Giao tranh ác liệt đã nổ ra tại một tiền đồn của quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan vào đầu ngày 27.4, trong khu vực phần lớn do lực lượng của nhóm vụ trang dân tộc Karen kiểm soát.

Giao tranh ác liệt, Liên minh Quốc gia Karen chiếm tiền đồn quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan

Nhân Hoàng | 27/04/2021, 10:26

Giao tranh ác liệt đã nổ ra tại một tiền đồn của quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan vào đầu ngày 27.4, trong khu vực phần lớn do lực lượng của nhóm vụ trang dân tộc Karen kiểm soát.

Liên minh Quốc gia Karen (KNU) cho biết đã chiếm được tiền đồn quân đội sau một số cuộc đụng độ dữ dội nhất kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2 khiến Myanmar rơi vào khủng hoảng. Cuộc giao tranh diễn ra vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) cho biết đã đạt được sự đồng thuận với chính quyền quân sự Myanmar về việc chấm dứt bạo lực.

Những người dân làng bên kia sông Salween ở Thái Lan cho biết tiếng súng lớn nổ ra trước khi mặt trời mọc. Video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa và khói trên sườn đồi với nhiều cây.

lien-minh-quoc-gia-karen-chiem-can-cu-quan-doi-myanmar.jpg
Hỏa hoạn trên sườn đồi bên kia sông Salween

Các lực lượng KNU đã tấn công tiền đồn quân đội vào khoảng 5 - 6 giờ sáng, người đứng đầu đối ngoại của nhóm vũ trang dân tộc -  Padoh Saw Taw Nee nói với Reuters.

Padoh Saw Taw Nee cho biết tiền đồn quân đội đã bị chiếm đóng và thiêu rụi. KNU vẫn đang kiểm tra số người chết và thương vong. Padoh Saw Taw Nee nói cũng đã có giao tranh ở các địa điểm khác, nhưng không cho biết chi tiết.

Trung tâm Thông tin Karen, tập đoàn truyền thông địa phương, thông báo căn cứ quân sự đã bị đánh sập, dân làng đã nhìn thấy 7 người lính bỏ chạy.

Quân đội Myanmar không đưa ra bình luận ngay lập tức. Trong lịch sử, quân đội Myanmar tự xưng là thể chế duy nhất có thể giữ đất nước đa sắc tộc với hơn 53 triệu dân xích lại với nhau, dù phần lớn người Myanmar đã tập hợp lại để phản đối cuộc đảo chính hôm 1.2.

Căn cứ quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan đã bị bao vây phần lớn bởi lực lượng KNU và lương thực đã cạn kiệt ở đó trong những tuần gần đây, theo những người dân Thái Lan liên lạc với các binh sĩ.

Một quan chức Thái Lan từ tỉnh Mae Hong Son cho biết một người đã bị thương ở Thái Lan trong cuộc giao tranh, nhưng không có thêm thông tin chi tiết.

KNU cho biết 24.000 người đã phải di dời trong những tuần gần đây do bạo lực, bao gồm cả các cuộc không kích của quân đội Myanmar, và đang trú ẩn trong rừng.

Một số trong 20 nhóm vũ trang của Myanmar đã ủng hộ những người chống đối chính quyền quân sự. Quân đội Myanmar đã giết chết hơn 750 thường dân để cố gắng trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính.

Tại những nơi khác của Myanmar, có tương đối ít báo cáo về các vụ đổ máu kể từ cuộc họp hôm 24.4 giữa Thống tướng Min Aung Hlaing và các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm tìm lối thoát cho Myanmar khỏi khủng hoảng.

Truyền thông Myanmar đưa tin ít nhất một người đàn ông đã bị bắn chết ở thành phố Mandalay hôm 26.4 với tình tiết không rõ ràng.

Những người biểu tình đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh hành động chống lại chính quyền quân sự. Hôm 26.4, họ kêu gọi mọi người ngừng thanh toán tiền điện và các khoản vay nông nghiệp, đồng thời cho con cái nghỉ học.

"Nhân viên giáo dục và học sinh được khuyến khích mạnh mẽ tham gia tẩy chay, sát cánh cùng nhau bằng cách không đi học", thủ lĩnh cuộc biểu tình Ei Thin Zar Maung đăng trên mạng xã hội.

Những cuộc biểu tình đã diễn ra ở một số nơi, bao gồm cả thành phố Yangon lớn nhất Myanmar, nơi hàng trăm người tổ chức cuộc tuần hành flash mob xuống đường phố, hô khẩu hiệu và cầm biểu ngữ.

Các nhà hoạt động đã chỉ trích sự đồng thuận 5 điểm được đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN, nói rằng nó giúp hợp pháp hóa chính quyền quân sự và không đáp ứng được yêu cầu của họ. Đặc biệt, tuyên bố chung của ASEAN không kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu là bà Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị khác. Nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết hơn 3.400 người đã bị giam giữ vì phản đối cuộc đảo chính.

Theo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2021 – Brunei được đưa ra sau cuộc họp, 5 điểm được các nhà lãnh đạo hoặc đại diện của họ nhất trí với sự đồng ý của Min Aung Hlaing gồm:

1. Bạo lực ở Myanmar sẽ phải chấm dứt ngay lập tức và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế.

2. Đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan sẽ bắt đầu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

3. Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải tiến trình đối thoại, với sự hỗ trợ của Tổng thư ký ASEAN (Lim Jock Hoi. người Brunei).

4. ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa).

5. Đặc phái viên và phái đoàn sẽ thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Trong bình luận chính thức đầu tiên về cuộc họp, chính quyền quân sự cho biết sẽ "cân nhắc cẩn thận với các đề xuất mang tính xây dựng khi tình hình trở lại ổn định".

Các đề xuất sẽ được xem xét tích cực nếu chúng tạo điều kiện cho lộ trình của chính quyền và "phục vụ lợi ích của đất nước, dựa trên các mục đích và nguyên tắc được tuân thủ trong ASEAN".

Chính quyền không đề cập đến một trong những nguyên tắc được ấp ủ từ lâu của ASEAN, đó là không can thiệp vào công việc của nhau.

Đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia của bà Suu Kyi đã thắng nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11.2020. Ủy ban bầu cử cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra công bằng nhưng quân đội cho rằng có gian lận đã buộc họ phải lên nắm quyền.

Bài liên quan
Chính phủ Thống nhất Quốc gia ra 4 điều kiện để đối thoại với quân đội Myanmar
Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và Bộ trưởng Nội các tự xưng, nói rằng sẽ không có thỏa hiệp giữa NUG và chế độ quân sự trừ khi các yêu cầu của nhóm được đáp ứng. Ông hoan nghênh những quan ngại được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao tranh ác liệt, Liên minh Quốc gia Karen chiếm tiền đồn quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan