhiễm trong nhà như khói thuốc lá, mạt bụi, bụi mịn và khí CO đóng vai trò chính làm nặng thêm tình trạng viêm da cơ địa. 

Do đó cần phải hạn chế tiếp xúc chất gây ô nhiễm, lựa chọn vật liệu xây dựng không chứa VOCs (chất hữu cơ dễ bay hơi) có thể làm giảm các chất gây ô nhiễm trong nhà, từ đó giảm tỷ lệ mắc viêm da cơ địa. Hơn nữa, việc sống ở khu dân cư có nhiều không gian xanh có thể làm giảm tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm.

“Những sự thay đổi này đòi hỏi cần có nhiều nỗ lực và sự phối hợp của các ngành y tế, xây dựng và công nghiệp kỹ thuật cơ khí để cung cấp cho người dân những thông tin về tác động của ô nhiễm môi trường lên sức khỏe và khuyến khích người dân lựa chọn cẩn thận các vật liệu được sử dụng trong các tòa nhà, nhà máy xí nghiệp và phương tiện giao thông”, bác sĩ Thúy nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Thủy, những thay đổi trên phải mất nhiều thời gian. Trước mắt có thể tiến hành nghiên cứu các phương pháp có thể đảo ngược tổn thương hàng rào bảo vệ da do ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thúy mong muốn có thêm nhiều nghiên cứu về các thành phần và công thức lý tưởng để sửa chữa những vấn đề da liên quan đến không khí ô nhiễm. Vai trò của các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm tại chỗ như ức chế NFƙB, các vitamin và vi khoáng chất như là một điều trị hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng của da chống lại các tổn thương oxy và viêm. Một số loại công thức đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm tổn thương oxy hóa do ô nhiễm, là sản phẩm bôi chứa chất chống oxy hóa như vitamin C, E (22,23,24) và công thức tạo ra hàng rào vật lý là hỗn hợp giữa nước khoáng Biển Chết và polysaccharide anion.

Bài liên quan
Cụ ông bị ung thư dương vật nhưng bác sĩ chẩn đoán viêm da mạn tính
Do bị u sùi đầu dương vật, cụ ông 67 tuổi được các bác sĩ tiến hành sinh thiết 2 lần đều cho kết quả lành tính và chẩn đoán bị “viêm da mạn tính”, nhưng bất ngờ sau đó bệnh nhân lại phát hiện bị ung thư dương vật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM cảnh báo người mắc bệnh viêm da cơ địa gia tăng do ô nhiễm không khí