Một vị tướng Trung Quốc tuyên bố ở cuộc họp bên lề kỳ họp Quốc hội nước này: Trung Quốc cần xây dựng cơ sở phòng thủ trên các đảo nhân tạo để khẳng định chủ quyền hầu hết Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã ngày 8.3, Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ nhiệm Học viện quân sự Trung Quốc, nói các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông là để củng cố chủ quyền toàn vẹn trên vùng biển này. Ông không cho biết có triển khai máy bay quân sự đến các đảo nhân tạo hay không.
Trung Quốc đã xây đường băng cất-hạ cánh cho máy bay quân sự, nhà chứa máy bay, tháp không lưu, bãi đậu trực thăng, trạm radar cùng nhiều tòa nhà cao tầng trên các đảo này.
Ông Hà Lôi, cũng là một đại biểu Quốc hội Trung Quốc, tuyên bố các bãi đá và đảo trên Biển Đông là lãnh thổ “không thể tách rời” của Trung Quốc và được quốc tế công nhận, vì thế các bên khác không có quyền phán xét những hoạt động của Trung Quốc trên các thực thể này.
Vị tướng tuyên bố: “Các bãi san hô và đảo này là của chúng tôi, nên chúng tôi cần quân đội bảo vệ chúng và bảo vệ cư dân sống ở đó. Triển khai quân đến lãnh thổ là quyền lợi hợp pháp và chính đáng của chúng tôi. Phủ nhận quyền này chính là không tôn trọng chúng tôi. Việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện đời sống và điều kiện rèn luyện cho quân nhân, cung cấp dịch vụ dân sự cho các hãng bay và tàu bè đi qua khu vực đó”.
Trung tướng Hà Lôi nói: dựng lên “học thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc” là một âm mưu cũ rích, nhằm xúi giục đối đầu giữa Trung Quốc với các nước láng giềng”.
Vị đại biểu Quốc hội còn gợi ý các nước láng giềng của Trung Quốc không nên hoang mang trước sự xúi giục của vài thế lực nước ngoài muốn gây xung đột giữa Trung Quốc với các nước này. Ông nói: “Vài nước sợ sự phát triển và mạnh mẽ của Trung Quốc nên họ hy vọng “học thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc” sẽ cách ly Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước nhỏ. Kẻ khởi xướng “học thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc chính là kẻ thật sự hù dọa những người khác .
Ông Hà Lôi còn nhấn mạnh toàn bộ sự hiện diện quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc là để gìn giữ hòa bình, thực hiện các nhiệm vụ hộ tống - chống hải tặc, hoặc theo sự tổ chức của LHQ.
Cùng ngày 8.3, tại cuộc họp báo bên lề, Ngoại trưởng Vương Nghị cáo buộc vài thế lực nước ngoài toan tính “khuấy đục nước” vụ tranh chấp Biển Đông: “Vài thế lực không hài lòng với sự yên tĩnh, toan tính gây phức tạp tình hình. Họ thường phô trương lực lượng bằng máy bay mang vũ khí và tàu chiến, và đó là yếu tố gây bất ổn khu vực”.
Ông Vương Nghị nói Trung Quốc kiên quyết bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông là “không gì lay chuyển nổi”, và Trung Quốc theo đuổi một phương cách có trách nhiệm về vấn đề tranh chấp Biển Đông, có tính đến quyền lợi của nhân dân Trung Quốc, các sự thật lịch sử, hòa bình khu vực và luật pháp quốc tế.
Theo Reuters, Trung Quốc đã liên tục cáo buộc các nước ngoài khu vực - ý nói Mỹ và Nhật Bản toan tính khiêu khích, gây rối ở Biển Đông, trong lúc Trung Quốc và các nước láng giềng đang cố gắng giải quyết tranh chấp bằng hướng ngoại giao. Ông Vương Nghị giải thích Trung Quốc và các nước láng giềng đang nỗ lực hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để phòng tránh tai nạn ngoài ý muốn trên vùng biển tranh chấp.
Các nước láng giềng đã phản đối tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, và hải quân Mỹ thường tổ chức tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải trên vùng biển này.
Theo Newsweek, Mỹ đã cử hải quân đến gần các căn cứ Trung Quốc, tiến hành bay giám sát các đảo nhân tạo xây trái phép. Mỹ cũng mở rộng khả năng quân sự khu vực nhằm tăng tầm ảnh hưởng.
Tàu sân bay Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân vừa thả neo ở vùng cảng Đà Nẵng, là chuyến thăm quân sự đầu tiên của hải quân Mỹ kể từ sau năm 1975.
Theo Newsweek, chuyến thăm này phần nào được thiết kế để phô trương sức mạnh và có thể tiếp cận Trung Quốc cùng CHDCND Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc tuyên bố chuyến thăm này là “lãng phí tiền bạc”.
Ngày 5.3, Trung Quốc đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng 8,1%, nhằm hiện đại hóa quân đội. Năm 2018, Bắc Kinh sẽ chi quân sự 1,1 ngàn tỉ Nhân dân tệ (173 tỉ USD) và đây là khoản chi quốc phòng lớn hàng thứ nhì thế giới. Dự kiến kinh phí quân sự 2018 của Mỹ là 886 tỉ USD.
Trung tướng Hà Lôi biện hộ mức tăng chi quân sự này chỉ chiếm 1,25% GDP và 5,2% trong tổng khoản chi ngân sách quốc phòng, tức ít hơn khoản chi quân sự của Mỹ và Nga: “Thật sự mà nói, tăng 8,1% là cực thấp. Một quốc gia có là mối đe dọa cho các nước khác hay không thì không thể xác định bằng sức mạnh quốc gia và sức mạnh của quân đội, mà bằng chính sách của nước đó. Trung Quốc luôn theo đuổi đường lối hòa bình và chính sách quốc phòng thiên về phòng thủ. Vì thế, sự trỗi dậy của Trung Quốc không là mối đe dọa cho bất kỳ nước nào”.
Ông Hà Lôi còn nhấn mạnh dù đạt đến giai đoạn phát triển nào chăng nữa, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ theo đuổi mục tiêu bá chủ hoặc bành trướng. Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ chạy đua vũ trang với bất kỳ nước nào, nhất là với Mỹ.
Vị tướng khẳng định khoản chi quốc phòng là minh bạch và khách quan, mức chi tăng là hợp pháp và cẩn trọng, đồng thời giải thích phần lớn khoản chi tăng để nâng cấp khí tài, hỗ trợ cải tổ quân đội, cải thiện điều kiện rèn luyện và tăng lương cho nam-nữ quân nhân.
Trung Trực (theo Newsweek, Tân Hoa Xã)