Thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11 sẽ là tin buồn của không chỉ đương kim lãnh đạo Donald Trump.

Ai sẽ ‘thua’ nếu ông Joe Biden thắng cử?

Cẩm Bình | 24/10/2020, 11:05

Thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11 sẽ là tin buồn của không chỉ đương kim lãnh đạo Donald Trump.

Dù sẽ có nhiều quốc gia mừng rỡ khi nhiệm kỳ đầy hỗn loạn của chính quyền Washington hiện tại kết thúc, nhưng một số nước như CHDCND Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay Israel lại không thể vui như vậy. Còn Trung Quốc sẽ nhận tin với tâm trạng rối bời.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Quan hệ Mỹ - Triều thời Tổng thống Trump thay đổi khá nhiều. Hai nhà lãnh đạo thay đổi từ đe dọa và lăng mạ nhau chuyển sang gặp gỡ ba lần và trao đổi hơn chục lá thư – một mối quan hệ cá nhân đầy bí ẩn.

Tuy nhiên cách tiếp cận khác biệt của Mỹ chưa thể khiến Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa. Hôm 10.10 vừa qua, quốc gia Đông Bắc Á trình làng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới được xác định có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Chính trị gia Joe Biden từng khẳng định sẽ không gặp nhà lãnh đạo Kim trừ phi Triều Tiên đáp ứng một số điều kiện tiên quyết, như vậy việc Mỹ nới lỏng trừng phạt áp đặt lâu nay ít có khả năng xảy ra nếu ứng viên đảng Dân chủ lên làm Tổng thống.

trumpkim.jpg
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều - Ảnh: DPA

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman

Tổng thống Trump chọn Riyadh làm địa điểm đến thăm đầu tiên sau khi nắm quyền năm 2017. Nhà lãnh đạo Washington nhận sự chào đón nồng nhiệt, hình ảnh của ông xuất hiện trên mặt tiền khách sạn nơi phái đoàn Mỹ lưu trú.

Dưới thời Tổng thống Trump, Thái tử Mohammed bin Salman đạt được nhiều lợi ích quan trọng – đáng chú ý nhất là động thái Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương ký với Iran (đối thủ truyền kiếp của Ả Rập Saudi) năm 2015.

Ngoài ra Tổng thống Trump còn ủng hộ hết mình và phủ quyết mọi trừng phạt do Quốc hội Mỹ ban hành khi Thái tử Mohammed bin Salman dính líu đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Tuy nhiên phía quốc gia Trung Đông cũng có đôi lần thất vọng, chẳng hạn như lúc đồng minh Washington từ chối đáp trả quân sự Iran sau vụ cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công.

Giới lãnh đạo Ả Rập Saudi tự tin sẽ hợp tác tốt với chính trị gia Biden. Nhưng với sự ra đi của Tổng thống Trump, Mỹ nhiều khả năng tìm cách hồi sinh thỏa thuận hạt nhân cũng như quay lại cách tiếp cận chú trọng nhân quyền như trước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Ngoài Thái tử Mohammed bin Salman, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng rất cần người đồng cấp Trump bảo vệ. Nhà lãnh đạo Washington ngăn Quốc hội Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.

Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giúp Tổng thống Erdogan thuyết phục Tổng thống Trump rút quân Mỹ khỏi vùng do dân quân Kurd chiếm đóng ở đông bắc Syria, tạo điều kiện cho quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào. Tổng thống Trump quyết định mà chẳng hề tham vấn Lầu Năm Góc hay các đồng minh của Mỹ tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria (bao gồm Anh, Pháp lẫn dân quân Kurd).

Với hàng loạt biện pháp trừng phạt đang chờ sẵn và chính trị gia Biden từng kêu gọi Mỹ ủng hộ phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan có lý do lo lắng nếu Tổng thống Trump thất cử.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Trump rất cứng rắn với Trung Quốc, áp đặt thuế quan lên hàng Trung Quốc cũng như ngăn nước này tiếp cận công nghệ quan trọng.

Tuy nhiên giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ muốn nhà lãnh đạo Washington tái đắc cử. Tổng thống Trump làm lung lay hệ thống liên minh tồn tại từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay – thứ mà Trung Quốc xem là trở ngại ngăn cản tham vọng địa chính trị của họ. Ông khiến Mỹ suy giảm tầm vóc quốc tế khi rút khỏi hàng loạt thỏa thuận đa phương, tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp vào khoảng trống ở nhiều lĩnh vực.

Trung Quốc lo ngại chính trị gia Biden - một khi lên nắm quyền - sẽ cố thiết lập mặt trận quốc tế phối hợp chặt chẽ hơn nhằm đối phó Trung Quốc, đồng thời duy trì gây sức ép về thương mại lẫn công nghệ.

Tuy vậy, phía quốc gia châu Á vẫn có thể hưởng lợi nếu quan hệ song phương ít biến động hơn. Theo giáo sư Châu Phong thuộc đại học Nam Kinh: “Mọi người thực sự muốn thấy Mỹ - Trung chiến tranh lạnh hay sao?”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Mỹ mở cả một cuộc điều tra chính thức về nghi án Nga can thiệp bầu cử năm 2016 – khiến quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Nhưng ở khía cạnh nào đó thì Tổng thống Putin đã “trúng số độc đắc”.

Tổng thống Trump hoài nghi giá trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lẫn của đồng minh quan trọng như Đức, làm suy yếu mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương bền chặt mà Nga luôn tìm cách phá vỡ. Xu hướng này nhiều khả năng kéo dài sang nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Mặc dù vậy vấn đề dỡ bỏ trừng phạt và thúc đẩy đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí vẫn đình trệ.

Với một chính quyền do chính trị gia Biden nắm quyền, triển vọng quan hệ song phương “tan băng” sẽ trở nên u ám.

putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Với Tổng thống Bolsonaro thì người đồng cấp Trump là “bạn tâm giao” về chính trị.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Bolsonaro từ bỏ chính sách đối ngoại cân bằng hàng thập kỷ nay để nghiêng về với Mỹ cùng đồng minh. Ở nhiều ngược lại Tổng thống Trump hủy lệnh cấm nhập thịt bò tươi, ủng hộ Brazil gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng và thám hiểm vũ trụ.

Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo khẳng định họ sẽ không gặp vấn đề gì khi chính trị gia Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Nhưng chính sách môi trường của Tổng thống Bolsonaro sẽ chịu sự phản đối mạnh mẽ, chính trị gia Biden từng khuyến cáo nạn phá rừng Amazon gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho Brazil.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tổng thống Trump nhiều lần phá vỡ truyền thống để ủng hộ Israel. Ông công nhận Jerusalem là thủ đô Israel rồi chuyển Đại sứ quán Mỹ về đây. Kế hoạch sáp nhập phần Bờ Tây Palestine bị gác lại có thể được hồi sinh trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump.

Thành quả đáng kể nhất đến vào tháng 9: Mỹ làm trung gian giúp Israel bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng Bahrain.

Phía Israel lo ngại một khi chính trị gia Biden nắm quyền, họ sẽ chịu giám sát chặt chẽ hơn, và Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai sẽ ‘thua’ nếu ông Joe Biden thắng cử?