Xu hướng giá cả hàng hóa, khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và các liên minh quốc phòng phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương dường như đang giúp Úc vượt qua cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Trừng phạt thương mại, Trung Quốc vẫn không thể làm khó Úc

Cẩm Bình | 18/10/2021, 11:07

Xu hướng giá cả hàng hóa, khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và các liên minh quốc phòng phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương dường như đang giúp Úc vượt qua cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Lời kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 của Thủ tướng Scott Morrison vào năm ngoái khiến quan hệ Úc - Trung xấu đi rõ rệt, tuy nhiên, giới phân tích nhận định Canberra có vẻ như chỉ phải chịu tác động kinh tế khá hạn chế từ trừng phạt thương mại cùng vài biện pháp gây sức ép khác mà Bắc Kinh sử dụng.

Úc đã cố xoay sở mở rộng thặng dư thương mại với Trung Quốc (đối tác giao thương lớn nhất của Úc), đồng thời tìm kiếm thị trường mới cho những lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng. Úc cũng trở thành trụ cột của “Bộ tứ kim cương” (Quad) và tham gia liên minh Aukus hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích quân sự.

Những người chỉ trích Thủ tướng Morrison cho rằng ông phá hoại một mối quan hệ thương mại quan trọng, "chọc giận" Trung Quốc không cần thiết. Nhưng một số chuyên gia lập luận rằng khả năng đứng lên chống lại thế lực như Trung Quốc của Úc (kèm theo chút may mắn) làm bộc lộ hạn chế trong chiến lược gây sức ép của Bắc Kinh.

Theo học giả Peter Cai, thuộc Viện nghiên cứu Lowy: “Thật may mắn cho Úc khi tác động trừng phạt thương mại bị suy yếu vì giá cả hàng hóa cao ngất ngưởng, đặc biệt là quặng sắt”.

“Cơn khát” khoáng sản để phục hồi kinh tế sau đại diện đã khiến mục tiêu địa chính trị thất bại. Trung Quốc ở nửa đầu năm 2021 phải trả mức giá cắt cổ vì quặng sắt (mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Úc) lên đến hơn 200 USD/tấn. Giá quặng sắt vừa giảm thì giá than lại tăng.

Lệnh cấm nhập khẩu than Úc không chính thức là minh chứng rõ ràng nhất cho thái độ bất mãn từ phía Trung Quốc, nhằm mục đích thu hẹp nguồn thu xuất khẩu lớn thứ ba của Canberra. Hơn 1 năm qua, hàng chục tàu chở than Úc bị kẹt bên ngoài các cảng Trung Quốc.

Hạn chế làm gián đoạn chuỗi cung ứng than toàn cầu, bản thân Trung Quốc cũng trả giá: nguồn cung từ nhiều quốc gia khác không đủ bù đắp thiếu hụt mà nguồn cung từ Úc để lại, nhu cầu tăng cao từ ngành điện không được đáp ứng đầy đủ.

Giá than Úc chất lượng cao tháng 10 đã chạm mốc 230 USD/tấn. Cũng trong tháng này, Trung Quốc cho vài lô hàng được xuống cảng. Giới phân tích tin rằng, Bắc Kinh sẽ tạm thời nới lỏng lệnh cấm trong bối cảnh quốc gia châu Á đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Dựa trên bản kê của các nhà nhập khẩu, công ty tư vấn WoodMackenzie ước tính 3 triệu tấn than nhiệt cùng 5 triệu tấn than dùng cho luyện kim của Úc sắp được thông quan vào thị trường Trung Quốc.

ucoal.jpg
Một mỏ than tại New South Wales (Úc) - Ảnh: Reuters

Tất nhiên chiến lược gây sức ép mà Trung Quốc triển khai có gây ra thiệt hại cho Úc.

Nông sản chịu tổn thất nặng nề, Andrew Weidemann - người đứng đầu hiệp hội Các nhà sản xuất ngũ cố Úc - cho biết, lĩnh vực sản xuất lúa mạch mất đến hơn 500 triệu USD từ khi Trung Quốc áp thuế suất 80% từ năm ngoái.

Dù mất đi ưu thế giá tại thị trường Trung Quốc, lúa mạch Úc vẫn tìm được thị trường mới như Ả Rập Saudi. Ông Weidemann nhận định hạn hán ở một số quốc gia và thay đổi nguồn cung toàn cầu sẽ khiến giá lúa mạch sắp tới tăng lên.

“Úc đã có thể tìm thị trường xuất khẩu khác cho những nhóm hàng bị trừng phạt, nhờ hệ thống thương mại đa phương mở. Còn Trung Quốc tự phá hoại danh tiếng bản thân khi cố chèn ép Úc bằng trừng phạt kinh tế”, Giáo sư Shiro Armstrong thuộc đại học quốc gia Úc nhận định. 

Căng thẳng Úc - Trung nhận được chú ý rộng rãi từ nhiều quốc gia. Cách Canberra vượt qua đối đầu đem lại bài học là nên đa dạng hóa, giảm phụ thuộc Trung Quốc và xích lại gần Mỹ hơn.

Học giả Cai lưu ý rằng quan điểm “làm đồng minh của Mỹ và bạn của Trung Quốc” mà chính phủ Úc thường tuyên bố 2 năm trước nay đã không còn. Trừng phạt kinh tế Trung Quốc sử dụng khiến Úc không còn tỏ ra mơ hồ về lập trường của nước này nữa.

Xích lại gần Mỹ dẫn đến sự thành lập Aukus (với Mỹ và Anh) – liên minh mà Thủ tướng Morrison mô tả là “sáng kiến vĩ đại nhất” nhằm đạt lợi ích quốc gia kể từ sau liên minh Anzus (với Mỹ và New Zealand). Nay Canberra sắp có thể sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Trong khi đó, bộ tứ Quad (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc) cũng được xem như “bức tường thành” ở châu Á - Thái Bình Dương góp phần đối phó Trung Quốc đang trỗi dậy – cho thấy thay đổi về cơ bản lẫn cam kết đối với liên minh do Washington dẫn đầu. Học giả Cai cảnh báo Canberra hơn 1 năm qua thể hiện rõ rằng họ sẵn sàng mạo hiểm với quan hệ thương mại có lợi, đây là kết quả xấu cho Trung Quốc.

Bài liên quan
Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến
Bộ TT-TT đề nghị các bộ ngành, địa phương xây dựng và nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trừng phạt thương mại, Trung Quốc vẫn không thể làm khó Úc