FIFA không dám làm gì khi bị người Đức phản đối đầy thách thức nhưng họ tỏ ra rất hăng hái trong việc tìm các đội bóng nhỏ như Serbia, Ecuador để trừng phạt.

Bất lực khi bị Đức thách thức, FIFA quay sang trừng phạt Serbia vụ cờ Kosovo

Chiêu Dương | 27/11/2022, 07:57

FIFA không dám làm gì khi bị người Đức phản đối đầy thách thức nhưng họ tỏ ra rất hăng hái trong việc tìm các đội bóng nhỏ như Serbia, Ecuador để trừng phạt.

FIFA đã mở các thủ tục kỷ luật đối với LĐBĐ Serbia sau khi đội tuyển nước này treo một lá cờ gây tranh cãi trong phòng thay đồ của khi đá với Brazil tại World Cup.

fifa1.jpg

Đó là lá cờ có hình lãnh thổ Kosovo với nền là cờ Serbia, kèm dòng chữ "không đầu hàng". Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao giữa người sắc tộc Serb và chính phủ do người Albania đứng đầu ở Kosovo, có nguy cơ khiến bạo lực bùng phát trở lại sau cuộc chiến Kosovo 23 năm trước.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Các nước phương Tây công nhận Kosovo nhưng LHQ không công nhận điều này và phần lớn các quốc gia trên thế giới coi đó là một tỉnh của Serbia

Hôm thứ sáu, LĐBĐ Kosovo (FFK) đã đệ đơn khiếu nại lên FIFA về sự việc trên. Trong một tuyên bố, họ nói: "Những hành động theo chủ nghĩa sô vanh như vậy không có chỗ trong một sự kiện thể thao, và càng không có chỗ trong các cơ sở nơi diễn ra sự kiện lớn nhất của bóng đá thế giới, do đó, FFK, với tư cách là một thành viên bình đẳng với tất cả các thành viên khác của FIFA, yêu cầu từ tổ chức này để thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại các hành động kích động hận thù giữa các dân tộc và đi ngược lại các giá trị của con người".

Các thủ tục tố tụng của FIFA đã được mở ra trên cơ sở điều 11 của bộ luật kỷ luật FIFA, đó là "hành vi xúc phạm và vi phạm các nguyên tắc fair-play" và trong đó gồm "sử dụng một sự kiện thể thao để thể hiện tính chất phi thể thao", cũng như điều 4 trong quy định của World Cup 2022 đề cập đến trách nhiệm của các đội tại giải đấu.

Trong khi đó, FIFA vẫn không thể làm gì khi bị tuyển Đức chế nhạo trong trận gặp Nhật. Trước khi bắt đầu trận đấu, các cầu thủ Đức chụp hình lưu niệm với việc 11 cầu thủ cùng dùng tay che miệng để phản đối việc FIFA không cho họ đeo băng thủ quân cầu vồng ủng hộ LGBT.

Khi được hỏi tại sao họ quyết định phản đối, HLV Hansi Flick nói thẳng: “Đó là một dấu hiệu, một thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đi và chúng tôi muốn gửi đi thông điệp rằng FIFA đang bịt miệng chúng tôi”.

fifa2.jpg

Thông điệp của họ còn được nhấn mạnh bởi Bộ trưởng nội vụ Đức, Nancy Faeser, người cũng đeo băng tay cầu vồng khi bà ngồi cạnh chủ tịch FIFA, Gianni Infantino để theo dõi trận đấu trên.

Theo Guardian, vụ che miệng là một hành động thách thức có tính toán chống lại FIFA sau khi họ dọa 7 đội bóng Tây Âu sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thể thao nếu để tình trạng đeo băng tay cầu vồng trong các trận đấu.

Trong một tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ, LĐBĐ Đức đã thể hiện rõ sự tức giận của mình khi nói với FIFA: “Chúng tôi muốn sử dụng chiếc băng đội trưởng của mình để bảo vệ những giá trị mà chúng tôi duy trì trong đội tuyển quốc gia Đức: sự đa dạng và tôn trọng lẫn nhau. Cùng với các quốc gia khác, chúng tôi muốn tiếng nói của mình được lắng nghe.

Người Đức còn tuyên bố: “Đó không phải là việc đưa ra một tuyên bố chính trị – nhân quyền là điều không thể thương lượng. Điều đó nên được coi là đương nhiên, nhưng thực tế không phải vậy. Đó là lý do tại sao thông điệp này rất quan trọng đối với chúng tôi. Từ chối chiếc băng thủ quân của chúng tôi cũng giống như từ chối chúng tôi một tiếng nói. Chúng tôi bảo vệ lập trường của mình”.

Ngoài vụ che miệng, Đức còn chọc tức FIFA khi 6 cầu thủ của họ, gồm cả đội trưởng Manuel Neuer và Ilkay Gundogan, cũng đi giày Adidas có đường khâu cầu vồng trong trận gặp Nhật Bản, trong khi toàn bộ đội tuyển Đức mặc áo có màu cầu vồng trên tay áo khi khởi động.

Nhưng FIFA sau đó đã xác nhận rằng họ sẽ không chỉ trích LĐBĐ Đức hoặc các cầu thủ của họ vì hành vi phản đối của họ. Tuy nhiên, FIFA cùng lúc lại mở các thủ tục kỷ luật đối với Ecuador về việc CĐV của họ hô vang khẩu hiệu “bài đồng tính” trong trận mở màn World Cup trước Qatar hôm 20.11.

Thực ra khi đó, chỉ có một số CĐV mặc áo màu vàng của đội tuyển Ecuador đã hô những câu có hàm ý kỳ thị đồng tính để công kích người Chile. Đây là vụ trả đũa Chile vì trước đó Chile đã đòi tước quyền tham dự của Ecuador và muốn trở thành nước thay thế.

Tương tự, LĐBĐ Mexico cũng có thể bị án phạt do có báo cáo rằng CĐV của họ hát bài có lời lẽ hàm ý kỳ thị người đồng tính trong trận Mexico gặp Ba Lan.

Căng thẳng dâng cao ở phía Bắc Kosovo trong những tuần gần đây khi vùng lãnh thổ này đẩy mạnh kế hoạch yêu cầu tất cả công dân Kosovo sử dụng biển số ô tô do chính cơ quan của họ cấp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 10.000 người dân tộc Serbia sống ở phía Bắc, những người từ chối công nhận nền độc lập của Kosovo khỏi Serbia và kiên quyết sử dụng biển số do Nam Tư cũ cấp trước năm 1999.

Dưới áp lực từ Mỹ và EU, vốn nhiều lần thúc đẩy đối thoại và nhiều lần bị trì hoãn, một thỏa thuận đã được ký kết vào tối 23.11, theo đó Serbia sẽ ngừng cấp biển số mới trong khi Kosovo không áp dụng các hình phạt với những người vẫn sử dụng chúng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
33 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất lực khi bị Đức thách thức, FIFA quay sang trừng phạt Serbia vụ cờ Kosovo