100 ngày sau khi lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi, quân đội Myanmar thậm chí không thể làm các chuyến tàu chạy đúng giờ. Các công nhân đường sắt nhà nước là một trong những người phản đối có tổ chức sớm nhất cuộc tiếp quản chính quyền vào ngày 1.2 và họ đã đình công.
Các nhân viên y tế thành lập phong trào bất tuân dân sự chống lại sự cai trị của quân đội Myanmar đã ngừng làm việc tại các cơ sở y tế của chính phủ. Nhiều công chức vắng mặt tại nơi làm việc cùng với nhân viên chính phủ và các ngân hàng tư nhân. Các trường đại học trở thành điểm nóng của sự phản kháng và trong những tuần gần đây, giáo dục tiểu học và trung học đã bắt đầu sụp đổ khi giáo viên, học sinh và phụ huynh tẩy chay trường học.
100 ngày sau khi đảo chính, các tướng lĩnh Myanmar như chỉ giả vờ kiểm soát được chính quyền. Ảo tưởng được duy trì chủ yếu nhờ những nỗ lực thành công một phần của quân đội nhằm đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập và giữ cho các đường phố không có các cuộc biểu tình lớn bằng cách sử dụng vũ lực sát thương. Hơn 750 người biểu tình và chứng kiến đã bị các lực lượng an ninh giết chết, theo các báo cáo độc lập.
“Chính quyền có thể muốn nhiều người nghĩ rằng mọi thứ đang trở lại bình thường vì họ không giết nhiều người như trước và không có nhiều người trên đường phố như trước, nhưng cảm giác mà chúng tôi đang nhận được là chắc chắn cuộc kháng chiến vẫn chưa lắng xuống”, Thin Lei Win, nhà báo hiện ở Roma (Ý), người đã giúp thành lập cổng tin tức trực tuyến Myanmar Now vào năm 2015, nói.
Cô cho biết thay đổi chính là sự bất đồng chính kiến không còn xuất hiện lớn như trong những ngày đầu biểu tình - trước khi lực lượng an ninh bắt đầu sử dụng đạn thật - thời điểm các cuộc tuần hành ở các thành phố và thị trấn lớn có thể dễ dàng thu hút hàng chục ngàn người.
David Mathieson, nhà phân tích độc lập từng làm việc về các vấn đề Myanmar hơn 20 năm, nhận xét: “Do sự đàn áp tàn bạo với các cuộc biểu tình đó, rất nhiều người trở nên kích động lực hơn. Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của điều đó. Với sự tập luyện và lãnh đạo đúng đắn cùng các nguồn lực phù hợp, những gì Myanmar có thể trải qua là một cuộc xung đột vũ trang nội bộ, có tính hủy diệt cực kỳ khủng khiếp ở nhiều địa điểm trong các khu vực đô thị”.
Chính quyền cũng phải đối mặt với thách thức quân sự ngày càng tăng ở các khu vực biên giới luôn kiên cường, nơi các nhóm dân tộc thiểu số thể hiện quyền lực và duy trì các đội quân du kích. Hai trong số các nhóm vũ trang dân tộc thiện chiến nhất, người Kachin ở phía bắc và người Karen tại phía đông, đã tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình và tăng cường chiến đấu, bất chấp quân đội đáp trả bằng hỏa lực mạnh hơn, bao gồm cả các cuộc không kích.
Thậm chí 1 tháng trước, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc - Michelle Bachelet đã mô tả tình hình là tồi tệ, nói rằng “cơ sở hạ tầng kinh tế, giáo dục và y tế của Myanmar đã đến bờ vực sụp đổ, khiến hàng triệu người không có kế sinh nhai, các dịch vụ cơ bản và không đảm bảo an ninh lương thực”.
Không có gì ngạc nhiên khi tạp chí The Economist đã dán nhãn Myanmar là “quốc gia thất bại tiếp theo của châu Á” và cho rằng nó đang đi theo hướng Afghanistan.
Michelle Bachelet đã đưa ra một so sánh khác : “Có những tiếng vang rõ ràng về Syria vào năm 2011. Ở đó, chúng tôi đã chứng kiến các cuộc biểu tình ôn hòa gặp phải lực lượng không thiết yếu và rõ ràng là bất cân xứng. Sự đàn áp tàn bạo, dai dẳng của nhà nước với người dân của mình đã dẫn đến việc một số cá nhân cầm vũ khí, tiếp theo là một vòng xoáy bạo lực đang đi xuống và mở rộng nhanh chóng trên khắp đất nước".
Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc với kinh nghiệm làm việc lâu năm với Myanmar, cho biết: “Bước đi trước mắt là chính quyến quân sự với phe đối lập bắt đầu đối thoại để chấm dứt bạo lực và đổ máu. Cần phải có một cuộc đàm phán về tiếp cận nhân đạo để giữ cho nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị sụp đổ”.
Đến nay, lãnh đạo quân đội Myanmar - Thượng tướng Min Aung Hlaing đã từ chối mọi đề nghị đàm phán từ Liên Hợp Quốc cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Myanmar là thành viên. Ông đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia vào cuối tháng 4. Nhóm 10 thành viên đã ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và đối thoại do đặc phái viên ASEAN làm trung gian.
Trong vòng vài ngày sau khi Min Aung Hlaing trở về nước, chính quyền của ông đã gạt sáng kiến này sang một bên, nói rằng Myanmar sẽ “xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng của các nhà lãnh đạo ASEAN khi tình hình trở lại ổn định trong nước vì các ưu tiên lúc này là duy trì luật pháp, trật tự để khôi phục hòa bình và yên tĩnh cho cộng đồng”.
Trong khi đó, phong trào kháng chiến của Myanmar đã được tổ chức ngầm rộng rãi và nhanh chóng.
Trong vòng vài ngày sau cuộc đảo chính, các nghị sĩ được bầu bị lật đổ đã thành lập Quốc hội tự phong. Các thành viên này đã thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia với các hướng dẫn cho một hiến pháp tạm thời và vào tuần trước, Lực lượng Phòng vệ Nhân dân là tiền thân của Quân đội Liên bang ra đời.
Nhiều thành phố, thị trấn và thậm chí các vùng lân cận đã thành lập các nhóm phòng vệ địa phương, theo lý thuyết giờ đây sẽ trở thành một phần của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân.
Ngoài vai trò là động lực thúc đẩy tinh thần, những hành động này còn phục vụ mục đích chiến lược bằng cách tán thành phong cách chính phủ liên bang, đã được các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Myanmar tìm kiếm trong nhiều thập kỷ để trao cho họ quyền tự trị ở các khu vực biên giới.
Thúc đẩy chủ nghĩa liên bang, trong đó trung tâm chia sẻ quyền lực với các khu vực, gắn lợi ích phong trào chống quân chủ ủng hộ các mục tiêu của các dân tộc thiểu số. Về lý thuyết, điều này có thể bổ sung một thành phần quân sự thực sự vào một phong trào mà vũ khí được trang bị nói chung không kém gì bom xăng và súng trường - dù bom tự chế đã được bổ sung vào kho vũ khí của nó trong những tuần gần đây.
Trên thực tế, ít nhất là vào lúc này, các đội quân du kích của người Kachin ở phía bắc và người Karen tại phía đông sẽ chiến đấu như mọi khi, để bảo vệ lãnh thổ của mình. Họ có thể huấn luyện quân sự cho hàng ngàn nhà hoạt động đã bỏ trốn khỏi các thành phố đến khu vực này nhưng vẫn bị lực lượng của quân đội áp đảo. Ở trên sân nhà, họ có lợi thế riêng trước quân đội Myanmar.
Xem thêm: Quân đội Độc lập Kachin bắn hạ trực thăng quân sự Myanmar sau khi phá hủy 4 xe tăng
Nhà phân tích David Mathieson cho biết: “Điều duy nhất mà quân đội thực sự bị đe dọa là khi tất cả những tiếng nói và cộng đồng khác nhau trên khắp đất nước thực sự bắt đầu chống lại nó, không phải như một khối thống nhất, mà tất cả đều chống lại hoạt động của quân đội. Tôi nghĩ rằng đó là điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng để tiến về phía trước, rằng mọi người công nhận rằng mọi nỗ lực đều phải đi ngược lại với quân đội. Nếu điều đó có nghĩa là chiến đấu trên những ngọn đồi, thực hiện các cuộc biểu tình ôn hòa và các hình thức khác để chống lại quân đội trong các thị trấn, thành phố thì hãy cứ như vậy".
Thật khó để đánh giá xem quân đội Myanmar có điểm phá vỡ hay không.
Mathieson cho biết ông không thấy dấu hiệu nào cho thấy chính quyền quân sự sẵn sàng đàm phán hoặc nhượng bộ bất cứ điều gì. “Quân đội Myanmar rất kiên cường và họ nhận ra rằng đây là một mối đe dọa gần như hiện hữu với sự sống còn của mình”, ông chia sẻ.