Việc xây dựng mới vào tháng 9 của Trung Quốc tiếp tục đà sụt giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, khoảng thời gian suy giảm dài nhất kể từ năm 2015.

Trung Quốc ra tay với đầu cơ bất động sản, các chủ đầu tư khóc ròng, thị trường đóng băng

Anh Tú | 18/10/2021, 11:50

Việc xây dựng mới vào tháng 9 của Trung Quốc tiếp tục đà sụt giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, khoảng thời gian suy giảm dài nhất kể từ năm 2015.

Lý do của sự sụt giảm: sau các quy định chặt chẽ hơn về vay nợ, các chủ đầu tư xây dựng bị thiếu tiền nên phải tạm dừng các dự án. 

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 9 do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm nay (18.10), các công trình xây dựng mới vào tháng 9 đã giảm 13,54% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ ba có mức giảm hai con số. Điều đó đánh dấu xu hướng giảm dài nhất kể từ khi giảm vào tháng 3 đến tháng 8 năm 2015. Và lần này có thể phá kỷ lục 6 tháng suy giảm của năm 2015 khi chưa có tín hiệu nào khởi sắc.

Sau đợt khủng hoảng 2015 thì lĩnh vực này phục hồi vào năm 2016 sau khi chính quyền nới lỏng việc mua và phát triển, hàng chục nghìn công ty bất động sản đã được vay nặng lãi để xây nhà.

Nhưng khi các quy định được thắt chặt trở lại trong năm nay, nhiều người trong số họ đã bắt đầu đối mặt với tình trạng thanh khoản kém. Tình hình sau đó trở nên tồi tệ hơn do nhu cầu thấp đi sau khi chính quyền có các hạn chế chặt chẽ hơn để chống việc mua đầu cơ.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của cục thống kê, doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn đã giảm 15,8% trong tháng 9, tháng thứ ba liên tiếp giảm doanh số.

Sự suy thoái trong lĩnh vực này cũng được nhấn mạnh bởi sự sụt giảm 3,5% trong các khoản đầu tư vào bất động sản trong tháng 9, mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 1 đến tháng 2 năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc bước vào đỉnh điểm.

Zhang Dawei, nhà phân tích trưởng của cơ quan tài sản Centaline cho biết: “Tất cả các dữ liệu đều ốm yếu. Tài chính khó khăn, bán hàng khó khăn, vì vậy tất nhiên không còn có hứng khởi xây dựng. Lần đầu tiên trong lịch sử, các chủ đầu tư xây dựng gặp phải hai sự cố - tắc nghẽn trong bán hàng và tắc nghẽn trong tài chính"

Sự sụp đổ tiềm tàng của các công ty bất động sản mắc nợ cao như China Evergrande Group đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro hệ thống đối với nền kinh tế rộng lớn hơn. Lĩnh vực bất động sản chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.

Các nhà chức trách sẽ cố gắng ngăn chặn các vấn đề tại Evergrande lây lan sang các công ty bất động sản khác để tránh hệ thống bị hiệu ứng domino. Đó là khẳng định của ông Dịch Cương, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm Chủ nhật 17.10.

Hôm 15.10, một quan chức ngân hàng trung ương cho biết tác động lan tỏa từ các vấn đề nợ của Evergrande đối với hệ thống ngân hàng là "có thể kiểm soát được."

Yan Yuejin, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Có khả năng chính sách nhà ở được nới lỏng trong quý IV và điều đó sẽ làm giảm bớt sự bi quan trong giao dịch bất động sản”.

Cũng hôm 15.10, hãng tin tài chính Yicai đưa tin đại diện từ 10 công ty bất động sản Trung Quốc đã gặp các cơ quan quản lý của chính phủ để yêu cầu "nới lỏng thích hợp" đối với các hạn chế chính sách.

Cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc đã giảm 22% trong năm nay. Vào 9 giờ sáng hôm nay, chúng đã giảm 2,6%. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư bất động sản tăng 8,8% so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 10,9% trong tháng 1-8. Các quỹ do giới chủ đầu tư bất động sản của Trung Quốc huy động đã tăng 11,1%, chậm hơn mức tăng 14,8% trong 8 tháng đầu năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc ra tay với đầu cơ bất động sản, các chủ đầu tư khóc ròng, thị trường đóng băng