Các tỉnh thành ấy đề nghị xin kéo dài thời gian giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022.

6 tỉnh nghèo xin kéo dài thời gian giải ngân, Bộ trưởng Tài chính 'lắc đầu'

Tuyết Nhung | 10/12/2021, 17:22

Các tỉnh thành ấy đề nghị xin kéo dài thời gian giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022.

Ngày 10.12, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã họp với 6 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau nhằm tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

bt-ho-duc-phoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp với 6 địa phương - Ảnh: BCT

Tính đến ngày 30.11 vừa qua, 6 địa phương nói trên đã giải ngân vốn được 11.749,185 tỉ đồng, đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 8.504,399 tỉ đồng, đạt 56,9% kế hoạch, nguồn ngân sách trung ương trong nước đã giải ngân 2.522,75 tỉ đồng, đạt 41,6% kế hoạch và nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 722,031 tỉ đồng, đạt 23,7% kế hoạch.

Dự kiến đến ngày 31.1.2022, 6 địa phương sẽ giải ngân được 18.934,4 tỉ đồng, bình quân đạt 78,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 87,8% kế hoạch, vốn ngân sách trung ương trong nước là 69,3%, vốn ODA là 53,1% kế hoạch.

Lãnh đạo 6 tỉnh thành cho biết đã thành lập tổ công tác, đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương. Tuy nhiên, các địa phương cũng cho biết do đặc thù kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao cùng những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong thực hiện thủ tục xin ý kiến tham gia của các nhà tài trợ đối với dự án dùng nguồn vốn nước ngoài... khiến cho tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đáng chú ý, nguồn vốn ODA của 6 địa phương giải ngân mới chỉ đạt 23,7% kế hoạch, mức rất thấp so với mục tiêu đề ra.

Trước tình trạng trên, 6 địa phương xin kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021...

Phản hồi trước những lời kiến nghị của 6 tỉnh thành trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá mức giải ngân hiện nay của 6 địa phương đang thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (65,7%).

"6 địa phương này đều là những tỉnh còn nghèo, gần như hưởng trợ cấp ngân sách nhà nước mà chưa đảm bảo cân đối thu chi. Do đó, càng phải trân trọng hơn các nguồn vốn để kích cầu kinh tế, phải xác định vốn đầu tư công là vốn mồi. Lãnh đạo các địa phương cần đặt đây là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đạt mục tiêu đã đề ra. Điều đó đòi hỏi phải nỗ lực ngày đêm, từ cấp tỉnh đến huyện tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh xây dựng công trình đúng quy định", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đối với vấn đề giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng các địa phương cần phải có báo cáo kịp thời, chi tiết về thời gian, giá từng loại nguyên vật liệu tăng như thế nào, tăng trong bao lâu và đề xuất các giải pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như thế mới giải quyết được vấn đề.

Đối với các kiến nghị cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn sang năm 2022, Bộ trưởng Phớc cho biết, theo luật, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết ngày 31.12 của năm sau, nhưng vấn đề đặt ra là có nên kéo dài hay không, bởi sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, trong khi đất nước còn đang khó khăn và Chính phủ đang bàn về gói kích cầu kinh tế, nếu giải ngân đầu tư công lại đề nghị kéo dài thì không có ý nghĩa.

"Do đó, cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất thì mới tính đến kích cầu kinh tế", Bộ trưởng nói. Người đứng đầu ngành tài chính cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để giải quyết sớm. Với các ý kiến ngoài thẩm quyền giải quyết của bộ trưởng, ông Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tổng hợp báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 30.11.2021, tỉnh Quảng Bình đã giải ngân đạt 58,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 71,9% kế hoạch, vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 39,9% kế hoạch, nguồn vốn ODA giải ngân đạt 42,2 % kế hoạch.

Tỉnh Quảng Trị đã giải ngân đạt 50,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 89,7%, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước đạt 53,4%, vốn ODA đạt thấp với tỷ lệ 11,8%.

Tỉnh An Giang đã giải ngân đạt 33,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 35,2%, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước đạt 37,2%, vốn ODA đạt 13,6%.

Tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân đạt 50,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 60,4%, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước đạt 18,4%, vốn ODA đạt 43%.

Tỉnh Bạc Liêu đã giải ngân đạt 43,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách địa phương đạt 49,5%, vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 32,6%, vốn ODA đạt 24%.

Tỉnh Cà Mau đã giải ngân đạt 59,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 55% kế hoạch vốn, vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 63,5%, vốn ODA đạt 20,3%.

Bài liên quan
BIDV nhận giải “Ngân hàng lưu ký - giám sát tốt nhất Việt Nam 2021”
Ngày 3.8.2021, trong khuôn khổ “Chương trình trao giải trực tuyến về lĩnh vực giao dịch tài chính 2021”, BIDV đã được Tạp chí The Asian Banker vinh danh là “Ngân hàng lưu ký – giám sát tốt nhất Việt Nam năm 2021” (Best Custodian Bank in Vietnam). Đây là lần đầu tiên một ngân hàng Việt Nam được nhận giải thưởng này từ The Asian Banker.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 tỉnh nghèo xin kéo dài thời gian giải ngân, Bộ trưởng Tài chính 'lắc đầu'