Hôm 10.4, Thượng Hải đã báo cáo gần 25.000 ca mắc COVID-19 lây truyền trong cộng đồng vào ngày 9.4 và tìm cách đảm bảo những cư dân bị buộc phải ở nhà tại thành phố đông dân nhất Trung Quốc rằng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ảnh hưởng đến sự sẵn có của thực phẩm cùng các mặt hàng khác sẽ giảm bớt.
Các đường phố hầu như im lặng ở Thượng Hải, thành phố 26 triệu dân, vì các biện pháp theo chính sách không khoan nhượng với COVID-19 chỉ cho phép nhân viên y tế, tình nguyện viên, nhân viên giao hàng hoặc những người được phép đi lại tự do.
Wang Wenbo, Phó chủ tịch hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com, cho biết tại cuộc họp giao ban hàng ngày ở Thượng Hải rằng công ty tập trung vào thực phẩm cơ bản và các mặt hàng chăm sóc trẻ em.
Xiao Shuixian, Phó chủ tịch cấp cao tại Ele.me của Tập đoàn Alibaba, nói họ đã tuyển dụng thêm 2.800 nhân viên giao hàng trong tuần qua.
Số ca mắc COVID-19 ở Thượng Hải là nhỏ so với nhiều nơi trên thế giới nhưng thành phố này đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán vào năm 2019. Trong số các ca mắc COVID-19 tại địa phương mà Thượng Hải báo cáo 24 giờ qua, 1.006 trường hợp có triệu chứng, còn 23.937 ca không có triệu chứng mà Trung Quốc phân loại riêng.
Thượng Hải trở thành nơi thử nghiệm cho chiến lược kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc vì đối mặt với biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao khi họ tìm cách xét nghiệm, theo dõi và cách ly tập trung tất cả người có kết quả xét nghiệm dương tính, dù có triệu chứng hay không, để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã hôm 10.4 cảnh báo rằng việc nới lỏng phương pháp tiếp cận Zero COVID của Trung Quốc có thể là "thảm họa", do biến thể Omicron gây ra mối nguy hiểm cho những người có bệnh nền, người già và chưa được tiêm vắc xin.
Tân Hoa xã cho biết: “Hệ thống y tế của Trung Quốc sẽ có nguy cơ sụp đổ dẫn đến thiệt hại lớn về nhân mạng nếu họ từ bỏ công tác phòng chống dịch”.
Trung Quốc vẫn kiên trì với cách tiếp cận của mình ngay cả khi các quốc gia khác đang tìm cách sống chung với vi rút SARS-CoV-2. Các biện pháp nặng nề như tách những đứa trẻ dương tính với COVID-19 khỏi cha mẹ chúng - đã được nới lỏng vào tuần trước - làm dấy lên những lời chỉ trích trong nước và những biểu hiện lo ngại từ các nhà ngoại giao.
Cuối ngày 9.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ "sự không hài lòng mạnh mẽ" với Mỹ sau khi Mỹ nêu quan ngại về các biện pháp kiểm soát COVID-19 của nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên nói: “Chúng tôi bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối những cáo buộc vô căn cứ chống lại chính sách ngăn chặn đại dịch của Trung Quốc từ Mỹ trong tuyên bố của họ và đã gửi các đại diện”.
Trước đó, hôm 9.4, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ cho biết: "Đại sứ Nicholas Burns và các quan chức khác của Bộ và Phái bộ đã nêu quan ngại của chúng tôi về sự bùng phát cùng các biện pháp kiểm soát dịch trực tiếp với các quan chức của Trung Quốc. Chúng tôi đã thông báo cho họ về quyết định rời đi".
Ngày 8.4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhân viên không thiết yếu tại lãnh sự quán Thượng Hải cùng gia đình nhân viên Mỹ có thể rời đi do sự gia tăng các ca mắc COVID-19 và các biện pháp hạn chế trong thành phố.
Lời khuyên từ Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8.4 rằng công dân nước này nên xem xét lại việc đi du lịch đến Trung Quốc "do việc thực thi tùy tiện luật pháp địa phương và các hạn chế COVID-19".
Lời khuyên cũng cảnh báo người Mỹ không nên đi du lịch đến Hồng Kông, tỉnh Cát Lâm hoặc Thượng Hải, với lý do cha mẹ và con cái có nguy cơ bị chia cắt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9.4 nói việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch của Trung Quốc là "khoa học và hiệu quả", đồng thời nói thêm rằng chính phủ đã hỗ trợ các nhân viên ngoại giao nước ngoài nhiều nhất có thể.
Các nhà ngoại giao từ hơn 30 quốc gia gần đây đã viết thư cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc để bày tỏ quan ngại về sự chia cắt trẻ em mắc COVID-19 với cha mẹ chúng.
Tiếp tục phong tỏa và đóng cửa
Các video được đăng trực tuyến cho thấy những người dân đang vật lộn với nhân viên an ninh và nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ những ngày gần đây, với những người la hét rằng họ cần thức ăn.
Trong khi chính quyền thành phố đang phân phát thực phẩm, nhiều người dân đã phàn nàn rằng việc giao hàng không đủ.
Cư dân ở các thành phố khác đã bày tỏ lo sợ trên các nhóm mạng xã hội rằng khu vực của họ có thể bị phong tỏa, chia sẻ ảnh chụp màn hình bản đồ cho thấy các đường cao tốc bị đóng cửa ở nhiều nơi trên đất nước.
Hôm 9.4, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết đang làm việc với các cơ quan chính phủ khác để chuẩn hóa các trạm kiểm soát đường cao tốc vì những hạn chế ở cấp địa phương đang gây ra tắc nghẽn cho các nguồn cung quan trọng.
Ngày 10.4, Quảng Châu (thủ phủ và là thành phố đông dân nhất tỉnh Quảng Đông, nơi có hơn 18 triệu dân) đã thông báo ngừng giảng dạy trực tiếp cho hầu hết sinh viên.
Trong khi đó, thành phố cảng Ninh Ba đang đóng cửa tất cả các dịch vụ ăn uống trong nhà tại các nhà hàng, khách sạn và những người ở không gian hạn chế kể từ ngày 3.4 phải trải qua ba ngày xét nghiệm. Ninh Ba đã báo cáo ba ca mắc COVID-19 mới vào ngày 9.4.
Hôm 9.4, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phong tỏa một khu vực có nguy cơ cao sau khi 8 ca mắc COVID-19 được xác nhận trong 2 tuần. Pang Xinghuo, Phó giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Bắc Kinh, nói với các phóng viên thông tin này.