Xử lý hàng triệu thậm chí hàng tỉ khẩu trang y tế đã sử dụng là một cơn nhức đầu khác cho chính quyền Trung Quốc, vào lúc còn phải lo khống chế dịch Covid-19 và hạn chế tổn thất kinh tế do dịch gây ra.

Trung Quốc đau đầu việc xử lý núi rác y tế thải từ dịch COVID-19

Mỹ Trinh | 05/03/2020, 16:47

Xử lý hàng triệu thậm chí hàng tỉ khẩu trang y tế đã sử dụng là một cơn nhức đầu khác cho chính quyền Trung Quốc, vào lúc còn phải lo khống chế dịch Covid-19 và hạn chế tổn thất kinh tế do dịch gây ra.

Hiện ở Trung Quốcđã có hơn 90.000 người nhiễm COVID-19 và ít nhất 3.200 người chết, cuộc khủng hoảng đã gây ra sự tăng chóng mặt nguồn rác y tế, mà nếu không xử lý tốt sẽ gây ra thảm họa môi trường.

Lò đốt là giải pháp phù hợpnhưng lạithải khí độc dioxin

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 5.3, Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nặng nhất thế giới, cũng là nước sản xuất nhiều rác nhất, ước tính khoảng 2 triệu tấn rác y tế hồi năm 2018.

Nhưng Trung Quốc cũng chưa có chuẩn kiểm soát ô nhiễm chuyên dụng cho riêng mảng rác y tế. Hiện nước này xếp loại rác y tếlà rác độc hại.

Các cơ quan y tế và bảo vệ môi trường nói khẩu trang cùng các phương tiện bảo vệ khác, nhất là các sản phẩm dành cho nhân viên y tế và người bị nhiễm COVID-19, phải được xem là rác y tế và phải khử trùng trước khi đem đốt ở nhiệt độ cao tại các lò đốt rác y tế chuyên dụng.

Nhồi thêm vào vấn đềnày là hầu hết các cơ sở xử lý rác y tế của Trung Quốc đang gần hết tuổi thọ, theo Bộ Sinh thái - Môi trường Trung Quốc cho biết hồi năm 2019. Đây là các cơ sở được xây từ sau lần bùng phát Hội chứng viêm hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003.

Tờ báo Hồng Kông nêu trong khi Bộ Sinh thái - Môi trường Trung Quốc nói đa số rác y tế được xử lý đúng quytrình chuẩn ở nhiều thành phố lớn, thìthông tấn nhà nước Tân Hoa Xã năm 2019 lại dẫn một báo cáo ngành, nêu chỉ có 31% trong tổng 629.000 tấn rác y tế được xử lý trong năm 2015, tăng 24% so với năm 2008.

Ông Đỗ Hoan Chính, Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu kinh tế tuần hoàn (thuộc Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải) cũng bày tỏ sự lo ngại về cách biệt cung cầu quá lớn ở mảng xử lý rác y tế, nhưng ông nói đã có kế hoạch xây các cơ sở mới hoặc đang được xây: “Xử lý rác y tế là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống dịch, và là một sự cảnh tỉnh để chính quyền tăng tốc xây dựng các cơ sở mới cũng như nghiên cứu các công nghệ xử lý rác thải”.

Các chuyên gia cũng nói dịch COVID-19 có thể là chất xúc tácđể mở rộng mảng xử lý rác thải, cũng như dẫn đến việc xây thêm nhiều lò đốt chuyên dụng. Họ nói cách đốt vẫn là giải pháp được ưa chuộng để xử lý rác y tế ở Trung Quốc, dù các nước công nghiệp đã hủy bỏ lò đốt vì những lo ngại cho môi trường và sức khỏe của con người.

Ông Eric Liu, một chuyên gia về rác độc hại của tổ chức Hòa Bình Xanh ở Bắc Kinh, nói thách thức thật sự đến từ khẩu trang đã được sử dụng bởi người phải cách ly tại nhà, hoặc người mang các triệu chứng nhẹ.

Ông nói khẩu trang có thể chia thành 3 hạng mục, trong khi rác y tế phải xử lý ở các lò đốt chuyên dụng, thì lại có thể đốt khẩu trang mà người khỏe mạnh đã sử dụng ở các lò đốt rác gia dụng hoặc các lò đốt công nghiệp.

Theo SCMP, Trung Quốc đã tăng gần gấp 6 lần số lò đốt rác thải gia dụng, từ 74 lò năm 2009 lên 430 lò năm 2019. Họ cũng đang xây dở 100 lò đốt khác.

Ông Liu cũng nêu Trung Quốc quá thiếu cơ sở xử lý rác thải, nhất là các cơ sở có khả năng xử lý rác y tế: “Khả năng xử lý rác thải ở Trung Quốc, nhất là rác y tế và rác độc hại, hoàn toàn không đủ để đáp ứng nhu cầu xử lý từng ngày, đấy là chưa nói đến cuộc khủng hoảng y tế công lớn nhất từ hàng chục năm qua này”.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu đầu tư, xây dựng ẩu và lơi lỏng trong khâu giám sát - quản lý của lĩnh vực xử lý rác y tế. Ông Liu nói: “Nếu được xây chuẩn và quản lý tốt, các lò đốt sẽ có thể giảm thiểu sự phát tán khí dioxin độc hại. Đó là lý do tại sao chúng tôi đặt mục tiêu hàng đầu trong khâu quản lý là kiểm soát ô nhiễm môi trường và xử lý rác, thay vì chú ý các vấn đề kỹ thuật”.

Ông Liu nói vào lúc Trung Quốc đang chống dịch COVID-19, trong khi các quan ngại môi trường cần lui về hàng thứ yếu, thì cũng nên không vịn cớ để phớt lờ tác động tổn thất môi trường từ cơn bùng nổ xây dựng lò đốt rác thải.Ông nói: “Dù thế giới áp dụng rộng rãi giải pháp đốt, nó vẫn là một giải pháp kỹ thuật gây tranh cãi và khó thể mô tả đó là một giải pháp thân thiện môi trường, điều giải thích tại sao Mỹ và các nước phát triển khác ở châu Âu đã bỏ công nghệ này”.

Núirác y tế chồng chất khắp thành phố ổ dịch Vũ Hán

Hiện chưa thể biết rõ số khẩu trang giải phẫu đã qua sử dụng là bao nhiêu, nhưng theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, khối rác thải y tế ở thành phố ổ dịch Vũ Hán đã tăng gấp 4 lần, lên tới 200 tấn/ngày hồi tuần trước.

Theo Phương Nam Đô thị nhật báo và các báo Hoa lục khác, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã thải ra hơn 200 tấn rác y tế riêng trong ngày 24.2, tăng so với 109 tấn hồi 5 ngày trước đó. Nhưng thành phố lại chỉ có duy nhất một cơ sở xử lý rác y tế, theo lời các quan chức Bộ Sinh thái - Môi trường.Các chuyên gia nói điều này phần nào giải thích vì sao chính quyền Vũ Hán có vẻ bị quá tải bởi khối lượng rác y tế khổng lồ thải ra trong chỉ vài tháng qua.

Vũ Hán là thành phố Trung Quốc đầu tiên phải phong tỏa từ ngày 23.1, đã phải tập trung khả năng xử lý quytrình thu gom - vận chuyển - xử lý khẩu trang đã sử dụng và các loại rác khác.

Tại Vũ Hán, chính quyền đang chật vật tìm giải pháp xử lý thách thức từ rác y tế. Bộ Sinh thái - Môi trường nói 5 lò đốt rác gia đình cùng các lò đốt công nghiệp của thành phố đã được giao nhiệm vụ dọn sạch số rác ùn ứ khoảng 190 tấn trong ngày 24.2.

Theo SCMP, tại các bệnh viện khắp Vũ Hán đều chồng chất hàng đống khẩu trang và phương tiện bảo hộ đã qua sử dụng. Công nhân thu gom rác nói họ bị quá tải và chính quyền thành phố “đơn giản là không được trang bị để đốt một lượng rác khổng lồ”.

Theo Kinh tế Trung Quốc nhật báo, Vũ Hán đang vội vã xây thêm nhiều cơ sở xử lý rác y tế gần các bệnh viện, gồm các cơ sở mỗi ngày sẽ xử lý 9, 15 và 4 tấn rác y tế cho lần lượt 3 bệnh viện Hỏa Thần Sơn, Lôi Thần Sơn và Kim Ngân Đàm. Tổng cộng 17 cơ sở tạm thời có tổng sức chứa 1.000 tấn rác y tế cũng đã được xây.

Theo SCMP, xử lý rác thải từ lâu gây sự bức xúc nơi quần chúng Trung Quốc, và thường có những cuộc phản đối đông người về việc xây các lò đốt.Hồi tháng 7.2019 đã xảy ra chuyện hàng ngàn người xuống đường ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) để phản đối một dự án xây lò đốt mới gần sát một khu dân cư. Hậu quả là xảy ra vụ xô xát, đánh nhau giữa người xuống đường với công an.

Chính quyền Vũ Hán cầugiúp xử lý rác y tế

Trong khi chính quyền phải chở một số rác từ Vũ Hán qua các thành phố lân cận để đốt, họ cũng phải kêu gọi sự giúp đỡ của các công ty xử lý rác ở Trung Quốc.

Tân Hoa xã đưa tin Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc và một công ty ở tỉnh An Huy đã triển khai các buồng đốt rác y tế di động đến Vũ Hán hồi tháng 2. Các buồng đốt này có thể xử lý 25 tấn rác/ngày. Chúng đã được sử dụng lần đầu tiên khi dịch SARS bùng phát.

Trang tin điện tử The Paper nêu tổng lượng rác y tế của tỉnh Hồ Bắc là 365 tấn riêng trong ngày 24.2, gồm 60% rác y tế từ các bệnh viện trong tỉnh.

Để so sánh, thành phố Vũ Hán thải 17.000 tấn rác y tế trong toàn năm 2018, theo cơ quan giám sát môi trường của Trung Quốc.

Các quan chức tỉnh Hồ Bắc và Bộ Sinh thái - Môi trường khẳng định các biện pháp chống dịch khẩn cấp đạt hiệu quả cao. Nhưng họ không cung cấp chi tiết một sự cố của các lò đốt ở Vũ Hán, và không giải thích khả năng xử lý rác tăng cao trong chỉ vài tuần của thành phố.

Thành phố cũng đặt các thùng đặc biệt để thải khẩu trang ở các khu dân cư, đường phố cùng các nơi công cộng. Một quan chức ở Khu phát triển kinh tế Vũ Hán (nơi có hơn 400.000 người sống và làm việc) nói mỗi ngày họ thu gom khoảng từ 200 đến 300kg khẩu trang đã qua sử dụng từ hơn 200 thùng.

Các bệnh viện ở Vũ Hán phải cử người giám sát khâu thu gom, xử lý rác y tế. Một quan chức ở bệnh viện dã chiến đặt tại sân vận động của thành phố (nơi đang chữa trị 1.000 người bệnh) nói: “Mỗi ngày chúng tôi sử dụng vài ngàn khẩu trang. Tất cả các rác y tế đều bỏ vào lò đốt lưu động gần bệnh viện”.

Cư dân Vũ Hán bị cấm rời khỏi nhà nếu không được phép suốt nhiều tuần, cũng chật vật đối phó với tình hình dịch. Họ không dám thay khẩu trang hằng ngày, nên phải cố gắng sử dụng ở mức ít nhất.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đau đầu việc xử lý núi rác y tế thải từ dịch COVID-19