Quân đội Myanmar (Tatmadaw) bị thách thức trên các mặt trận mới sau cuộc đàn áp người biểu tình trên đường phố.

Bị các nhóm dân tộc nổi dậy đe dọa, quân đội Myanmar giảm sút vị thế trước Ngày Lực lượng Vũ trang

Nhân Hoàng | 24/03/2021, 18:57

Quân đội Myanmar (Tatmadaw) bị thách thức trên các mặt trận mới sau cuộc đàn áp người biểu tình trên đường phố.

Khi lần đầu tiên đến ngôi làng bên ngoài thành phố Dawei, những người lính Myanmar đã bắn những con chó và cả vật nuôi đã được thuần hóa đi lạc để làm im tiếng sủa, kêu. Sau đó, họ nhắm vào những chiếc ô tô và xe máy đang đậu, dùng súng phá hủy chúng khi di chuyển qua làng…

Đây là cảnh được miêu tả bởi một phụ nữ trong ngôi làng chỉ cách Dawei 20 phút đi xe máy, một tâm điểm chống đảo chính ở miền nam khi quân đội đến vào tháng 2.2021 để dẹp tan bất đồng chính kiến. Cha già của người phụ nữ này bị đánh đập phải nhập viện.

Cô nói thêm, bạo lực diễn ra nghiêm trọng và nhanh chóng đến nỗi tất cả thanh niên trong làng cô đều bỏ chạy vào những khu rừng gần đó vì sợ hãi.

"Họ vẫn đang trốn ở đó; tất cả những người trên 18 tuổi đã đi trốn và vẫn ở đó", cô kể.

Theo các nhân chứng, việc bị Tatmadaw hành hung trong và xung quanh Dawei đã trở nên bình thường ở Myanmar. Song khi chiến dịch đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ trở nên đẫm máu hơn, Tatmadaw đã phải chịu áp lực trên các mặt trận mới từ các nhóm dân tộc vũ trang, những người hoạt động trên những vùng đất rộng lớn dọc theo biên giới với Trung Quốc, nước láng giềng phía bắc Myanmar.

Tatmadaw đã triển khai các chiến thuật ở các góc xa xôi, nông thôn và trong các trung tâm đô thị đông dân cư để trấn áp làn sóng giận dữ của công chúng, phần lớn nhắm vào Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu cuộc đảo chính hôm 1.2 và đang nắm chính quyền.

Tuần trước, binh lính di chuyển qua các trung tâm đô thị đe dọa giết người dân nếu không hợp tác.

"Lần tới khi chúng tôi đến đường của bạn và nếu bị chặn, chúng tôi sẽ bắn tất cả mọi người trên đường", một người lính nói qua loa trong khu phố ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.

Theo các nhóm hoạt động, hơn 260 người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp các cuộc biểu tình, trong đó có một bé gái 7 tuổi ở thành phố Mandalay lớn thứ hai Myanmar hôm 24.3. Số người chết dưới tay lực lượng an ninh là con số cao nhất mà Myanmar từng chứng kiến ​​kể từ cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ chống lại chính quyền vào năm 1988, khi ước tính có khoảng 3.500 người thiệt mạng.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, những thường dân thiệt mạng có một cậu bé 15 tuổi, một cô gái 16 tuổi và một người đi mua sắm ở Yangon. Một số nạn nhân đã bị bắn vào đầu bởi các tay súng bắn tỉa.

Dù vậy, hàng ngàn nhà vận động ủng hộ dân chủ đã ngày đêm dũng cảm xuống đường, cầm biểu ngữ lên án Tatmadaw. Các nhà quan sát tại Yangon ghi nhận các thanh niên 20 - 30 tuổi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến, được gọi là Phong trào Bất tuân dân sự (CDM).

Nay Yan Oo, nhà phân tích chính trị ở Yangon, cho biết: “Việc Tatmadaw sử dụng bạo lực đã chia rẽ dân số, trong đó thế hệ X muốn giữ im lặng, nhưng những người trẻ, thế hệ Z, quyết tâm chống trả đến cùng. Thế hệ Z vẫn đang bùng cháy và họ sẽ không từ bỏ cho đến khi quân đội bàn giao quyền lực cho một chính phủ dân sự".

Ông ghi nhận CDM vì đã biến cuộc đảo chính không thể hoàn chỉnh gần hai tháng sau khi Tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân sự của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.2020.

Nay Yan Oo nói thêm: “Bất chấp bạo lực của Tatmadaw, một số cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên khắp đất nước mỗi ngày. Đã gần hai tháng trôi qua nhưng Tatmadaw vẫn chưa thể giành toàn quyền kiểm soát đất nước".

bi-cac-phien-quan-dan-toc-de-doa-quan-doi-myanmar-o-vi-tri-yeu-truoc-ngay-luc-luong-vu-trang.jpg
Một binh sĩ Myanmar ngồi bên trong xe trước ngôi đền Hindu ở trung tâm thành phố Yangon

Triển vọng của cuộc đảo chính không hoàn chỉnh đang được định hình ở các góc độ khác. Tatmadaw phải đối mặt với sự kháng cự từ các nhóm dân tộc nổi dậy dọc theo biên giới đất nước hỗ trợ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Các dân tộc thiểu số Myanmar chiếm 1/3 trong số 53 triệu dân nước này.

Chính quyền quân sự Myanmar nhận được cảnh báo về sự thay đổi này vào tháng trước, khi 10 nhóm vũ trang dân tộc trước đó đồng ý ngừng bắn trong nỗ lực chấm dứt hàng thập kỷ thù địch đã phá vỡ thỏa thuận đó. 10 nhóm này nằm trong số những phiến quân dân tộc thiểu số có khoảng 100.000 lính vũ trang trong hàng ngũ của họ. Quân đội Myanmar được cho có 350.000 người, trở thành lực lượng vũ trang lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia.

Các nhóm nổi dậy từ người Karen, Shan và Kachin đã cổ vũ cho các quan điểm chống chính quyền của họ. Các phương tiện truyền thông đưa tin cánh vũ trang của Liên minh Quốc gia Karen (KNU) gần đây đã cắt đường cung cấp lương thực để nuôi các binh sĩ được triển khai gần biên giới Thái Lan - Myanmar. Trong diễn biến khác, cánh vũ trang của Kachin, hoạt động gần biên giới Myanmar - Trung Quốc, đã tiến hành các cuộc tấn công mới vào các địa điểm quân sự trong tháng này. Chủ nhật tuần trước, một tiểu đoàn của Quân đội Độc lập Kachin đã thực hiện cuộc tấn công rạng sáng vào ba căn cứ do quân đội Myanmar nắm giữ.

Hôm 10.3, Ủy ban đại diện Hạ viện Myanmar (CRPH, Hạ Viện bị chính quyền quân sự giải tán) thông báo đã bổ nhiệm ông Mahn Win Khaing Than làm quyền Phó tổng thống Myanmar.

Động thái của CRPH thể hiện mong muốn “thành lập một chính phủ lâm thời” tại Myanmar, cho đến khi bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác được trả tự do.

Đây được cho là động thái mang tính biểu tượng vì chính quyền Myanmar đang do quân đội nắm giữ.

Mahn Win Khaing Than từng là Chủ tịch Thượng viện đã bị lật đổ, nơi ở của ông hiện được giữ bí mật.

Hiện CRPH đang xây dựng căn cứ và tích cực thiết lập liên minh với các lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số kiểm soát vùng biên giới của nước này.

Jason Tower, nhà nghiên cứu làm việc về các vấn đề xung đột ở Myanmar cho Viện Hòa bình Mỹ - tổ chức tư vấn được Quốc hội Mỹ ủng hộ, cho hay: “KNU đã lên án cuộc đảo chính và không còn công nhận Tatmadaw là tác nhân hợp pháp. Tatmadaw sẽ phải giải quyết sự đẩy lùi ngày càng tăng từ các nhóm vũ trang dân tộc".

Jason Tower nói rằng sự kìm kẹp của Tatmadaw với Myanmar sẽ được nới lỏng khi nếu xảy ra xung đột với các nhóm nổi dậy sau sự hỗn loạn do cuộc đảo chính gây ra. Ông nói: “Tatmadaw sẽ bị suy yếu về mặt chiến lược nếu phải đối mặt với xung đột với các nhóm vũ trang sắc tộc trên nhiều mặt trận. Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn khi quân nổi dậy liên kết chiến lược với CDM".

Tuyên bố hôm 23.3 của Quân đội Arakan - lực lượng nổi dậy hùng mạnh từng chiến đấu với quân đội Myanmar vào năm 2019 và 2020 ở bang Rakhine – gửi cảnh báo mới nhất tới chính phủ quân sự về sự thay đổi liên minh chính trị. Quân đội Arakan tuyên bố không đứng cùng hàng ngũ với các nhóm sắc tộc vũ trang khác để lên án cuộc đảo chính và đàn áp sau đó.

Song, đó không phải là tất cả. Nguồn lực của Tatmadaw cũng đang bị ảnh hưởng khi Trung Quốc gây áp lực lên chính quyền quân sự để bảo vệ tài sản kinh tế của họ sau khi 32 nhà máy do nước này làm chủ ở Yangon bị đốt cháy trong tháng 3.2021. Các khoản đầu tư là một phần trong số cổ phần trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc tại Myanmar, trải dài từ đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn như một phần sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

"Các mối đe dọa với tài sản và tính mạng của Trung Quốc sẽ được xem xét rất nghiêm túc và như đã thấy, các nhà ngoại giao sẽ muốn đưa ra phản ứng ngay lập tức. Thế nhưng, các quan chức Trung Quốc cũng biết rằng quan hệ sẽ phải được duy trì với tất cả bên trong tình trạng bế tắc hiện tại, bao gồm chính phủ quân sự, NLD và các phong trào dân tộc thiểu số vì còn quá sớm để biết ai cuối cùng sẽ thành công", nhà phân tích cấp cao giấu tên tại một tổ chức tư vấn tại Yangon nói.

Quan điểm này đối đầu với việc muốn thể hiện sự bất khả chiến bại mà quân đội tìm cách đưa ra trong Ngày Lực lượng Vũ trang hàng năm, được ấn định vào 27.3, ngày kỷ niệm cuộc kháng chiến của quân đội chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản vào 1945.

Vừa kết thúc nhiệm vụ tại Yangon, một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với trang Nikkei: “Tatmadaw không ở vị thế mạnh hiện nay, bị cô lập hơn và có những thách thức an ninh trên nhiều mặt trận. Chế độ quân sự đang ở vị thế yếu hơn kể từ cuộc đảo chính so với những gì nhiều người nghĩ".

Bài liên quan
Thái Lan lo sợ có trận chiến biên giới giữa quân đội Myanmar và các nhóm nổi dậy
Lực lượng quân đội Thái Lan ở biên giới phía tây bắc nước này đã huấn luyện trẻ em tránh né, bò và ẩn nấp, đề phòng tình huống xung đột giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang dân tộc tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị các nhóm dân tộc nổi dậy đe dọa, quân đội Myanmar giảm sút vị thế trước Ngày Lực lượng Vũ trang