Tại Trung Quốc, WeChat đã chặn hàng ngàn từ khóa liên quan đến COVID-19, theo một báo cáo mới của The Citizen Lab.
Khi coronavirus chủng mới bùng phát vào mùa đông năm ngoái, Trung Quốc đã thực hiện lệnh phong tỏa nhiều thành phố với hàng chục triệu dân. Khi COVID-19 lan rộng từ Vũ Hán đến phần còn lại của thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện biện pháp mạnh mẽ để kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội.
Tài liệu nhạy cảm về chính trị từ lâu đã bị cấm trên mạng internet bị kiểm soát gắt gao của Trung Quốc, nhưng các nhà nghiên cứu tại Citizen Lab của Đại học Toronto (Mỹ) cho biết nỗ lực này đã đạt đến một tầm cao mới trong đại dịch COVID-19.
Ông Masashi Crete-Nishihata, Phó giám đốc Citizen Lab, cho biết: “Phạm vi nội dung bị kiểm duyệt vượt quá những gì chúng tôi nghĩ, bao gồm cả thông tin sức khỏe như coronavirus lây lan khi bệnh nhân tiếp xúc với người khác”.
Báo cáo mới nhất từ Citizen Lab cho thấy từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, hơn 2.000 từ khóa liên quan đến đại dịch COVID-19 đã bị chặn trên nền tảng WeChat với hơn 1 tỉ người dùng ở Trung Quốc. Nhiều thuật ngữ được kiểm duyệt đề cập đến các sự kiện và tổ chức ở Mỹ.
Không như Mỹ, các nền tảng internet ở Trung Quốc chịu trách nhiệm thực hiện lệnh kiểm duyệt của chính phủ và có thể cả những gì người dùng đăng. Tencent, công ty sở hữu WeChat, đã không bình luận về thông tin từ Citizen Lab.
WeChat chặn nội dung qua máy chủ từ xa, có nghĩa là các nhóm như Citizen Lab không thể nghiên cứu kiểm duyệt trên ứng dụng bằng cách xem mã nguồn. “Chúng tôi có thể gửi tin nhắn qua máy chủ và xem chúng có được nhận hay không, nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy bên trong ứng dụng nên các quy tắc kiểm duyệt chính xác là điều bí ẩn”, Masashi Crete-Nishihata nói.
Với báo cáo mới nhất của mình, Citizen Lab đã gửi văn bản được sao chép từ các bài báo tiếng Trung tới một cuộc trò chuyện nhóm mà họ tạo trên WeChat bằng ba tài khoản giả: Một tài khoản đăng ký với số điện thoại của Trung Quốc đại lục và hai tài khoản đăng ký bằng số điện thoại ở Canada.
Họ đã sử dụng các bài báo từ nhiều nguồn, gồm cả một số báo có trụ sở tại Hồng Kông và Đài Loan cũng như các ấn phẩm do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Nếu một tin nhắn bị chặn, các nhà nghiên cứu thực hiện các bài kiểm tra thêm để xác định những từ nào bị kiểm duyệt. Trong đó, một số tin nhắn bị chặn mà nội dung ban đầu được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải. Nói cách khác, một người hoặc chủ đề có thể được thảo luận tự do trên báo chí do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát nhưng vẫn bị cấm trên WeChat.
Báo cáo của Citizen Lab cho thấy mức độ mà Chính phủ Trung Quốc cố gắng kiểm soát câu chuyện liên quan đến COVID-19 ngay từ đầu. Khi cư dân ở thành phố Vũ Hán vẫn bị phong tỏa, WeChat đã chặn các cụm từ về Li Wenliang (Lý Văn Lượng), một bác sĩ địa phương đã cảnh báo đồng nghiệp về một căn bệnh truyền nhiễm mới trước khi chính phủ tiết lộ và trở thành anh hùng nổi tiếng sau khi chết vì COVID-19 trong tháng 2.2020.
WeChat cũng chặn người dùng thảo luận về việc các quan chức Trung Quốc đã gửi một báo cáo cho Chính phủ Mỹ về đại dịch lần đầu tiên vào ngày 3.1, gần ba tuần trước khi công bố điều đó với người dân của mình. WeChat cũng kiểm duyệt các khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khi tổ chức này được ghép với từ coronavirus.
Đến tháng 3.2020, COVID-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu và WeChat bắt đầu chặn một số lời khuyến cáo của các nhóm quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Nó cũng kiểm duyệt các tài liệu tham khảo về các đợt bùng phát ở các quốc gia khác như Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Vương quốc Anh.
Citizen Lab nhận thấy rằng phần lớn các từ khóa bị chặn liên quan đến quan hệ quốc tế là về Mỹ.
Mối quan hệ Mỹ -Trung Quốc vốn đã căng thẳng vào đầu năm, càng leo thang trong đại dịch. Cuối tháng 2.2020, một số quan chức Mỹ đưa ra thuyết âm mưu rằng coronavirus chủng mới là vũ khí sinh học do Chính phủ Trung Quốc tạo ra. Tuyên bố này cũng được lưu hành bởi các nhân vật cánh hữu như cựu cố vấn của Tổng thống Trump, Steve Bannon.
WeChat đã ngay lập tức chặn đề cập đến “Bannon và Bio Lab” và các thông tin liên quan khác. Vào tháng 5.2020, khi quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, một nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đưa ra dự luật đổi tên đường bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington (Mỹ) từ International Place thành Li Wenliang Plaza theo tên bác sĩ Vũ Hán đã mất. WeChat nhanh chóng đưa một số từ khóa liên quan đến chuyện này vào bộ kiểm duyệt.
Masashi Crete-Nishihata nhận định: “Việc kiểm duyệt này cho thấy quá trình chính trị hóa trong đại dịch đang diễn ra và tầm quan trọng của truyền thông dựa trên thực tế, sự cởi mở và hiệu quả liên quan đến sức khỏe cộng đồng”.
WeChat không phải là nền tảng duy nhất mà Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng trong nỗ lực kiểm duyệt thông tin của mình. Trong báo cáo trước đó được công bố vào tháng 3, Citizen Lab đã kiểm tra các từ khóa bị chặn liên quan đến đại dịch trên nền tảng livestream YY của Trung Quốc.
Không như WeChat, YY tiến hành kiểm duyệt từ phía khách hàng, nghĩa là trong mã của chính ứng dụng. Bằng kỹ thuật đảo ngược ứng dụng, Citizen Lab có thể trích xuất danh sách các từ khóa bị kiểm duyệt, trong đó “Viêm phổi Vũ Hán không rõ nguyên nhân” và “Chợ hải sản Vũ Hán” đều bị chặn cuối tháng 12.2019.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng có rất ít sự giống nhau giữa các từ khóa mà YY chặn so với WeChat. Điều đó cho thấy rằng không có danh sách tập trung các từ khóa mà mọi ứng dụng và trang web bắt buộc phải chặn ở Trung Quốc, Crete-Nishihata nói.
Các công ty tạo nên hệ sinh thái internet phức tạp của Trung Quốc vẫn có thể có quyền tự do áp dụng các quy tắc kiểm duyệt tương tự theo cách khác nhau.
Dù vậy, rõ ràng là ngay từ khi COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã tích cực tìm cách kiểm soát thông tin trong biên giới bằng cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số theo ý mình.
Nhân Hoàng