Trung Quốc sẽ lập Vùng Nhận diện phòng không trên biển Đông (ADIZ) để kiểm soát cả không phận biển Đông, là nhận định của nhiều nhà phân tích, cùng lúc tạp chí quốc phòng HIS Jane’s Defence công bố hình ảnh Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên bãi san hô Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc nuôi tham vọng kiểm soát cả không phận biển Đông

Một Thế Giới | 26/11/2014, 06:07

Trung Quốc sẽ lập Vùng Nhận diện phòng không trên biển Đông (ADIZ) để kiểm soát cả không phận biển Đông, là nhận định của nhiều nhà phân tích, cùng lúc tạp chí quốc phòng HIS Jane’s Defence công bố hình ảnh Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên bãi san hô Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

ADIZ là vùng trời để các nước nhận dạng, giám sát và có thể hành động quân sự chống lại máy bay lạ bay vào vùng cấm này.

Theo báo New York Times (Mỹ) ngày 23.11, TQ xây đảo nhân tạo ở bãi Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là để máy bay quân sự của không quân TQ có thể hạ cánh ở đó, mở rộng tầm với của TQ đến vùng biển Đông. 
Xây đảo nhân tạo để chờ thời cơ  

“Bãi Đá Chữ Thập là để TQ hạ cánh chiếc máy bay quân sự dùng để kiểm soát ADIZ trên biển Đông", theo bà Bonnie S. Glaser - cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và Chiến  lược (CSIS, ở Washington).

Bà trình bày tại hội thảo Xiangshan vốn diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua ở Bắc Kinh: “Tôi nghĩ nó cho phép TQ lập một ADIZ. Để có ADIZ, họ phải có khả năng giám sát không phận này. Có lẽ họ cần thêm một đường băng nữa để làm việc đó”.

Bà Glaser cũng nói việc xây đảo nhân tạo ở bãi Đá Chữ Thập là ví dụ về TQ không đáp ứng kêu gọi của Mỹ rằng các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông nên ngưng xây dựng trên các đảo tranh chấp.

Các quan chức phương Tây cũng đã tranh luận liệu TQ có lập ADIZ để kiểm soát cả không phận biển Đông? Các nhà phân tích đồng ý rằng trong tương lai gẩn, TQ sẽ không làm thế.

Nhưng họ nói TQ đang thực hiện các bước chuẩn bị - như đào vét các bãi san hô nhỏ để xây đảo có thể chịu đựng những công trình lớn và đặt các thiết bị giám sát - chờ thời điểm không quân và hải quân TQ có khả năng kiểm soát ADIZ ở xa Hoa lục, nhất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam gần Philippines và Malaysia hơn là gần TQ.
Không ai tin "đường lưỡi bò 9 đoạn"
Hội thảo quốc tế Xiangshan do Hiệp hội khoa học quân sự TQ (thuộc Quân đội giải phóng nhân dân TQ) tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 21 và 22.11.

Hội thảo này được thiết kế nhằm thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình: lập một cơ cấu an ninh khu vực dựa trên khái nhiệm “Châu Á của người châu Á”, một ý tưởng để thu nhỏ vai trò ưu thế lâu nay trên biển Đông của Mỹ.

Tại hội thảo, thứ trưởng ngoại giao TQ Liu Zhenmin nói: các nước châu Á trước tiên phải chịu trách nhiệm an ninh cho khu vực.

Còn trong bài diễn văn chính, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn nêu TQ muốn các nước “bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh”, ám chỉ khối liên minh Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà TQ đánh giá là chiến thuật kiềm cương sự trỗi dậy của TQ.

Thành phần tham dự hội thảo gồm các chuyên gia an ninh phương Tây và một số tùy viên quân sự cả của Mỹ, nhưng các quan chức cấp cao chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối tham dự.

Tại hội thảo này, cựu đô đốc Gary Roughead - từng chỉ huy các hoạt động của hải quân Mỹ -yêu cầu TQ giải thích việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần trọn biển Đông. Ông cũng yêu cầu TQ phải bảo đảm tuyên bố này tuân thủ luật pháp quốc tế cho phép tự do hàng hải.

Theo New York Times, TQ tuyên bố độc chiếm biển Đông dựa theo bản đồ vẽ sau Thế chiến 2 để khẳng định lãnh hải TQ từ phía nam TQ, quanh Malaysia và lên phía bắc đến Philippines.

Các nước trong khu vực đều không chấp nhận “đường lưỡi bò” 9 đoạn này.
TQ đưa  máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 ra dọa
Theo báo Japan Times, hơn một năm trước, TQ cũng lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào ngày 23.11.2013. TQ cũng khoe các “thành tựu” không quân thông qua những hành động khiêu khích, như bay sát có thể gây nguy hiểm cho máy bay của Cục phòng vệ Nhật Bản.

Báo này nêu ngày 11.11, tại lễ khai mạc Triển lãm hàng không TQ ở thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông), phó tư lệnh không quân TQ Zhang Honghe nói: “Tập chủ tịch đã lệnh cho chúng ta tăng tốc xây dựng một lực lượng không quân hùng mạnh”.

Triển lãm này đã “khoe” nhiều máy bay hiện đại của không quân TQ như chiến đấu cơ tàng hình J-31, máy bay cảnh báo sớm - tuần tra KJ-2000… nhằm biểu dương sức mạnh lực lượng này với nhân dân TQ và thế giới, khi năm 2014 là dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập không quân TQ.

Một nguồn tin rành những hoạt động của quân sự TQ nói với Japan Times: “TQ sẽ tăng cường hệ thống giám sát, bằng cách kết hợp sử dụng khinh khí cầu và vệ tinh giám sát biển. Trong tương lai, quân đội TQ sẽ còn triển khai các máy bay không người lái”.

Còn có tin đồn TQ đang phát triển mẫu kế tiếp KJ-2000 là KJ-3000, để chiếc này giữ vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ tuần tra - cảnh báo sớm trong ADIZ của TQ.

Và việc khoe chiếc KJ-2000 chính là cách TQ “khè” sức mạnh không quân với Nhật và Mỹ. KJ-2000 được các chuyên gia quân sự nhận định là loại máy bay kiểm soát ADIZ trên biển Hoa Đông.

Trần Trí (theo New York Times, Japan Times) 

Bài liên quan
Hạ Trung Quốc, Việt Nam thuận lợi trên đường tìm vé dự futsal World Cup
Sau khi để hòa Myanmar 1-1 trong trận ra quân tại VCK futsal châu Á, đội tuyển Việt Nam đã thắng Trung Quốc 1-0.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc nuôi tham vọng kiểm soát cả không phận biển Đông