Tiêm chủng rộng rãi giúp giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19, nhưng vắc xin không thể giảm hoàn toàn rủi ro cho người bị lây nhiễm.
Mắc bệnh sau khi tiêm chủng hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí một số người vẫn có nguy cơ tử vong mặc dù vắc xin đã giúp giảm đáng kể rủi ro này.
Đây là phát hiện quan trọng của một nghiên cứu vừa đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) tìm hiểu về những đặc điểm của người có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao nhất dù đã tiêm chủng.
Nghiên cứu do nhiều chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Anh thực hiện như Giáo sư Julia Hippisley-Cox thuộc Đại học Oxford, học giả Carol AC Coupland thuộc Đại học Nottingham, Giáo sư Kamlesh Khunti thuộc Đại học Leicester… Họ sử dụng một thuật toán dự đoán rủi ro để tính ra nguy cơ nhập viện lẫn nguy cơ tử vong của đối tượng dân số từ 19 - 100 tuổi đã tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin trong khoảng thời gian từ ngày 8.12.2020 đến ngày 15.6.2021. Các thông tin về thời gian tiêm, kết quả xét nghiệm COVID-19, nhập viện, điều trị ung thư, xạ trị, đăng ký báo tử lấy từ kho dữ liệu QResearch (Anh).
Trong số 2.031 ca tử vong và 1.929 ca nhập viện do COVID-19 mà các chuyên gia xem xét, có 81 ca tử vong và 71 ca nhập viện đã tiêm đủ 2 liều vắc xin (đã qua 14 ngày tính từ lần tiêm liều 2).
Có 18 tình trạng sức khỏe liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sau khi tiêm chủng gồm: hội chứng down, bệnh hồng cầu liềm, HIV/AIDS, xơ gan, các hội chứng thần kinh, sa sút trí tuệ, bệnh parkinson, bệnh thận mạn tính, ung thư máu, động kinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh động mạch vành, đột quỵ, rung tâm nhĩ, suy tim, nghẽn mạch do huyết khối, bệnh mạch máu ngoại biên, tiểu đường type 2.
Trường hợp có nguy cơ nhập viện cao cũng liên quan đến loạt tình trạng trên. Rủi ro tử vong gia tăng theo độ tuổi, tình trạng sống thiếu thốn, giới tính là nam, nguồn gốc dân tộc (người gốc Ấn hoặc Pakistan)...