Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một cầu tàu có khả năng chứa tàu sân bay tại căn cứ hải quân của nước này ở Djibouti, miền đông châu Phi.

Trung Quốc tăng cường bành trướng bên ngoài Biển Đông và Hoa Đông

Hoàng Vũ | 27/04/2021, 11:01

Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một cầu tàu có khả năng chứa tàu sân bay tại căn cứ hải quân của nước này ở Djibouti, miền đông châu Phi.

Tờ Nikkei nhận định động thái mới nhất này cho phép quân đội Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân bên ngoài các khu vực hoạt động truyền thống ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Căn cứ ở Djibouti là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc nằm gần eo biển Bab-el-Mandeb, nối Ấn Độ Dương và Biển Đỏ - vị trí có tầm quan trọng về mặt chiến lược. Nó được xây dựng vào năm 2017 như một "cơ sở hỗ trợ" hải quân mà Bắc Kinh cho biết sẽ được sử dụng làm căn cứ cho các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somalia và ứng phó với các vụ tai nạn trên biển.

anh-ve-tinh.jpeg
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc mở rộng căn cứ quân sự tại Djibouti - Ảnh: Forbes

Tướng Stephen Townsend, một tư lệnh của Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ, nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện vào tuần trước rằng Bắc Kinh vừa mở rộng căn cứ quân sự bằng cách bổ sung một bến tàu quan trọng có thể hỗ trợ cả hàng không mẫu hạm của Trung Quốc trong tương lai.

“Trên khắp lục địa, họ đang tìm kiếm các cơ hội khác để xây dựng căn cứ. Họ thực sự có mặt ở khắp mọi nơi trên lục địa. Họ đang đặt cược rất nhiều vào việc này”, ông Townsend cho biết thêm.

Bắc Kinh hiện có hai tàu sân bay gồm tàu Liêu Ninh được tân trang lại từ tàu chiến mua từ Ukraine và tàu sân bay Sơn Đông với tàu sân bay thứ ba được phát triển trong nước dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong vòng vài năm tới.

tau-chien-tq.jpeg
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc - Ảnh: Kyodo

Căn cứ ở Djibouti hiện có khả năng tiếp nhận tàu tấn công đổ bộ Type 075 mới của Trung Quốc. Con tàu này vừa đi vào hoạt động và sẽ sớm được triển khai ở Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc vừa đưa vào biên chế 3 tàu chiến tại tỉnh Hải Nam, bao gồm tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc loại Type 075, tàu khu trục Đại Liên thuộc loại Type 055 và tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 18 thuộc loại Type 094.

Đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy 3 tàu đổ bộ Type 075. Có độ choán nước 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9, tàu Type 075 được cho là có khả năng tổ chức đổ bộ tấn công toàn diện.

Theo Nikkei, Bắc Kinh đang kỳ vọng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp. Khi đó, năng lực tổ chức tác chiến của tàu Type 075 sẽ tăng lên mức độ mới có thể đóng vai trò tương tự như tàu sân bay.

Quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu có nhiều nhóm tấn công tập trung xung quanh các tàu chiến đổ bộ, giống như quân đội Mỹ, để mở rộng phạm vi hoạt động. Các nhóm tàu ​​sân bay có thể tham gia vào việc bảo vệ các tuyến đường biển liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng dưới sự bảo trợ của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Các cơ sở cảng đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc gần các tuyến đường biển quan trọng, ở các nước bao gồm Sri Lanka, Pakistan và Myanmar, đã gây ra sự bất an trong nhiều nhăm. Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết: “Chúng có thể được đưa vào sử dụng với mục đích quân sự trong tương lai”.

Việc mở rộng căn cứ Djibouti của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản cùng các đồng minh đang tăng cường hiện diện và hợp tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm tỏa sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã điều tàu chiến đến Biển Hoa Đông nhằm “dằn mặt” với Nhật Bản. Bắc Kinh cũng đang dùng thủ đoạn “lấy thịt đè người” ở Biển Đông với việc hàng trăm tàu cá và tàu dân quân Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa trong những tuần qua.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng đây là cách Trung Quốc dần dần đẩy ngư dân các nước ra khỏi Biển Đông.

“Bằng cách đặt các tàu thuyền ở đó và trải chúng ra khắp các vùng biển xung quanh các rạn san hô mà những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, hoặc xung quanh các mỏ dầu và khí đốt hoặc ngư trường, Bắc Kinh đang dần dần đẩy người Philippines và Việt Nam ra khỏi Biển Đông", ông nói.

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tăng cường bành trướng bên ngoài Biển Đông và Hoa Đông