Có khoảng 80.000 lao động nghỉ việc và khoảng 20.000 lao động mất việc từ ngày 1.5.2021 đến nay do dịch COVID-19 sẽ được TP.HCM hỗ trợ.
Tại cuộc họp triển khai gói hỗ trợ lần 2 đối với người bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tại TP.HCM hôm 5.7, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở lao động thương binh – xã hội TP cho biết, trong đợt hỗ trợ lần thứ 2 này, TP tập trung vào những người lao động tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM).
Dự kiến sẽ có khoảng 80.000 lao động trong lĩnh vực trên bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động (vẫn còn hiệu lực) từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1.5 đến 31.12.2021 và khoảng 20.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ 1.5 đến 31.12.2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tất cả những người lao động trên sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền 1.800.000 đồng/ người.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng hỗ trợ thêm đối với người lao động đang mang thai 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi 1.000.000 đồng/trẻ em (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng).
Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày.
Riêng đối với các hộ kinh doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ.
Các hộ kinh doanh tại chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ); có mã số thuế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước sẽ được TP hỗ trợ từ 150.000 đồng/tháng đến 300.000 đồng/tháng tùy theo hạng chợ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị các đơn vị có liên quan phải tổ chức thực hiện gói hỗ trợ trên theo phương châm “kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách”.
Trong đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động, UBND các địa phương phải được đề cao. Công tác triển khai cần phối hợp đồng bộ thống nhất theo 2 chiều, chiều rộng là sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ban, ngành; chiều sâu là xuống các quận huyện, phường, xã, thị trấn và phải phân công trách nhiệm rõ ràng.
“Chúng ta phải đơn giản, tạo điều kiện để người lao động đủ điều kiện tiếp cận nhanh. Khi tiếp nhận hồ sơ, trong 7 ngày phải trả kết quả, hồ sơ không đủ điều kiện phải phản hồi tới doanh nghiệp, người dân. Trong tháng 8.2021 phải hoàn thành việc thực hiện gói hỗ trợ này. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến ngành nào thì ngành đó phải kịp thời xử lý”, ông Hoan nói.