Vì sao lần này Chủ tịch FED Janet Yellen lại chỉ tăng lãi suất một cách cầm chừng ở mức tối thiểu (0,25%) như vậy? Và đó có phải là một dấu hiệu cho thấy sự lạc quan về khả năng điều hành nền kinh tế sắp tới của tân tổng thống Donald Trump?

Vì sao FED chỉ tăng lãi suất 0,25%?

Nhàn Đàm | 16/12/2016, 09:40

Vì sao lần này Chủ tịch FED Janet Yellen lại chỉ tăng lãi suất một cách cầm chừng ở mức tối thiểu (0,25%) như vậy? Và đó có phải là một dấu hiệu cho thấy sự lạc quan về khả năng điều hành nền kinh tế sắp tới của tân tổng thống Donald Trump?

Sự kiện tài chính - tỷ giá quan trọng nhất trên thị trường thế giới trong những ngày sắp hết năm 2016 cuối cùng cũng đã diễn ra, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, từ mức 0,25-0,5% lên 0,5-0,75%, sau khi kết thúc cuộc họp vào giữa tháng 12.2016 vừa qua.

Đây là điều đã được dự báo từ trước, khi kinh tế Mỹ đang trải qua một khoảng thời gian rất tốt với các chỉ số vĩ mô đều ở mức gần như hoàn hảo, và các điều kiện cần thiết nhất để FED nâng lãi suất ở thời điểm hiện tại gần như đã hội đủ. Tuy nhiên, việc Chủ tịch FED là bà Janet Yellen quyết định chỉ nâng lãi suất thêm 0,25%, tương đương với mức tăng cách đây đúng 1 năm khi kinh tế Mỹ ở thời điểm đó không tích cực như hiện tại, đã khiến không ít người bất ngờ.

Vì sao FED lại chỉ tăng lãi suất một cách cầm chừng ở mức tối thiểu (0,25%) như vậy? Và đó có phải là một dấu hiệu cho thấy FED lạc quan về sự ổn định và khả năng điều hành nền kinh tế sắp tới của tân tổng thống Donald Trump?

Nếu so sánh các chỉ số vĩ mô của kinh tế Mỹ hiện nay với thời điểm cách đây tròn 1 năm khi FED nâng lãi suất 0,25% vào giữa tháng 12.2015, có thể hiểu được sự thắc mắc của không ít chuyên gia kinh tế về việc bà Janet Yellen lại tăng lãi suất một cách cầm chừng ở thời điểm hiện tại.

So với cách đây 1 năm, kinh tế Mỹ hiện nay tốt hơn nhiều: tốc độ tăng trưởng cao hơn dự báo (2,9% trong quý 3 năm nay so với mức dự báo chỉ 2,6%), tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,6% - thấp nhất kể từ trước khi cuộc khủng hoảng 2007 diễn ra, tỷ giá đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt (Dow Jones thậm chí có thể đạt mức kỷ lục 20.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử), và khả năng đạt được mức lạm phát kỳ vọng 2% là điều nằm trong tầm tay.

Với tình trạng tốt như vậy của kinh tế Mỹ, sẽ chẳng có ai lấy làm ngạc nhiên nếu FED có nâng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp vừa rồi.

Sự thắc mắc càng tăng lên khi ẩn số mang tên Donald Trump dường như đã không được FED tính tới trong lần nâng lãi suất này. Các mục tiêu và chính sách điều hành nền kinh tế chủ đạo của tân tổng thống Trump sau khi nhậm chức chắc chắn sẽ khiến mức tăng lãi suất 0,25% của FED trở thành vô nghĩa.

Cụ thể, ông Trump hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm thuế, tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và bãi bỏ nhiều quy định. Mục tiêu được bộ sậu cố vấn kinh tế của ông Trump đưa ra là kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 3-4%/năm kể từ năm 2017 (cao hơn từ 1,5 đến 2 lần mức tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2016 nhiều khả năng chỉ đạt khoảng trên dưới 2%).

Việc đưa ra một tham vọng tăng trưởng cao như vậy, lại chủ yếu dựa trên tăng cường chi tiêu đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo mức lạm phát cao và gây nguy hiểm cho nền kinh tế Mỹ vốn đang rơi vào tình trạng phát triển quá nóng. Chính vì thế, đã có nhiều chuyên gia khuyến nghị FED nên tăng lãi suất lên 0,5% để đề phòng rủi ro khi tổng thống Trump sẽ nhậm chức vào giữa tháng 1.2017 và ngay lập tức thực hiện những mục tiêu tham vọng của mình.

Có lẽ nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn lớn trong chính sách điều hành nền kinh tế của tổng thống Trump trong thời gian tới, nên FED đã thòng thêm tuyên bố sẽ dự kiến tiến hành 3 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2017, có thể sẽ đạt mức 1,4% vào cuối năm sau.

Nói cách khác, nếu Donald Trump thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng mạo hiểm, FED sẽ ngay lập tức nâng lãi suất để ổn định tình hình. Bản thân chủ tịch Janet Yellen cũng tuyên bố bất cứ sự gia tăng chi tiêu nào của chính quyền Trump đều sẽ tác động đến việc FED điều chỉnh lãi suất trong tương lai.

Vì thế hiện tại chỉ nâng lãi suất lên 0,25% như một sự thăm dò: nếu tăng quá cao (từ 0,5% trở lên) có thể dẫn đến khả năng ảnh hưởng xấu đến đà tăng trưởng đang rất tốt hiện nay của kinh tế Mỹ, còn nếu không tăng lãi suất có thể khiến nguy cơ lạm phát bùng nổ. Tùy vào tình hình thực tế mà FED sẽ điều chỉnh lãi suất cho phù hợp, với bước lãi suất cơ bản là 0,25%. Và mức tối đa mà FED có thể điều chỉnh lãi suất trong năm 2017 sẽ là 0,75%.

Đó có vẻ là một chiến lược tốt và phù hợp với sự thiếu nhất quán và ổn định trong chính sách kinh tế sắp tới của chính quyền Donald Trump. Nhưng như chủ tịch FED Janet Yellen đã thừa nhận, thật khó để có thể đoán được những gì vị tân tổng thống Mỹ sắp tới sẽ làm – đặc biệt là khi đảng Cộng Hòa đang ở trong điều kiện cực kỳ thuận lợi là nắm cả Thượng và Hạ viện.

Trong kịch bản xấu nhất, là việc Quốc hội Mỹ chấp thuận một chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quy mô lớn chưa từng có do tổng thống Trump đề xuất, thì e rằng chiến lược đề phòng nói trên của FED cũng sẽ không kịp trở tay.

Về lý thuyết, FED chỉ có thể xem xét nâng lãi suất đồng USD tại khoảng 3-4 cuộc họp diễn ra trong 1 năm mà thôi, và với bước lãi suất cơ bản chỉ vỏn vẹn 0,25% thì không có gì đảm bảo rằng bộ sậu của bà Yellen có thể kịp thời ngăn cản được Donald Trump.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao FED chỉ tăng lãi suất 0,25%?