Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định: “Dù tình hình thiên hạ có nguy hiểm đến đâu, Trung Quốc và Nga sẽ… liên tục tiến tới một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7.3 cho biết nước này sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, trong khi ông tuyên bố mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow là "vững như bàn thạch".
Trong khi Bắc Kinh liên tục kêu gọi một giải pháp ngoại giao thương lượng cho cuộc xung đột, bình luận này là lần đầu tiên các quan chức chính thức xác nhận sự sẵn sàng tham gia trực tiếp.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định “Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc giục các cuộc đàm phán hòa bình và sẵn sàng làm việc cùng với cộng đồng quốc tế khi cần thiết để khởi động hòa giải theo yêu cầu”.
Ông Vương hé lộ thêm rằng khi hai lãnh đạo Trung Quốc và Nga nói chuyện qua điện thoại vào ngày 25.2, ông Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn của Trung Quốc về các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu “càng sớm càng tốt”.
Đồng thời, ông Vương cũng loại trừ khả năng thất bại ngoại giao từ cuộc chiến có thể làm suy yếu quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc với Nga.
Khi được hỏi liệu xung đột có ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay không, ông Vương cho biết mối quan hệ Trung - Nga “không chịu sự can thiệp của bên thứ ba”, nói thêm: “Dù tình hình thiên hạ có nguy hiểm đến đâu, Trung Quốc và Nga sẽ… liên tục tiến tới một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, hôm 4.3 cho biết, khi đứng ra dàn xếp một thỏa thuận hòa bình, “đó phải là Trung Quốc”. Ông nói với tờ El Mundo của Tây Ban Nha: “Chúng tôi không yêu cầu điều đó và họ cũng không yêu cầu điều đó, nhưng vì đó (bên trung gian) phải là một cường quốc mà cả Mỹ và châu Âu đều không thể, nên chỉ có thể là Trung Quốc”.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm 5.3 nói rằng Trung Quốc có “đủ công cụ để tạo ra sự khác biệt”.
Trung Quốc luôn duy trì quan điểm không can thiệp vào các vấn đề đối nội của các nước khác, khiến nước này thường khá miễn cưỡng khi đóng một vai trò tích cực trừ khi các tranh chấp liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp dụng lập trường chính sách đối ngoại tích cực hơn và tự định vị mình là người trung gian trong một số tranh chấp, gồm cả tranh chấp giữa Pakistan và Afghanistan hoặc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Cuộc chiến của Nga phát động tại Ukraine đã thử thách quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga. Bắc Kinh nói về việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và giữ thái độ trung lập, trong khi đổ lỗi cho NATO và Mỹ đã xúi giục xung đột.
Sự ủng hộ ngầm đó của Trung Quốc dành cho Nga đã trở nên phức tạp do Bắc Kinh lo ngại về sự an toàn của các công dân Trung Quốc ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng lên Nga và cũng bác bỏ thông tin về việc ông Tập đã đòi ông Putin trì hoãn vụ tấn công cho đến sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Các quan chức chính quyền Biden tuần trước cho biết một báo cáo tình báo phương Tây chỉ ra rằng các quan chức Trung Quốc vào đầu tháng 2 đã yêu cầu Nga hoãn hoạt động quân sự cho đến sau Lễ bế mạc Olympic.
Thay vào đó, Trung Quốc tuyên bố rằng các cường quốc phương Tây phải chia sẻ trách nhiệm và phải hành động để xoa dịu căng thẳng.
Vào 5.3, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Wang đã kêu gọi Mỹỳ, E.U. và NATO để "tham gia vào đối thoại bình đẳng với Nga, đối mặt với những xích mích và vấn đề tích tụ trong nhiều năm."