Lực lượng đặc nhiệm Đài Loan đã tiến hành các cuộc thăm dò khoảng 100 công ty Trung Quốc được cho là đã tìm mọi cách thu hút các kỹ sư bán dẫn và các tài năng công nghệ khác của hòn đảo.
Là quê hương của TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất hành tinh) và chiếm 92% công suất sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, Đài Loan sở hữu những gì Trung Quốc cần là chuyên môn về chip.
Mục tiêu của Bắc Kinh là có khả năng tự chủ về chip tiên tiến, được Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump trước đây.
Điều này cộng với tình trạng thiếu chip toàn cầu đã làm gia tăng sự tranh giành nhân tài kỹ thuật.
Vào tháng 12.2020, Đài Loan đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm thuộc Cục điều tra của Cơ quan tư pháp để giải quyết nạn chảy máu nhân tài. Các trường hợp mà lực lượng này hành động bằng các cuộc đột kích hoặc thẩm vấn đại diện cho "phần nổi của tảng băng", quan chức này nói, yêu cầu giấu tên để các cuộc điều tra không bị cản trở.
Cục Điều tra cho biết bình luận của quan chức thể hiện quan điểm của họ.
Áp lực quân sự gia tăng từ Trung Quốc càng củng cố quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ vị thế tối cao về chip - một tài sản cũng quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ vì phần lớn hoạt động sản xuất chip của họ diễn ra trên hòn đảo này.
Tháng trước, lực lượng đặc nhiệm Đài Loan đã tiến hành hoạt động lớn nhất từ trước đến nay - một cuộc đột kích vào 8 công ty nhằm chống lại "các hoạt động săn đón tài năng và đánh cắp bí mật bất hợp pháp của Trung Quốc".
Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã không trả lời khi được đề nghị bình luận vấn đề này.
Việc các công ty Trung Quốc thuê kỹ sư Đài Loan không phải là bất hợp pháp. Tuy nhiên, luật pháp Đài Loan cấm đầu tư của Trung Quốc vào một số bộ phận chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm cả thiết kế chip và yêu cầu đánh giá các lĩnh vực khác như đóng gói chip, khiến các công ty chip Trung Quốc rất khó hoạt động hợp pháp trên hòn đảo này.
Các kỹ sư Đài Loan cũng được tự do đến Trung Quốc, nhưng nhiều người thích chất lượng cuộc sống trên đảo, đặc biệt là khi các hạn chế trong đại dịch khiến việc đi lại khó khăn hơn.
Theo Reuters, một trường hợp đang được điều tra liên quan đến công ty phân tích dữ liệu của Đài Loan mà các nhà chức trách tin rằng đó là chi nhánh công ty chip có trụ sở tại thành phố Thượng Hải đang gửi bản thiết kế chip cho Trung Quốc.
Vào giữa tháng 3.2022, sau gần 1 năm theo dõi, Cục Điều tra đã triệu tập chủ sở hữu của công ty để thẩm vấn. Họ cho biết chủ sở hữu đã được tại ngoại khi từ chối xác định công ty vì các khoản phí vẫn chưa được đưa ra.
Các chiêu trò khác được sử dụng như kết hợp các đơn vị tại các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman, khiến việc xác định dòng tiền từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Công ty thiết kế vi mạch (IC) Starblaze Technology có trụ sở tại Bắc Kinh đã bị cáo buộc điều hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở thành phố Tân Trúc (trung tâm công nghệ Đài Loan) mà không được chấp thuận. Theo các tài liệu của tòa án mà Reuters có được, Starblaze Technology bị cáo buộc đã thực hiện các cuộc phỏng vấn việc làm thông qua Zoom và sử dụng một công ty Hồng Kông để giải quyết việc trả lương, bảo hiểm cho nhân tài Đài Loan. Phiên tòa đang diễn ra.
Tongfu Microelectronics, công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc, bị cáo buộc có văn phòng bất hợp pháp ở Đài Loan mà nhân viên nhận lương bằng USD trong các tài khoản nước ngoài được chuyển qua một công ty con có trụ sở tại Hồng Kông. Các bị cáo đã bị kết tội vào tháng 1.2022.
Starblaze Technology và Tongfu Microelectronics đã không trả lời câu hỏi về vấn đề trên.
Theo Lucy Chen, Phó chủ tịch của hãng Isaiah Research có trụ sở tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan), năm ngoái các công ty chip Trung Quốc đã thu hút nhân tài bằng lương cao gấp 2-3 lần mức lương tại địa phương. Những nhân viên được săn đón nhiều nhất là các nhà thiết kế vi mạch có thể làm việc từ xa.
Dù khó cạnh tranh về lương, các công ty Đài Loan hướng đến mục tiêu phát triển sự nghiệp lâu dài an toàn hơn và cung cấp các đặc quyền như trung tâm chăm sóc ban ngày, mát xa và phòng tập thể dục trong khuôn viên, lãnh đạo công ty chip Tân Trúc cho biết.
Những người từng bị Trung Quốc săn trộm có nguy cơ không tìm được việc làm lại tại các công ty công nghệ Đài Loan cũng như chịu sự xấu hổ trước công chúng. Một số lãnh đạo cấp cao của TSMC từng làm việc cho SMIC (hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) bị báo chí Đài Loan gán cho là biệt danh kẻ phản bội.
Các nhà chức trách Đài Loan cũng đang làm việc để tăng hình phạt với hành vi săn trộm tài năng. Mức án tù tối đa được thiết lập để tăng lên 3 năm từ 1 năm và tiền phạt tối đa từ 5.200 USD đến 520.525 USD.
Trong động thái liên quan, chính quyền Đài Loan đã đề xuất rằng “làm rò rỉ các công nghệ chip lõi là vi phạm luật an ninh hòn đảo”.
Thế nhưng có những lo ngại rằng các quy tắc cứng rắn hơn có thể cản trở nỗ lực của nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng, bao gồm cả các nguyên liệu để sản xuất chip.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta loại bỏ các nhà đầu tư nước ngoài hợp pháp và gây thiệt hại cho nền kinh tế của chúng ta do các quy định quá nghiêm ngặt?", quan chức cấp cao của Cục Điều tra đặt câu hỏi.