Ban Quản lý xây dựng cơ bản H.Hòa Bình quanh co khi nêu số công trình trúng thầu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Gia Huy.
Về nội dung liên quan đến bài Chủ doanh nghiệp ở TP.HCM trúng đến 5 gói thầu tại Bạc Liêu trong 1 tuần nói gì? trên Một Thế Giới, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý xây dựng cơ bản (QLXDCB) H.Hòa Bình xung quanh những vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Gia Huy (trụ sở tại TP.HCM).
Tại buổi làm việc, PV hỏi rằng trong năm 2020 Công ty Hồng Gia Huy đã trúng tổng cộng bao nhiêu gói thầu trên địa bàn H.Hòa Bình. Trả lời câu hỏi này, ông Thương có mâu thuẫn khi nêu số công trình thật mà Công ty Hồng Gia Huy đã trúng thầu, bởi trước đó đại diện của doanh nghiệp đã thừa nhận đơn vị mình thực tế có trực tiếp thi công 3 công trình, chưa kể các công trình “nhờ” doanh nghiệp khác làm.
“Trong năm 2020, Công ty Hồng Gia Huy trúng 3 gói thầu trên địa bàn H.Hòa Bình”, ông Thương nói. Tuy nhiên, khi PV liệt kê ra hàng loạt công trình mà Công ty Hồng Gia Huy trúng thầu từ ngày 10 - 17.6 thì lúc này ông Thương mới chống chế: “Tôi tưởng anh hỏi lộ GTNT. Về vấn đề bán thầu tôi không nắm vì về mặt pháp lý chúng tôi và đơn vị thi công đều tuân thủ pháp luật”. Ông Thương còn thừa nhận những công trình của Công ty Hồng Gia Huy thi công đến thời điểm này là chậm tiến độ, thi công dang dở.
Căn cứ theo quyết định công nhận trúng thầu của Ban QLXDCB H.Hòa Bình thì Công ty Hồng Gia Huy đã trễ hợp đồng từ 5 - 6 tháng. Mặc dù vậy nhưng đến thời điểm này đại diện chủ đầu tư của H.Hòa Bình chưa lập biên bản để xử lý vi phạm, xử phạt theo quy định đối với đơn vị thi công quy định của theo pháp luật mà chỉ nhắc nhở bằng văn bản duy nhất 1 lần.
Theo tìm hiểu của PV, nếu nhà thầu vi phạm nguyên tắc hợp đồng thì chủ đầu tư có quyền lập biên bản và xử phạt hành chính. Nếu bị lập biên bản, xử phạt đến lần thứ 3 mà đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thiện công trình thì chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Như vậy trong năm 2020, Công ty Hồng Gia Huy trúng đến 6 gói thầu ở H.Hòa Bình (mỗi gói có thời hạn xây dựng từ 4 - 5 tháng) nhưng đến nay đều chưa hoàn thiện thì ngành chức năng địa phương cần xem xét lại yếu tố năng lực của doanh nghiệp này. Việc trúng liên tiếp nhiều gói thầu những đã trễ hẹn có thể gây bức xúc. Cần phải nói thêm, ngành chức năng H.Hòa Bình nên xem xét yếu tố “bán thầu” của Công ty Hồng Gia Huy để có cơ sở xử lý nghiêm theo quy định của Luật Đấu thầu.
Như Một Thế Giới đã thông tin, trong năm 2020, Công ty Hồng Gia Huy trúng đến 6 gói thầu ở H.Hòa Bình. Mặc dù trúng thầu nhưng doanh nghiệp này không trực tiếp thi công mà có dấu hiệu “bán lại” cho người khác. Điều đáng nói đến thời điểm hiện tại, tất cả gói thầu trên đang thi công dang dở, chậm tiến độ theo hợp đồng đã cam kết trước đó với chủ đầu tư, gây nhiều bức xúc cho việc đi lại của người dân địa phương.
Tính riêng từ ngày 10 - 17.6.2020, doanh nghiệp này đã trúng tới 5 gói thầu với tổng trị giá khoảng 15 tỉ đồng. Thậm chí chỉ trong 1 ngày (10.6), Công ty Hồng Gia Huy trúng liền 2 gói thầu. Được biết, những công trình mà Công ty Hồng Gia Huy trúng thầu là đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa thể thao cấp xã.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Trung Hiếu, người đại diện pháp luật của Công ty Hồng Gia Huy thừa nhận có việc doanh nghiệp mình giao lại vài công trình cho những đội chuyên nhận công trình ở địa phương trực tiếp thi công.
“Hiện doanh nghiệp của tôi có gặp mấy chuyện lặt vặt ở Bạc Liêu. Những đội làm việc ở địa phương lúc tôi trúng thầu thì họ “xin” vào làm. Tôi tin tưởng, giao tiền cho người đội trưởng đầy đủ hết nhưng người này không đi trả cho công nhân. Nói chung là những công trình đó đang lùm xùm, tôi đang xử lý bởi những người liên quan đến công trình của tôi trốn hết rồi. Trong số 6 công trình thì đơn vị tôi trực tiếp làm 3 công trình mà”, ông Hiếu nói.
Khi được hỏi về việc nhân sự, máy móc thiết bị ở từng công trường không đúng như trong hồ sơ dự thầu trước đó, ông Hiếu giải thích rằng, do công trình cùng địa bàn nên có thể san sẻ qua lại máy móc thiết bị lẫn nhân sự chủ chốt. “Máy móc thiết bị hư hỏng thì mình san sẻ qua lại. Nhân sự cũng có thể san sẻ được, ít nhất là người chỉ huy trưởng công trình”, ông Hiếu khẳng định.
Về việc san sẻ máy móc, nhân sự chủ chốt, lãnh đạo tại một Ban Quản lý dự án ở Cà Mau khẳng định, không thể điều chuyển nhân sự chủ chốt đi nơi khác nếu công trình đó chưa đạt khối lượng từ 70% trở lên. Còn công trình đạt khối lượng dưới 70% mà đơn vị thi công điều chuyển nhân sự chủ chốt là sai quy định của pháp luật.