Đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin về việc xem xét bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học...

Việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với viên chức đang tương đối được đồng thuận

Tú Viên | 20/03/2021, 12:38

Đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin về việc xem xét bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học...

Tại buổi họp báo định kỳ diễn ra chiều 19.3, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long đã khẳng định: “Chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong các thông tư về tiêu chuẩn là phù hợp, là chủ trương đúng đắn và tạo sự đồng thuận. Khi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương ủng hộ rất cao”.

Ông Trương Hải Long cho rằng, bỏ quy định này không có nghĩa là không cần ngoại ngữ, tin học nữa. Đây là quy định về năng lực. Thủ tướng đã có quyết định về chương trình đào tạo ngoại ngữ quốc gia, chương trình đào tạo ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tùy yêu cầu vị trí việc làm, cơ quan sử dụng trong thực tế vẫn phải có quy định.

hai-long.jpeg

Ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ)-Ảnh: Internet

Vừa qua Bộ Giáo dục đã ban hành 4 thông tư về tiêu chuẩn đối với giáo viên mầm non và phổ thông các cấp, trong đó không quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, Bộ Nội vụ đã kịp thời có ý kiến để sửa các quy định yêu cầu chứng chỉ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp.

Theo lĩnh vực ngạch công chức, viên chức chuyên ngành quản lý, Bộ Nội vụ đã xây dựng thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp xong, đang trong quá trình thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ sớm ban hành.

Vụ trưởng Trương Hải Long cũng khẳng định, tuy không nộp chứng chỉ, nhưng trong quá trình tổ chức thi hoặc sử dụng công chức, viên chức, sẽ có biện pháp tổ chức thi hoặc sát hạch để đảm bảo trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Thẩm quyền quy định tiêu chuẩn công chức, viên chức đã được phân cho các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ sẽ sớm tổ chức các cuộc họp, phối hợp với các bộ quản lý công chức chuyên ngành đưa ra ý tưởng sửa đổi, bổ sung tương tự, đảm bảo đồng bộ và công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung, giảm tải trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Trương Hải Long, việc có bỏ chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không, Luật Viên chức có quy định viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Việc đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức có thể được thực hiện trước khi bổ nhiệm (đào tạo theo chức vụ lãnh đạo, quản lý) hoặc khi thay đổi chức danh nghề nghiệp (đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) hoặc đào tạo để bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp (đào tạo theo vị trí việc làm).

Triển khai Luật Viên chức, Nghị định 18 trước đây và Nghị định 101 sau này về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Tuy nhiên, Nghị định chỉ quy định chung, không quy định chức danh nghề nghiệp hoặc ngạch công chức nào phải có chứng chỉ bồi dưỡng. Trong chùm thông tư cũ của Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số chức danh nghề nghiệp trước đây không quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nhưng đến thông tư mới lại có quy định là phải học, dẫn đến có cách hiểu chưa thống nhất, khiến giáo viên tâm tư, lo lắng.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, vấn đề phát sinh với các giáo viên là do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan liên quan đã không để ý đến điều khoản chuyển tiếp, dẫn đến việc hồi tố (sinh ra cảnh tréo ngoe là người đang chuyên viên cao cấp, nhưng thiếu mất chứng chỉ chuyên viên - do thời điểm người này được bổ nhiệm, quy định chưa yêu cầu, lại phải quay lại học chứng chỉ chuyên viên?). Ông Thăng lưu ý các đơn vị trong Bộ Nội vụ khi ban hành văn bản phải chú ý điều này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng yêu cầu các vụ của Bộ, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả nghị định, thông tư phải có nội dung quy định điều khoản chuyển tiếp cụ thể, áp dụng từ nay trở đi với cái gì, ra làm sao, với những người cũ hướng xử lý như thế nào… Phải có quy định chuyển tiếp cho những người phát sinh từ thời điểm ban hành quy định chứ không phải “hồi tố”. Các văn bản hiện nay thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với viên chức đang tương đối được đồng thuận