Các nhà quan sát nhận định, Ả Rập Saudi dự kiến sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ về năng lượng với Trung Quốc.
Theo báo SCMP, đánh giá này diễn ra sau cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman và Giám đốc Cơ quan Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc Zhang Jianhua cuối tuần trước.
Trong cuộc họp, hai quan chức đã đồng ý tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng năng lượng thông qua việc thiết lập một “trung tâm khu vực” cho các nhà sản xuất Trung Quốc tại Ả Rập Saudi. Họ cũng thảo luận về sự hợp tác và đầu tư chung trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Ả Rập Saudi và Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp dầu lâu dài và đáng tin cậy để ổn định thị trường toàn cầu vốn đang chịu đựng nhiều bất ổn khác nhau do các tình hình quốc tế phức tạp và có thể thay đổi”, chính phủ Ả Rập Saudi cho biết và khẳng định sẽ tiếp tục là đối tác và nhà cung cấp dầu đáng tin cậy nhất của Trung Quốc.
Ả Rập Saudi hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của quốc gia Trung Đông này. Năm ngoái, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 27% tổng xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Saudi, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức.
Hai nước cũng đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2016, cam kết hợp tác toàn diện, bao gồm cả năng lượng và thương mại. Theo báo cáo của Đại học Phúc Đán, Ả Rập Saudi cũng là quốc gia nhận đầu tư vào sáng kiến Vành đai và Con đường lớn nhất trong nửa đầu năm nay, thu hút 5,5 tỉ USD.
Cuộc gặp giữa hai quan chức năng lượng diễn ra sau khi OPEC+ do Ả Rập Saudi dẫn đầu quyết định sẽ giảm sản lượng dầu tháng 11 ở mức 2 triệu thùng/ngày so với tháng 10, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới.
Quyết định của OPEC+ đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là Mỹ. Washington bày tỏ lo ngại về việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trước thềm bầu cử giữa kỳ. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã cảnh báo về "hậu quả" đối với Ả Rập Saudi, và một số nhà lập pháp đảng Dân chủ đã thúc giục quốc hội nước này đình chỉ việc bán vũ khí cho Riyadh.
Theo giới quan sát, cuộc gặp về năng lượng của Ả Rập Saudi với Trung Quốc là một thông điệp gửi tới Washington rằng quốc gia Trung Đông này có nhiều đối tác khác tốt hơn Mỹ.
Theo Li Shaoxian, một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Ninh Hạ, mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Trung Quốc sẽ tăng cường trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi từ lâu đã rất mất cân bằng.
“Ả Rập Saudi hiện có nhiều sự lựa chọn hơn. Nga đang tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với Ả Rập Saudi. Ngoài ra, quan hệ của Ả Rập Saudi với Trung Quốc luôn tốt đẹp và hiện đang có xu hướng tăng cường hơn nữa”, Li nhận định.
Theo chuyên gia Li, Ả Rập Saudi và Trung Quốc từ lâu đã có quan hệ năng lượng bền chặt và quan hệ đang mở rộng sang các lĩnh vực khác khi Riyadh tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ như một phần trong kế hoạch 2030.
Victor Gao Zhikai, Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh và là cố vấn của Saudi Aramco - công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cho biết Trung Quốc sẽ mở rộng đầu tư vào Ả Rập Saudi đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng.
“Trung Quốc coi Ả Rập Saudi là một đối tác quan trọng, vì vậy chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào đó và xây dựng các nhà máy, thay thế nhập khẩu... Bắc Kinh thậm chí có thể sử dụng Ả Rập Saudi như một đầu cầu nối với thế giới Hồi giáo, tới Tây Á và Bắc Phi, bởi Ả Rập Saudi có ảnh hưởng đáng kể ở những quốc gia này”, Gao nói.