Đại diện Apple đã đàm phán với các quan chức Trung Quốc về quy định có thể khiến những ứng dụng mạng xã hội phương Tây bị xóa khỏi App Store ở quốc gia châu Á này.
Theo trang Apple Insider, luật mới được Trung Quốc công bố gần đây yêu cầu tất cả nhà phát triển App Store phải có trụ sở tại nước này hoặc hợp tác với nhà xuất bản địa phương. Họ cũng phải đăng ký chi tiết doanh nghiệp, gồm cả địa chỉ.
Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc đã công bố các quy tắc vào tháng 8.2023, cho biết các yêu cầu này có hiệu lực ngay lập tức nhưng có thời gian ân hạn đến tháng 3.2024. Điều đó mang lại cho chính phủ Trung Quốc toàn quyền kiểm soát về việc có phê duyệt ứng dụng hoặc yêu cầu xóa chúng hay không và truyền thông phương Tây nghi ngờ rằng luật được tạo ra để chặn các dịch vụ truyền thông xã hội.
Theo trang Wall Street Journal, một số lượng không xác định nhân viên Apple gần đây đã gặp các quan chức Trung Quốc để bày tỏ lo ngại về các quy tắc, việc thực thi chúng và cách luật ảnh hưởng đến người dùng.
Wall Street Journal cho biết các công ty truyền thông xã hội như Facebook khó có thể tuân thủ quy tắc của Trung Quốc. Điều này vì cùng với các luật pháp mới yêu cầu có một trụ sở tại Trung Quốc hoặc đối tác địa phương thì còn có các vấn đề liên quan đến lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc và tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của nước này.
Do đó, Apple có thể phải xóa các ứng dụng như Facebook, X, Instagram hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt pháp lý không rõ ràng.
Chưa rõ có thêm thông tin chi tiết nào về cuộc gặp giữa nhân viên Apple và các quan chức Trung Quốc. Không bên nào bình luận công khai.
Apple sẵn sàng đầu tư lớn vào generative AI
Trong chuyến đi châu Âu sau khi bán ra dòng iPhone 15, Giám đốc điều hành Tim Cook nói với BBC News rằng Apple có kế hoạch thuê nhân viên trí tuệ nhân tạo (AI) của Vương quốc Anh vì công ty muốn tăng cường nghiên cứu AI mang tính sáng tạo. Điều này xảy ra vào thời điểm mà hầu hết hãng công nghệ lớn đang tiến hành sa thải nhân viên để loại bỏ tình trạng dư thừa. Hôm qua (28.9), Epic Games cũng thông báo sẽ cắt giảm 15% lực lượng lao động.
Khi được hỏi về AI và việc làm ở Vương quốc Anh, Tim Cook cho biết: “Đúng vậy, chúng tôi đang tuyển dụng trong lĩnh vực đó, vì vậy tôi thực sự mong đợi đầu tư sẽ tăng lên”.
Dù Apple không đề cập nhiều đến từ AI nhưng công nghệ này đứng sau một số sản phẩm của công ty như camera, Siri, phát hiện cú ngã, phát hiện va chạm...
“Nó thực sự có ở khắp mọi nơi trên các sản phẩm của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi cũng đang nghiên cứu về generative AI nên còn rất nhiều việc phải làm”, Tim Cook nói.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Cuộc phỏng vấn này diễn ra một tháng sau khi Tim Cook nói với Reuters rằng Apple đã làm việc trong lĩnh vực AI trong nhiều năm nay.
“Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu trên nhiều loại công nghệ AI, gồm cả generative AI trong nhiều năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới và cải tiến các sản phẩm của mình bằng những công nghệ này một cách có trách nhiệm để giúp làm phong phú thêm cuộc sống của mọi người. Rõ ràng là chúng tôi đang đầu tư rất nhiều và nó thể hiện trong khoản chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mà bạn đang xem xét”, Tim Cook nói.
Dù cuối cùng có thể phát hành GPT của riêng mình hoặc tích hợp AI vào các sản phẩm của mình như Final Cut Pro hoặc Xcode, Apple đã sử dụng các thuật ngữ khác để nói về AI, chẳng hạn như học máy và neural engine (nhân xử lý trí AI trên các chip của Apple).
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn, và nhiều lĩnh vực khác.
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu (deep learning) và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải nêu bật một bản tin trước đây của Bloomberg cho biết Apple đang nghiên cứu mô hình ngôn ngữ generative AI mang tính sáng tạo của riêng mình. Tuy nhiên, Apple có thể không bao giờ ra mắt cho người dùng vì hiện chỉ dành cho nhân viên. Mới đây, công ty tuyên bố đã sử dụng kết quả từ mô hình ngôn ngữ generative AI riêng trong các sản phẩm thực tế như ứng dụng Maps và Photos.